Vụ xuân 2014, trạm hướng dẫn nông dân thâm canh lúa theo kỹ thuật SRI đạt năng suất 80 tạ/ha, cao hơn đối chứng 12 tạ/ha.
Trạm trưởng Trạm KN Qùy Hợp, ông Phan Thanh Tâm bảo: "Qùy Hợp là huyện miền núi cao, ruộng đồng ít, lại được phân bổ theo địa hình manh mún, đường xá đến các bản làng lại xa xôi cách trở, bởi sự chia cắt của núi đồi cao, vực thẳm.
Tập quán SX của nông dân còn mang nặng tính truyền thống, lạc hậu, được chăng hay chớ. Đói nghèo, dân bản đã không tìm ra được nguyên nhân, lại cho đó là muôn phận tại trời, phải cam chịu.
Vì vậy để bà con tiếp cận với TBKT áp dụng vào đồng ruộng là việc làm, phải nói là muôn vàn gian khó. Nhưng nhờ có sự đầu tư kinh phí của tỉnh, của huyện và sự tận tâm của đội ngũ làm công tác kỹ thuật, nên thời gian qua Trạm đã xây dựng được nhiều mô hình SX tiến tiến để bà con học tập, như canh tác giống lúa lai cao sản, bón phân phức hợp, phân nén, phân viên dúi sâu…
Đặc biệt vụ xuân vừa rồi thâm canh lúa theo phương pháp SRI đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay.
Mô hình được xây dựng tại cánh đồng Bảo An, xã Tam Hợp với số lượng 45 hộ nông dân đăng ký tham gia. Trước khi bắt tay vào công việc, Trạm KN đã tuyên truyền mô hình thâm canh lúa theo SRI là thực hiện các biện pháp kỹ thuật, bao gồm quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dinh dưỡng và quản lý nước.
Trong suốt qúa trình thực hiện mô hình, Trạm KN đã cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến ruộng đồng để hướng dẫn nông dân thực hiện các bước SX như bắc mạ, làm đất, giep cấy, bón phân chăm sóc, tưới tiêu nước. Đến vụ thu hoạch trạm đã tổ chức hội thảo đầu bờ để cho nông dân thấy rõ hiệu ích kinh tế.
Trong đó diện tích mô hình (giống lúa lai Kinh Sở ưu 1588) thực hiện theo nguyên tắc cấy mạ non, cấy thưa 1 dảnh/khóm, do vậy lượng giống giảm được 30 - 40% so với diện tích đối chứng (canh tác theo phương pháp cũ).
Phân bón chủ yếu là phân chuồng hoai, hữu cơ vi sinh. Đạm, lân, kali bón theo công thức cân đối. Quá trình chăm sóc phải làm cỏ sục bùn và lượng nước tưới tiêu trong ruộng theo yêu cầu sinh trưởng qua từng giai đoạn của lúa.
Kết quả năng suất lúa mô hình đã thu được 80 tạ/ha (chi phí trên 13.037.000 đồng). Diện tích đối chứng thu được 68 tạ/ha (chi phí 13.600.000 đồng). Như vậy mô hình SX lúa theo SRI chi phí giảm, nhưng năng suất đã đạt cao hơn 12 tạ/ha so với diện tích lúa SX theo lối truyền thống.
Tính ưu việt của mô hình SRI còn thể hiện ở chỗ do cấy thưa nên cây lúa có điều kiện quan hợp tốt, diệt được nhiều loại nấm bệnh, tạo cho cây phát triển khỏe và duy trì được độ phì cho đất, chống ô nhiễm môi trường sinh thái.
Phát biểu tại hội thảo đầu bờ, ông Trương Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp phấn khởi: "Mô hình tuy mới áp dụng trên đồng đất của xã chỉ có 5 ha, nhưng kết quả đã làm cho bà con ai cũng vui mừng vì chi phí SX thấp, năng suất lại cao nhất từ trước đến nay".
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp nhấn mạnh: "Mô hình SX lúa theo kỹ thuật SRI thực ra không có gì là khó cả, nhưng nó đã mở ra tầm nhìn mới, cách suy nghĩ mới cho người nông dân miền núi.
Bởi nếu họ SX lúa thực hiện đúng công thức do Trạm KN đề ra thì kết quả đem đến là rất cao, lại có thêm nhiều lợi ích khác như giảm lượng giống, nước, phân bón vô cơ, thuốc BVTV. Đề nghị Trạm KN tích cực tuyên truyền, mở rộng mô hình này đến tất cả các xã để bà con cùng học tập, làm theo".