| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình- một vụ đông thắng lợi

Thứ Sáu 13/01/2012 , 09:46 (GMT+7)

Vụ đông năm 2011 Thái Bình giảm 2.000 ha diện tích so với năm trước. Song Thái Bình đã vượt qua khó khăn và giành thắng lợi lớn.

Vụ đông năm 2011 miền Bắc gặp  khó khăn, một số địa phương không triển khai kịp thời vụ nên diện tích giảm. Tuy nhiên tỉnh Thái Bình đã có chính sách hợp lý, chỉ đạo quyết liệt để giành thắng lợi.

Những ngày cuối năm, cùng đoàn công tác Cục Trồng trọt về Thái Bình kiểm tra vụ đông, ông Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình chia sẻ: “Vụ đông năm 2011 Thái Bình giảm 2.000 ha diện tích so với năm trước. Không riêng Thái Bình mà hầu hết các tỉnh miền Bắc do tác động của rét đậm, rét hại từ vụ xuân đã kéo dài thời gian trổ và thu hoạch lúa từ 15- 20 ngày. Vì thế thời vụ vụ đông cũng bị đẩy muộn hơn. Song Thái Bình đã vượt qua và giành thắng lợi”.

Nói về khó khăn triển khai vụ đông, ông Định cho hay, cùng với các tỉnh miền Bắc, Thái Bình bắt tay triển khai vụ đông khi thời điểm 10/9 diện tích lúa mùa trổ mới đạt gần 20.000 ha, bằng phân nửa năm ngoái. Phần lớn diện tích lúa trổ từ 15- 20/9, khu vực phía nam tỉnh lúa trổ đến 25/9. Hàng ngàn ha lúa ven biển trổ sang đầu tháng 10. Đến thời điểm 10/10, tỉnh đã cố gắng tột cùng để mở rộng vụ đông, nhưng diện tích cây ưa ấm như ngô, ớt, dưa bí mới chỉ đạt trên 10.000 ha, đậu tương vẫn chưa qua khỏi ngưỡng 1.000 ha.

Cục Trồng trọt kiểm tra vụ đông ở Thái Bình

Khó khăn chồng chất khó khăn. Ảnh hưởng của bão số 4, vừa tháo khô được ruộng, đẩy nhanh quá trình lúa chín thì bão số 5 ập đến, mưa không lớn nhưng vài chục ngàn ha lúa đã chín vào thời kỳ nặng hạt bị đổ ngã, kéo dài thời kỳ chín. Nhiều diện tích đang thu hoạch liên tục gặp mưa do hoàn lưu bão số 6 khiến bà con không thể thu hoạch.

Trước tình hình khó khăn, Sở NN-PTNT Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh lập phương án, chính sách hỗ trợ SX vụ đông. Từ đầu tháng 10/2011, UBND tỉnh đã họp bàn với các sở ngành và các huyện, thành phố về chính sách hỗ trợ giống. Các địa phương rất hồ hởi vào cuộc. Ngoài chính sách trợ giá của tỉnh, nhiều huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm, quyết phấn đấu để giá trị cây vụ đông không thua kém mà còn phải cao hơn năm trước.

Tỉnh khuyến cáo bà con trồng loại cây đem lại hiệu quả cao, khuyến khích phát triển cây ưa lạnh như khoai tây, rau, bí. Tổng diện tích gieo trồng khoai tây gần 4.000 ha (cao hơn vụ đông 2010 là 1.500 ha) ước tính đạt giá trị 60 tỷ đồng.

Có mặt tại cánh đồng xã Vũ An, huyện Kiến Xương bà con ra đồng thu hoạch, thương lái kéo về thu gom rất nhộn nhịp. Chị Vũ Thị Hạnh trồng 6 sào khoai tây, trong đó 2 sào khoai tây đỏ. Chị Hạnh phấn khởi: “Năm nay thời tiết thuận lợi, cây khoai tây phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Với giá bán 6.800 đ/kg, khoai tây đỏ 7.500 đ/kg. Trừ chi phí mỗi sào thu về 1,5- 2 triệu đồng”.

Người dân xã Vũ An thu hoạch khoai tây

Với Thái Bình thì vụ đông đã thực sự trở thành vụ làm giàu, tất nhiên diện tích chưa đạt như dự kiến. Điều này cho thấy, nếu nông dân quyết tâm, chính quyền địa phương thực sự coi trọng vụ đông thì đây có thể là vụ tăng thu nhập rất tốt cho nông dân.

Rời Vũ An, chúng tôi đến HTX Điệp Nông, huyện Hưng Hà. Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX Điệp Nông cho biết: “Vụ đông năm nay, Điệp Nông triển khai trồng 130 ha đậu tương. Nắm bắt được khó khăn thời tiết, ngay từ đầu vụ HTX hướng dẫn bà trồng theo đúng kỹ thuật, gieo thưa, chăm bón sớm. Bên cạnh đó được sự hỗ trợ giống đã thúc đẩy người dân trồng tăng diện tích”.

Vụ đông năm nay năng suất đậu tương của HTX Điệp Nông tăng cao như đậu tương giống DT26 đạt 70- 80kg/sào, thu từ 1,2- 1,4 triệu. Các giống đậu tương muộn năng suất cũng đạt 60kg/sào. Trừ chi phí bình quân mỗi sào thu lãi 1 triệu. Đặc biệt thị trường tiêu thụ tốt, DN về thu mua tận nơi. Ngoài ra, thân cây, vỏ quả đậu tương được bán cho làng nghề làm hương đốt, tăng thêm thu nhập cho người trồng.

Đánh giá thành quả vụ đông của Thái Bình, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng cho hay: “ Vụ đông năm nay Thái Bình có được thành công do chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, mở ra những vụ đông tiếp theo thắng lợi cả về diện tích, sản lượng; tăng thu nhập cho người dân. Kinh nghiệm SX vụ đông từ Thái Bình là bài học để các địa phương khác học hỏi”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.