Ngày 19/4, Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa đông xuân tại một số tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu 4, thời điểm hiện tại, đã xuất hiện một số sâu bệnh gây hại đe dọa lúa vụ xuân của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là bệnh đạo ôn.
Theo báo cáo của các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật vùng Bắc Trung Bộ, thời gian qua, bệnh đạo ôn lá cao điểm đã phát sinh, gây hại từ ngày 18/3 đến 10/4. Thời gian này, toàn vùng có khoảng gần 7.000 ha lúa nhiễm đạo ôn lá, trong đó 491 ha bị nặng, gần 18 ha cháy lụi.
Trong số các tỉnh, Nghệ An bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.752 ha (nặng 416 ha, cháy lụi 18 ha); kế đó là Quảng Trị 705 ha (nặng 28 ha), Thừa Thiên - Huế 566 ha (nặng 6 ha); Quảng Bình 487 ha (nặng 3 ha); Hà Tĩnh 420 ha (nặng 36 ha), Thanh Hóa 16 ha (nặng 1,2 ha). So với cùng kỳ năm trước, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá tăng 3.191 ha.
Tính đến ngày 18/4, tình hình bệnh đạo ôn lá có phần hạ nhiệt nhưng không thể chủ quan, lơ là. Toàn vùng Bắc Trung Bộ còn trên 3.059 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó nhiễm nặng hơn 188 ha, trong đó Nghệ An vẫn dẫn dầu với trên 2.330 ha (nặng 185 ha, cháy chòm 9 ha). Đáng nói, qua điều tra của ngành BVTV thì trên những ruộng đã nhiễm đạo ôn lá và trên các giống nhiễm đều xuất hiện vết bệnh hằn trên cổ lá, tai lá.
Diện tích lúa xuân bị đạo ôn lá khá nhiều, dù vậy khu vực bị đạo ôn cổ bông cơ bản đang được gói gọn, chỉ xoay quanh khoảng 57 ha, tập trung phần lớn ở tỉnh Quảng Trị (40 ha).
Ngoài bệnh đạo ôn lá, hiện nông dân trồng lúa toàn khu vực Bắc Trung Bộ còn phải đối phó với hàng loạt sâu bệnh gây hại khác, điển hình như khô vằn (10.634 ha nhiễm); bạc lá, đốm sọc vi khuẩn (3.878 ha); lem lép hạt (1.430 ha); rầy (252 ha)…
Theo dự báo, với diễn biến thời tiết trong thời gian tới, nhiều khả năng bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông sẽ phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn trỗ, chín sữa, đặc biệt nguy cơ hại nặng trên những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá, trên các giống nhiễm như NA6, TBR225, AC5, BC15, BTE1, P6, Thiên Ưu 8, Hương Ưu 98...
Vì vậy, nếu các địa phương và nông dân lơ là trong công tác phun phòng bệnh đạo ôn (nhất là vùng bãi ngang đất cát ven biển, ven sông, vùng trung du, miền núi, vùng thiếu nước, các chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm), nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông gây hại sẽ rất cao trong thời gian tới.
Với tỉnh Nghệ An, ngành BVTV địa phương khuyến cáo bệnh đạo ôn cổ bông nguy cơ tiếp tục gây hại nặng trên trà lúa trỗ trong thời gian tới, nhất là khi gặp mưa kéo dài, ẩm độ không khí cao và không được phun phòng kịp thời. Với các bộ giống có mức độ nhiễm bệnh cao như AC5, TBR225, P6, Xi, Nếp, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168,Thiên Ưu 8…, nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông càng cao.
Ngày 19/4, sau khi cùng đoàn công tác nắm bắt trực tiếp diễn biến trên ruộng đồng Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh: So với các năm, tình hình thời tiết năm nay tương đối phức tạp, điều này ảnh hưởng phần nào đến quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Nếu thời tiết những ngày tới không chuyển biến theo chiều hướng có lợi, khả năng cao bệnh đạo ôn sẽ lây lan nhanh. Do đó từ nay đến cuối tháng 4/2022, Cục BVTV đề nghị các địa phương và bà con nông dân phải tích cực bám sát đồng ruộng, chủ động theo dõi diễn biến chung, phát hiện sớm ổ đạo ôn để kịp thời đôn đốc phun phòng, phun trừ, áp dụng theo đúng khuyến cáo và chỉ đạo của của cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật.