Thất nghiệp tăng
Trong đó, khu vực nông nghiệp đang phải hứng chịu những tác động nặng nề nhất do hạn hán sẽ đẩy người dân nông thôn đến chỗ mất việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và làm giảm thu nhập của nông dân.
Theo ông Thosaporn Sirisamphand, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế- Xã hội Quốc gia (NESDC), ngành nông nghiệp lâu nay vốn thu hút đông đảo lực lượng lao động nhất, giúp giảm nạn thất nghiệp nhưng năm nay đang gặp khó khăn nghiêm trọng do hạn hán lan rộng cùng với dịch viêm phổi Covid-19.
Cơ quan Khí tượng Thái Lan cho biết, đợt hạn hán năm nay là tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua do nguồn cung cấp nước từ các hồ đập trữ trong nước đều không đủ, khi từ đầu năm đến nay mới chỉ tích được 18,4 tỷ mét khối, chiếm 25,9% tổng dung tích chứa nước. Đây là mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua.
Ông Thosaporn cho biết, nếu dịch bệnh coronavirus không được kiểm soát thì công ăn việc làm trong 3 lĩnh vực dịch vụ quan trọng của đất nước gồm thương mại, vận tải và du lịch- khách sạn- ăn uống sẽ bị tổn thương, tê liệt nền kinh tế.
“Sự lây lan nguy hiểm của Covid-19 khiến dân tình hoảng loạn cũng có thể có tác động đến lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, làm gián đoạn thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu ”, ông Thosaporn dự báo.
Các chuyên gia cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán tỷ lệ thất nghiệp trong quý đầu tiên và cả năm nay bởi cần tiếp tục theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng việc làm trong khu vực xuất khẩu 1,4% trong năm nay cũng có thể bị ảnh hưởng do chậm giải ngân từ các dự án mới của nhà nước, đặc biệt là trong ngành xây dựng.
Trước đó báo cáo của NESDC cho biết, 37,5 triệu lao động đã được tuyển dụng trong quý tư của năm 2019, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018 và là quý giảm thứ ba liên tiếp ở Thái Lan. Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp giảm tới 1,6% và việc làm trong khu vực phi nông nghiệp giảm 0,9%.
Hoàng gia lên tiếng
Trước tình trạng khô hạn khốc liệt tại 22 địa phương, Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan đã bày tỏ lo ngại, điều kiện thời tiết cực đoan có khả năng kéo dài đến ít nhất cho tới tháng 5/2020.
Phát biểu tại một cuộc họp bàn về các gói giải pháp đối phó hạn hán gần đây, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tiết lộ, thời gian qua nhiều lần Quốc vương đã yêu cầu chính phủ cần hành động để "giảm bớt tác động tiêu cực và hỗ trợ nhân dân ở mức cao nhất".
Ông Prayut cho biết, mực nước trên các con sông và hồ chứa trên cả nước hiện đều đang xuống thấp do lượng mưa ít bất thường hồi năm ngoái và tình hình sẽ không thay đổi trong vài tháng tới, theo như Cục Khí tượng dự báo mưa sẽ ít hơn 3-5% so với trung bình nhiều năm.
Thủ tướng Thái Lan cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cần đẩy nhanh các giải pháp ngắn hạn để đối phó với tình trạng khan hiếm nước trong mùa khô, bắt đầu từ ngày 29 tháng 2, đồng thời chuẩn bị kỹ phương án tích, trữ nước trong mùa mưa vào cuối năm.
Theo đó yêu cầu các tỉnh cần chủ động lên kế hoạch tăng cường năng lực trữ nước, thêm 276 triệu mét khối trong mùa mưa. Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng kêu gọi người dân ở các đô thị "cần hiểu rõ giá trị của từng giọt nước khi tắm hoặc mở vòi nước máy".
Ngày 18/3, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan đã công bố 3 kịch bản lây lan của Covid-19, trong đó dự báo số ca nhiễm sẽ đạt đỉnh từ giữa tháng 1 đến tháng 2/2021. Trong đó, kịch bản thứ ba (xấu nhất) dựa trên giả định là các biện pháp kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 không có hiệu quả, dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm cao khiến 37,4 triệu người dân bị nhiễm virus.
Ngay từ đầu năm 2020, nội các đã ưu tiên đầu tư cho hơn 2.000 dự án nhằm đảm bảo đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân thông qua các giải pháp tìm kiếm, khai thác thêm các điểm nước ngầm và xây dựng các giếng khoan.
Tính đến nay, chính phủ Thái Lan đã tuyên bố 5.849 ngôi làng tại 22 địa phương thuộc "vùng hạn hán" và cần nhận được sự giúp đỡ khẩn cấp. Giới chức các nơi này cũng đang xây dựng phương án để giúp nông dân bị mất thu nhập do thiếu nước, bằng cách tạm thời thuê mướn nông dân tham gia làm việc trong các dự án bảo trì đường bộ và môi trường từ tháng 4 đến tháng 6.
Ngày 18/3, chính phủ Thái Lan đã quyết định đóng cửa các trường học và các tụ điểm tập trung đông người như vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim… tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận trong vòng hai tuần, bắt đầu từ 18/3, đồng thời hoãn tổ chức Tết té nước cổ truyền nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.