| Hotline: 0983.970.780

Thách thức trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài 2]: Đỏ mắt tìm cán bộ thú y

Thứ Ba 30/05/2023 , 09:04 (GMT+7)

Việc sáp nhập và thiếu lực lượng thú y cấp huyện khiến mỗi khi có dịch, người chăn nuôi không biết tìm cán bộ ở đâu, đành phải tự cứu mình.

Cán bộ thú y cấp cơ sở ngày càng thiếu. Ảnh: Minh Quý.

Cán bộ thú y cấp cơ sở ngày càng thiếu. Ảnh: Minh Quý.

Thiếu cán bộ thú y, người dân phải tự xoay xở

Hết dịch bệnh heo tai xanh lại đến dịch tả heo Châu Phi đã khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, thiệt hại. Thay vì nhận được sự hỗ trợ của các cán bộ thú y cơ sở trong phòng chống dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi đang phải tự cứu mình nếu không sẽ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần, không có khả năng phục hồi sản xuất.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay ngành chăn nuôi ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum chưa phát triển như mong muốn, người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Người dân chăn nuôi với mục đích tự cung, tự cấp hoặc nuôi tận dụng, thậm chí ở các làng đồng bào dân tộc vẫn còn nuôi thả rông, do đó công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh động vật rất khó khăn.

Hiện nay, về cơ bản năng lực của cán bộ làm công tác chăn nuôi, thú y của cấp tỉnh, cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Từ đó dẫn đến việc khi xảy ra dịch bệnh, người dân và doanh nghiệp không mong chờ ở các cán bộ thú ý mà phải tự cứu mình.

Thiếu cán bộ thú y, công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi ngày càng khó khăn. Ảnh: Minh Quý. 

Thiếu cán bộ thú y, công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi ngày càng khó khăn. Ảnh: Minh Quý. 

Ghi nhận thực tế tại Kon Tum, trước đây mỗi khi địa bàn có dịch bệnh xảy ra, các cán bộ làm công tác thú y trên địa bàn đều có mặt tại các hộ gia đình có gia súc, gia cầm chết để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp tiêm phòng chống dịch bệnh cho số vật nuôi còn lại.

Tuy nhiên, sau khi cán bộ thú y cấp xã không còn có trong biên chế nhà nước, công việc phòng chống dịch bệnh tại các hộ gia đình khó khăn hơn nhiều.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Dung (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) với gần 30 năm theo đuổi nghề nuôi heo. Từ quy mô nhỏ lẻ, đến nay gia đình chị Dung đã phát triển thành trang trại với 1.500 con heo thịt và 170 con heo nái.

Chị Dung cho biết, từ khi bước vào nghề chăn nuôi heo đến nay, gia đình chưa gặp bất cứ khó khăn nào trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cách đây vài năm, duy nhất 1 lần đàn heo của gia đình bị dịch lở mồn long móng, sau đó cán bộ thú y đến thực hiện tiêu hủy hết.

Với kinh nghiệm nuôi heo của mình, chị Dung cho biết, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, việc chăm sóc heo cũng như vệ sinh chuồng trại là rất quan trọng.

Hiện tại, với quy mô trang trại, gia đình chị Dung đang xây dựng quy trình về đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo. Với mô hình khép kín, trang trại heo của gia định chị dung luôn có 1 cán bộ thú y túc trực 24/24, khi chỉ cần có dấu hiệu dịch bệnh sẽ kịp thời xử lý ngay.

Để cập đến thú y cấp cơ sở, chị Dung chia sẻ: "Từ trước đến nay, gia đình chưa bao giờ được hỗ trợ từ các cán bộ thú y cơ sở trong phòng chống dịch bệnh. Ngày trước khi gia đình còn chăn nuôi nhỏ lẻ tự thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh, đỡ đẻ cho heo cũng như tự điều trị bệnh khi đàn heo bị đau ốm”.

Mỗi khi xảy ra dịch bệnh, ông Tuấn đều tự cứu mình. Ảnh: Tuấn Anh.

Mỗi khi xảy ra dịch bệnh, ông Tuấn đều tự cứu mình. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo chị Dung, hiện các cán bộ thú y cấp xã chủ yếu đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh của người dân là chính, còn về việc khám chữa bệnh là gần như không có.

Tại Gia Lai, thời gian qua rất nhiều hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn thị xã An Khê rất đau đầu trược diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Nuôi hơn 100 con heo nái, ông Đỗ Đình Tuấn (ngụ phương Tân An, thị xã An Khê) cho biết, người dân nuôi heo trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá cả xuống thấp cộng với dịch bệnh hoành hành, khiến không ít người dân phải bán tháo.

Trên địa bàn An Khê thời gian qua, đàn heo xảy ra rất nhiều loại dịch bệnh như: Tả lợn Châu Phi, heo tai xanh… nhưng khi người dân báo lên cán bộ thú y địa phương thì không được sự hỗ trợ. Thay vào đó, cán bộ thú ý chỉ khuyến cáo người dân tiêu hủy heo bị chết, không được vứt ra môi trường”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết thêm, gia đình ông vừa qua bị dịch heo tai xanh, may mắn chỉ bị thiệt hại khoảng 30%, trong khi nhiều hộ gia đình khác heo bị dịch bệnh gây thiết hại gần hết.

Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trong đó, nội dung bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y, dẫn đến nhiều tỉnh Tây Nguyên đã phải ban hành các quyết định bổ sung chức danh thú y vào nhóm chức danh bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn để đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả nhưng vẫn thiếu đội ngũ này.

Ngành chăn nuôi đang rất cần các cán bộ thú y. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngành chăn nuôi đang rất cần các cán bộ thú y. Ảnh: Tuấn Anh.

Tự áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch

Tại tỉnh Lâm Đồng, gia đình ông Nguyễn Sơn Thượng ở xã Tân Hà (huyện Lâm Hà) xây dựng mô hình trang trại gia đình với quy mô trên 500 con heo. Trong đó khoảng 400 heo thịt và trên 100 heo nái.

Theo chủ trang trại, hiện nay dịch bệnh trên đàn heo có diễn biến phức tạp và một khi heo bị nhiễm bệnh sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn. Do vậy, dù quy mô nông hộ nhưng gia đình ông vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, yêu cầu những thành viên trong gia đình phải tuân thủ các quy trình phòng bệnh.

Ông Nguyễn Sơn Thượng chia sẻ: “Gia đình có người có kiến thức ở lĩnh vực thú y nên việc phòng ngừa dịch bệnh đều tự làm. Các loại vật phẩm, vacxin ngừa bệnh gia đình cứ mua sẵn để phục vụ chăn nuôi”.

Cũng theo ông Thượng, gia đình tự túc trong khâu thú y nên hiệu quả sẽ không sánh bằng quy trình chuyên nghiệp ở các trang trại công nghiệp hoặc trang trại có cán bộ, kỹ sư chuyên môn cao.

Hiện nay, để an toàn trước dịch bệnh, gia đình ông Thượng yêu cầu người trực tiếp chăn nuôi tại trang trại không được ra ngoài. Cán bộ kỹ thuật khi đến trại phải tắm rửa sạch sẽ và mang đồ bảo hộ của trang trại để ngăn ngừa mầm bệnh từ ngoài vào.

Tại xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình ông Nguyễn Văn Vượng đang phát triển ổn định với mô hình trang trại gia công, chăn nuôi gà thịt với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Theo đó, gia đình ông xây dựng trang trại tại thôn 5, xã Gia Lâm từ năm 2020 và nuôi khoảng 40.000 con gà.

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, gia đình áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp các hệ thống hiện đại trong khử khuẩn, khử trùng. Đặc biệt, hệ thống thú y cho chuồng trại của gia đình đã được chuyên gia của công ty trực tiếp quản lý.

Ông Võ Thanh Nhàn, Quản lý Kỹ thuật gia cầm Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam khu vực Lâm Đồng cho biết, hiện nay, trang trại của gia đình ông Vượng là một trong những trang trại đang áp dụng quy trình kỹ thuật, an toàn sinh học của công ty.

Đối với diễn biến của dịch bệnh, ngoài thông tin từ cơ quan thú y địa phương, Công ty vẫn phải tham khảo trên các phương tiện truyền thông, báo, đài để nắm thông tin nhằm phổ biến đến trang trại và đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.