Được mệnh danh là “nhà bếp của thế giới”, Thái Lan nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, với gạo chiếm 17,5%, thị phần, kế đến là thịt gà, đường, hải sản đóng hộp, bột sắn và tôm. Thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của nước này là Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Philippines.
Mặc dù nhu cầu lương thực thế giới tăng cao từ đầu năm đến nay nhưng hoạt động xuất khẩu của Thái Lan hưởng lợi rất ít do tình trạng tắc nghẽn hậu cần gây ra bởi các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm ở nhiều quốc gia. Ngay chính quốc gia này cũng đang trải qua vấn đề tương tự do nhu cầu nhập khẩu một số nguyên liệu thô như lúa mì cũng bị đứt gãy.
Ông Visit Limlurcha, quan chức Hiệp hội chế biến thực phẩm Thái Lan cho biết, giá trị xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan trung bình hàng năm đạt khoảng 1 nghìn tỷ bạt, trong khi năng lực sản xuất trong nước ở vào khoảng 2 nghìn tỷ bạt và thậm chí còn dư địa cải thiện khi dân số chỉ có gần 70 triệu và hàng năm đón khoảng 40 triệu lượt du khách quốc tế.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu lương thực- thực phẩm tại Trung Quốc có khả năng sẽ tăng đột biến, gấp đôi trong quý hai này, tạo cơ hội cho kim ngạch xuất khẩu Thái Lan sẽ tăng 5% trong năm nay lên 34,9 tỷ USD, tương đương 1,02-1,06 nghìn tỷ bạt. Tuy nhiên mối đe dọa lớn nhất đối với sản xuất ở quốc gia Đông Nam Á hiện tại vẫn là hạn hán, có thể ảnh hưởng mạnh đến khă năng cung cấp dứa, dừa, nhãn, chôm chôm, vải thiều, ngô non và ngô ngọt đi các thị trường quốc tế.
Ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết: Mặc dù nỗi lo an ninh lương thực ngày càng tăng trên toàn thế giới, nhưng chính phủ Thái Lan không hề có kế hoạch hạn chế bất kỳ hoạt động xuất khẩu gạo nào.
Trong ba tháng đầu năm, các lô hàng gạo xuất khẩu của nước này ở mức tương đối thấp là 1,5 triệu tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. "Nếu khối lượng gạo xuất khẩu tăng lên 900.000-1 triệu tấn mỗi tháng, trong ba tháng liên tiếp thì chính phủ mới cần phải cân nhắc. Còn thời điểm này có thể được coi là cơ hội vàng để nông dân bán lúa, giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương”, ông Charoen nói.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan dự báo, năng suất vụ mùa 2019-20 sẽ có thể đạt 28,48 triệu tấn lúa, trong đó lúa tẻ thường chiếm 11,04 triệu tấn, hom mali và gạo thơm khác 9,43 triệu tấn, gạo nếp 6,43 triệu tấn và ngũ cốc khác 1,58 triệu tấn.
Sau khi được chế biến thành gạo, Thái Lan ước tính sẽ có 18,80 triệu tấn gạo các loại, trong đó 11,3 triệu tấn được dành cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và 7,5 triệu tấn còn lại để xuất khẩu.
Theo ông Charoen, tính đến đầu năm 2020, Thái Lan vẫn còn lượng lượng gạo dự trữ là 3,79 triệu tấn, thuộc nhóm ba nước dự trữ lớn nhất thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.
"Sự bùng phát của Covid-19 cũng đang đẩy những người thất nghiệp trở về nông thôn để trồng lúa. Hơn nữa giá gạo cao hơn cũng sẽ tạo đà hưng phấn cho nông dân đẩy mạnh sản xuất”, ông Somporn cho hay.
Ông Somporn Isvilanonda, một chuyên gia phân tích cũng cho biết, giai đoạn này được coi là cơ hội tốt để Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu gạo khi nhu cầu gạo toàn cầu đã tăng mạnh kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến giá gạo tăng 60-70 USD mỗi tấn kể từ đầu năm.
Hiện giá gạo trong nước cũng tăng tương ứng 17 bạt/kg so với mức 11,50 bạt/kg trước khi xảy ra đại dịch hồi đầu năm.
Vị chuyên gia này cũng trích dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, tổng lượng gạo chế biến của thế giới năm nay là khoảng 172 triệu tấn, trong đó khoảng 80% hoặc 115 triệu tấn sẽ do Trung Quốc kiểm soát.