Theo đó hai bên đã thống nhất tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trái cây tại thị trường nội địa để bù đắp cho lượng xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề do tắc nghẽn bởi dịch bệnh.
Theo ông Sansern Samalapa, Thứ trưởng Bộ Thương mại, kế hoạch này sẽ bao gồm quản lý sản xuất; mở kênh phân phối; kết nối mạng lưới giữa các thương nhân, nhà nhập khẩu và các nhà vườn; hỗ trợ tài chính và tiêu chuẩn an toàn.
Trước đó, ông Sansern cũng đã chủ trì một cuộc họp với các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải, hãng Grab Thái Lan và Bưu điện quốc gia để yêu cầu các bên cùng hợp tác quản lý- tiêu thụ trái cây trong mùa thu hoạch rộ này.
Dự kiến chính phủ Thái Lan cũng sẽ cung cấp một gói hỗ trợ cụ thể đối với các khu vực liên quan, đặc biệt là lực lượng thu hái trái cây và thúc đẩy hình thức ký hợp đồng sản xuất- thu mua- chế biến và tiêu thu giữa các bên liên kết gồm nông dân, nhà chế biến, thương nhân và siêu thị.
Riêng đối với kênh phân phối, Bưu điện Thái Lan sẽ được giao nhiệm vụ vận chuyển trái cây và được nhà nước trợ cấp phí giao hàng, trong khi các nhà sản xuất được đào tạo nâng cao kỹ năng bán hàng thông qua các nền tảng trực tuyến và các phương tiện truyền thông xã hội.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Thương mại cũng có kế hoạch triển khai tăng cường mối liên kết giữa người thu mua, nhà nhập khẩu và các nhà vườn trong nước bằng nhiều hoạt động quảng bá, kinh doanh trực tuyến ở nước ngoài.
Theo ông Sansern, chính phủ cũng sẽ trợ cấp gói 3% tiền lãi cho vay trong 10 tháng đối với các doanh nghiệp thu gom trái cây trong nước và 3% trong 6 tháng đối với đối tượng thu gom trái cây để xuất khẩu. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ chi phí thêm 3 bạt cho mỗi kg cho những đối tượng thu mua trái cây để xuất khẩu.
Về tiêu chuẩn an toàn, Thái Lan đang tiến đến thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về an toàn thực phẩm đối với trái cây, đặc biệt là giữa nước này với Trung Quốc.