| Hotline: 0983.970.780

Thách thức với lệnh động viên quân của ông Putin

Thứ Năm 22/09/2022 , 13:54 (GMT+7)

Chuyên gia phương Tây dự đoán lệnh động viên một phần của Tổng thống Nga Putin sẽ kéo dài xung đột ở Ukraine nhưng không thể thay đổi cục diện chiến trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 21/9. Ảnh: Kremlin.ru.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 21/9. Ảnh: Kremlin.ru.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/9 ban lệnh “động viên một phần” nhằm hy động thêm 300.000 quân dự bị cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sau khi quân đội nước này đang đối mặt không ít thách thức và khó khăn trên chiến trường.

Lệnh được ban bố trong bối cảnh Moskva vẫn cho thấy họ kiên quyết giữ vững những vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát thông qua kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga tại 4 khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá đây là một bước đi mạo hiểm về mặt chính trị đối với ông Putin, khi nó có thể thổi bùng lên làn sóng phản đối ở trong nước và cơ cấu huy động quân sự của Nga đã suy yếu trong thập kỷ qua.

“Họ không thể thực hiện hiệu quả lệnh động viên này”, Dara Massicot, chuyên gia về quốc phòng Nga tại viện nghiên cứu RAND Corp, Mỹ, đánh giá. “Vì không có nhiều thời gian nên họ sẽ buộc phải tập hợp quân lại và nhanh chóng gửi ra mặt trận trong những điều kiện không tối ưu, bà nhận định.

Tuy nhiên, Michael Kofman, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, một viện nghiên cứu ở Washington DC, cảnh báo không nên chủ quan trước nỗ lực điều động quân này của Điện Kremlin.

Theo ông, nó sẽ giúp Moskva củng cố các chiến tuyến hiện tại chống lại áp lực từ lực lượng Ukraine vốn đang được hỗ trợ sức mạnh đáng kể nhờ vũ khí từ phương Tây.

“Rõ ràng là quân đội Nga sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương khi mùa đông đến và họ thậm chí còn tồi tệ hơn khi bước sang năm 2023”, Kofman nói. “"Vì vậy, những gì lệnh động viên quân mới nhất có thể làm là giúp Nga kéo dài cuộc xung đột với Ukraine nhưng không thể thay đổi cục diện cũng như kết quả tổng thể”.

Nhưng thách thức đối với Tổng thống Putin là xây dựng một lực lượng thay thế các binh sĩ đang chán chường, mệt mỏi hiện nay trên chiến trường bằng những người mới được đào tạo đầy đủ, trang thiết bị phù hợp, được dẫn dắt tốt và có động lực chiến đấu.

“Nếu bạn chỉ huấn luyện những người lính dự bị, e rằng là chưa đủ”, Rob Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, trụ sở ở Pennsylvania, Mỹ, bình luận. “Vẫn còn nhiều câu hỏi về chất lượng huấn luyện. Ai sẽ là người chỉ huy, lãnh đạo họ? Còn vô số câu hỏi khác vẫn bị bỏ ngỏ”.

“Ở phía Ukraine, chúng ta đã nhìn thấy những người lính tình nguyện với tinh thần chiến đấu rất cao còn ở phía Nga, chúng ta sẽ thấy một tỷ lệ rất lớn những người không muốn ra chiến trường”, Lee nói thêm.

Theo Mick Ryan, chuyên gia phân tích quốc phòng Australia, Tổng thống Putin có lẽ vẫn muốn “kéo dài cuộc xung đột và chờ đợi phản ứng từ các quốc gia phương Tây”. “Với hiệu suất chiến đấu đã suy giảm kể từ thời điểm 3-4 tháng sau khi xung đột bùng phát, lực lượng trên tiền tuyến của Nga đang kiệt quệ và cần được luân chuyển”, ông viết trên Twitter.

“Số lượng binh sĩ được điều động sẽ không đủ để tạo ra bất kỳ đóng góp hay thay đổi mang tính quyết định nào đối với kết quả cuối cùng... Nó chỉ giống như một cách để Nga luân chuyển và thay thế quân”, Ryan lưu ý.

Lính nghĩa vụ Nga chuẩn bị lên tàu tới đơn vị được phân ở thành phố Omsk, vùng Siberia, hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Lính nghĩa vụ Nga chuẩn bị lên tàu tới đơn vị được phân ở thành phố Omsk, vùng Siberia, hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Điều gây quan ngại hơn là lời đe dọa từ Tổng thống Putin về việc sử dụng lực lượng hạt nhân chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với “toàn vẹn lãnh thổ” của Nga.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải lời hăm dọa”, ông Putin tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình hôm qua. “Những ai đang cố gắng gây sức ép lên chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi chiều”.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby gọi cảnh báo của ông Putin là “những lời ngụy biện vô trách nhiệm”, song nhấn mạnh Mỹ đang “rất nghiêm túc đánh giá vấn đề”.

Trong khi một số nhà phân tích nhận định tuyên bố của Tổng thống Putin vẫn chỉ là những lời đe dọa, số khác lại cho rằng ông chủ Điện Kremlin dường như đã thay đổi chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân mà Nga đã duy trì suốt nhiều năm qua.

“Đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, điều vượt ra ngoài phạm vi chính sách tuyên bố của Nga, ông Putin cho thấy nỗi tuyệt vọng của mình về chiến dịch quân sự thất bại ở Ukraine”, Hans Kristensen, chuyên gia chính sách hạt nhân tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, viết trên Twitter. “Thoạt nghe, nó giống như những lời vỗ ngực cảnh báo khác mà Nga từng đưa ra, nhưng đây thực chất là lời đe dọa hạt nhân rõ ràng nhất của Tổng thống Putin cho đến nay”.

“Điều quan trọng là NATO không được phép mắc bẫy và đẩy căng thẳng leo thang bằng cách đe dọa trả đũa hạt nhân”, Kristensen lưu ý.

Andrey Baklitskiy từ Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc cho biết những tuyên bố từ Tổng thống Putin “vượt ra ngoài học thuyết hạt nhân của Nga, vốn tuyên bố rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong một cuộc chiến tranh thông thường khi chính sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.

“Đến từ người có quyền quyết định duy nhất liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga, tuyên bố này cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc”, ông nhấn mạnh.

(Theo AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.