| Hotline: 0983.970.780

Thạch Hà (Hà Tĩnh): Nhiều nơi mất mùa nặng do đạo ôn cổ bông

Thứ Sáu 20/05/2022 , 06:47 (GMT+7)

Nhiều cánh đồng lớn gieo cấy cùng một giống lúa ở huyện Thạch Hà thất thu năng suất từ 40 - 50%, thậm chí có thửa bị 'xóa sổ' vì bệnh đạo ôn cổ bông.

Trồng lúa, gặt... rơm!

Trung tuần tháng 5 hàng năm, khắp các vùng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh thường rộn rã tiếng máy gặt pha lẫn tiếng cười được mùa của nông dân. Thế nhưng vụ xuân năm nay, bà con chả buồn ra đồng thu hoạch. Nguyên nhân do lúa đã bị bệnh đạo ôn cổ bông "ăn trắng” ruộng, tiền bán lúa không đủ bù chi phí thuê máy gặt.

Bệnh đạo ôn cổ bông 'ăn' trắng 1 mẫu ruộng giống lúa ADI 168 của hộ anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân (Thạch Hà). Ảnh: Thanh Nga.

Bệnh đạo ôn cổ bông "ăn" trắng 1 mẫu ruộng giống lúa ADI 168 của hộ anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân (Thạch Hà). Ảnh: Thanh Nga.

Ngày 18/5, cả cánh đồng rộng lớn hàng trăm ha ở thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà chỉ lác đác vài chiếc máy gặt bà con thuê thu hoạch, hay nói đúng hơn dọn dẹp ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ lúa mới.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám vừa đổ 26 bì lúa mới gặt xong ra phơi vừa than thở: “Vụ xuân năm ngoái 6 sào ruộng này tui thu 60 bì lúa mà năm ni mất hơn một nửa”.

Thiệt hại nặng hơn là hộ anh Phạm Văn Hùng. Gia đình anh Hùng gieo cấy gần 1 mẫu giống lúa ADI 168 (do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI cung ứng). Trong quá trình sản xuất, anh Hùng tổ chức chăm sóc lúa như những năm trước, riêng việc phun phòng bệnh đạo ôn, gia đình anh phun 2 lần theo khuyến cáo của thôn, xã. Tuy nhiên cuối vụ, toàn bộ diện tích gần như mất trắng.

“Giờ gặt để vệ sinh ruộng chứ ban đầu tôi định đốt hết. Gặt 5 sào mà được có 19 bì lúa. Trước đây mỗi bì lúa tươi nặng khoảng 40kg thì nay chưa được 20kg (vì chủ yếu hạt lép), tính ra năng suất mỗi sào chỉ khoảng 70kg”, anh Hùng ngán ngẩm.

Nông dân xót xa khi những bông lúa chỉ toàn hạt lép. Ảnh: Thanh Nga.

Nông dân xót xa khi những bông lúa chỉ toàn hạt lép. Ảnh: Thanh Nga.

Hộ dân này cho biết thêm, nhiều gia đình trong thôn thiệt hại nặng hơn đã cho các hộ chăn nuôi vịt thu hoạch để làm thức ăn chăn nuôi nhưng họ cũng không mặn mà. 

“Vụ xuân năm nay, bà con ở đây mua giống lúa mới thông qua thôn, xã giới thiệu, nhưng bị bệnh đạo ôn rất nặng. Chúng tôi sống nhờ ruộng mà giờ phải đi đong gạo ăn thật là oái oăm”, ông Đoàn Quang Dũng, thôn Đông Sơn buồn bã.

Chung cảnh ngộ mất mùa như thôn Đông Sơn, hàng chục hộ dân thôn Phúc Điền, xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) sản xuất cánh đồng lớn, với giống lúa do huyện, xã đưa về hỗ trợ cũng đều nhiễm đạo ôn nặng.

Gia đình bà Hoàng Thị Thanh ở thôn Phúc Điền sản xuất 4 sào giống lúa J02 do Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh cung ứng. Khi có chủ trương phá bờ vùng, bờ thửa, gia đình bà đồng thuận thực hiện các giải pháp canh tác đồng bộ, từ khâu làm đất, chăm sóc đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Thực trạng mất mùa lặp lại lần thứ 2 tại cánh đồng lớn thôn Phúc Điền, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà khiến người dân ngán ngẩm khi nhắc đến giống lúa trợ giá của huyện, xã. Ảnh: Thanh Nga.

Thực trạng mất mùa lặp lại lần thứ 2 tại cánh đồng lớn thôn Phúc Điền, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà khiến người dân ngán ngẩm khi nhắc đến giống lúa trợ giá của huyện, xã. Ảnh: Thanh Nga.

Theo bà Thanh, những năm được mùa, 4 sào ruộng của bà thu về khoảng 1,2 tấn lúa nhưng vụ này ước thu hoạch chỉ được 4 – 5 tạ.

Cũng có 4 sào ruộng nằm trong cánh đồng lớn thôn Phúc Điền, chị Nguyễn Thị Hà cho hay, mặc dù phun phòng đạo ôn cổ bông kịp thời theo khuyến cáo của xã, thôn nhưng toàn bộ diện tích lúa J02 vẫn thất thu, năng suất ước giảm từ 50 - 60%. Đáng nói, những vị trí dặm giống lúa khác không nhiễm đạo ôn cổ bông, lúa đẹp, hạt chắc, trong khi J02 bị đạo ôn nặng.

Ông Trần Văn Trọng, trưởng thôn Phúc Điền cho rằng, huyện Thạch Hà và xã Nam Điền đưa giống lúa mới vào sản xuất trên cánh đồng lớn của thôn là chưa phù hợp. Từ giống ADI 168 sản xuất vụ xuân 2021 cho tới J02 gieo cấy vụ xuân 2022 đều mẫn cảm với bệnh đạo ôn, chống chịu sâu bệnh kém và năng suất hạn chế.

Những bông lúa J02 lẹt đẹt, ngắn tũn, bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng. Ảnh: Thanh Nga.

Những bông lúa J02 lẹt đẹt, ngắn tũn, bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng. Ảnh: Thanh Nga.

Vụ xuân năm nay, toàn thôn Phúc Điền sản xuất hơn 22ha lúa, cơ cấu 5 bộ giống gồm: J02, Bắc Thơm, Bắc Thịnh, Khang Dân và nếp. Do lúa trỗ đúng thời điểm mưa rét, sâu bệnh gây hại diện rộng nên năng suất thu hoạch bình quân ước chỉ đạt 1,7 – 1,8 tạ/sào. Trong đó, 13,5 ha sản xuất cánh đồng lớn giống J02 thiệt hại nặng nhất (ước đạt khoảng 1,2 – 1,3 tạ/sào), cá biệt, một số hộ mất trắng, không có thu hoạch.

Ông Đặng Đình Tứ, trưởng thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân kể: “Năm 2017, giống lúa Thiên ưu 8 mất mùa nhưng khi đó mới cơ cấu diện tích chưa hết cả thôn, còn giờ phá bờ thửa, nhiều hộ làm một giống hết toàn bộ diện tích nên thiệt hại còn nặng hơn cả năm 2017. Đau hơn là phân, đạm đắt gấp đôi nên dân thiệt hại cả 2 đầu”.

“Nghe giống mới sợ mất hồn”

Khi chúng tôi hỏi về việc có tiếp tục sản xuất các giống lúa mới do huyện, xã hỗ trợ trong những năm tới, cả cán bộ thôn lẫn người dân đều lắc đầu ngán ngẩm.

Trưởng thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân cho biết, ít nhất 20ha gieo cấy giống lúa TH8 và ADI 168 gần như bị 'xóa sổ' vì bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Thanh Nga.

Trưởng thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân cho biết, ít nhất 20ha gieo cấy giống lúa TH8 và ADI 168 gần như bị "xóa sổ" vì bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Thanh Nga.

“Trong một ruộng nhưng những vị trí dặm giống lúa khác không bị đạo ôn, nhưng giống TH8 và ADI 168 thì bị đạo ôn trắng xóa. Xã, huyện chỉ đạo đưa giống mới, chủ lực vào sản xuất nhưng lại toàn giống nhiễm đạo ôn nặng. Dân giờ nghe giống mới sợ mất hồn”, ông Đặng Đình Tứ, Trưởng thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân nói.

Theo ông Tứ, vụ xuân năm nay lúa sâu bệnh nhiều, thời tiết cũng bất lợi khiến hầu hết các giống nhìn chung đều giảm năng suất. Tuy nhiên, 2 giống lúa do huyện, xã cơ cấu chủ lực là TH8 (do Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cung ứng) và ADI 168 là mất mùa đau nhất.

Cụ thể, trong tổng số hơn 70ha lúa vụ xuân toàn thôn, có đến 20ha giống TH8 và 15ha giống ADI 168 thiệt hại trên 70% năng suất; trong đó 20ha gần như bị “xóa sổ”. Tính sơ sơ, thôn Đông Sơn mất ít nhất khoảng 200 tấn lúa vì bệnh đạo ôn cổ bông.

Nhiều diện diện tích lúa giảm năng suất 50 - 70% khiến người dân không muốn thu hoạch. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều diện diện tích lúa giảm năng suất 50 - 70% khiến người dân không muốn thu hoạch. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều gia đình mất trắng toàn bộ lương thực như: Ông Đặng Đình Thành mất 1 mẫu lúa, giống TH8; ông Đặng Đình Tứ mất 1 mẫu, giống lúa TH8; ông Phạm Văn Đại mất 6 sào, giống lúa TH8; ông Phạm Văn Đình mất 5 sào, giống lúa TH8; ông Nguyễn Văn Thái mất 6 sào, giống lúa ADI 168; ông Nguyễn Quang Tiến mất 6 sào, giống lúa ADI 168; ông Nguyễn Văn Hệ mất 8 sào, giống lúa ADI 168; ông Lê Trọng Bằng mất 7 sào, giống lúa ADI 168…

Ông Trần Văn Trọng, trưởng thôn Phúc Điền, xã Nam Điền cũng cho rằng: “Những năm tới xã, huyện cho giống, dân khả năng cao không chấp nhận vì lần nào đưa xuống xã, huyện cũng bảo giống tốt nhưng cuối cùng cũng mất mùa”.

Tình trạng mất mùa, giảm năng suất từ chính sách hỗ trợ giống lúa mới tại huyện Thạch Hà không phải lần đầu tiên xảy ra. Điều này đặt ra một dấu hỏi về năng lực lựa chọn bộ giống chủ lực đưa vào cơ cấu của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn (cụ thể là Sở NN-PTNT, Phòng Nông nghiệp cấp huyện).

Lúa J02 rỗng ruột, khô quắt vì bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Thanh Nga.

Lúa J02 rỗng ruột, khô quắt vì bệnh đạo ôn cổ bông. Ảnh: Thanh Nga.

“Việc cơ cấu quá nhiều giống mới chưa đủ độ “chín” vào đề án trong một vụ sản xuất, sau đó chỉ đạo gieo cấy đại trà trên cánh đồng lớn là quá mạo hiểm, và thực tế nông dân Thạch Hà đã ít nhất 2 lần gánh hậu quả. Nếu tiếp tục cơ cấu ồ ạt các giống lúa mới, mẫn cảm với bệnh đạo ôn như ADI 168, TH8, J02, Thái Xuyên 111… vào sản xuất, chắc chắn tình trạng mất mùa ở Hà Tĩnh còn lặp đi lặp lại dài dài”, một cán bộ chuyên lĩnh vực trồng trọt (xin dấu tên) nói.

Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Điền, huyện Thạch Hà thừa nhận, ngay từ đầu đã biết giống lúa J02 mẫn cảm với đạo ôn cổ bông. Do đó, quá trình sản xuất đã chỉ đạo các hộ dân phun phòng 98% diện tích nhưng kết quả năng suất lúa vẫn thất thu. Khi được hỏi vì sao biết giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn mà xã vẫn cố đưa vào sản xuất, vị cán bộ im lặng!.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất