Làng nghề kim khí
Kẻ chợ (Thăng Long xưa) với 36 phố hàng, trong đó hai con phố có số đông người đến từ làng Rùa Hạ, đó là phố Hàng Trống và Hàng Thiếc. Thời Pháp thuộc, làng Rùa Hạ còn có tên gọi là làng Rùa Đinh và Rùa Trống. Bởi, nghề kim khí và nghề làm trống là sở trường của những người thợ tài hoa nơi đây.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy Lê Văn Cảnh chia sẻ, đã có thời, nghề làm trống của làng Rùa Hạ phát triển cực thịnh, nhưng cùng với sự vươn mình của làng nghề trống Đọi Tam (Hà Nam), nghề làm trống ở làng Rùa Hạ ngày càng thu hẹp. Đến nay, chỉ còn 4-5 hộ làm trống có hiệu quả kinh tế giữ được nghề.
Khi nghề làm trống thoái trào, nghề kim khí lại lên ngôi. Từ làng nghề sản xuất đinh, các thợ kim khí tỏa ra tứ xứ làm ăn. Không chỉ giữ nghề ông cha truyền lại, họ không ngừng học hỏi, nghiên cứu để cải tiến máy móc sản xuất phụ tùng xe đạp, xe máy và các sản phẩm công nghiệp phụ vụ gia dụng.
Mỗi người thợ kim khí làng Rùa Hạ mày mò tạo ra các sản phẩm khác nhau. Họ hội tụ về quê hương, hình thành nên mảnh đất trăm nghề như hôm nay.
“Người làng Rùa Hạ có thể sản xuất được hàng nghìn sản phẩm khác nhau, từ những linh kiện tinh vi như an-ten thu phát sóng phục vụ công nghiệp viễn thông đến phụ tùng xe máy, dụng cụ thể thao, sản phẩm gia dụng như quạt điện, nồi cơm điện, bếp gas...”, ông Cảnh cho biết.
Toàn xã Thanh Thùy có gần 9.000 nhân khẩu với 2.300 hộ thì có tới 7.000 nhân khẩu tham gia lao động làng nghề; 230 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (chưa kể các hộ sản xuất nhỏ lẻ). Nhiều sản phẩm của làng nghề đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Hiện nay, cụm công nghiệp trên địa bàn xã Thanh Thùy chủ yếu là người của địa phương thuê đất làm nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh. Dự kiến tháng 5/2021, cụm công nghiệp thứ 2 trên địa bàn xã Thanh Thùy với tổng diện tích 6,5ha sẽ khởi công, qua đó thu hút đầu tư phát triển làng nghề.
Chàng trai đưa hàng Việt đi Mỹ
Ở làng Rùa Hạ, anh Nguyễn Văn Biên (37 tuổi) được biết đến là chàng trai có chí lớn. Ảnh bảo: “Mình làm nghề cơ khí từ trong bụng mẹ, bởi bố mẹ là dân cơ khí”. Học hết cấp 2, Biên không học tiếp trung học phổ thông mà xin đi làm công nhân cơ khí.
Những năm 2000, xưởng của anh chỉ có 1 chiếc máy đột dập để chế tác sản phẩm. Lợi nhuận thu được anh đầu tư mở rộng quy mô xưởng. Đến nay, chàng trai đã sở hữu 2 xưởng cơ khí với hàng trăm máy đột dập (giá trị mỗi chiếc máy dao động từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng) với 100 công nhân thường xuyên làm việc.
Anh Biên chia sẻ tin vui: “Năm nay, đối tác bên Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 130 tỷ đồng mua linh kiện cơ khí của chúng tôi”. Cộng với các đơn hàng của hơn 20 nhà sản xuất thiết bị gia dụng (nồi cơm, bình nóng lạnh, quạt điện...), máy móc trong nước, doanh thu dự kiến năm 2021 của Công ty TNHH Cơ khí Thiên Phú (do anh đầu tư) có thể cán mốc 200 tỷ đồng.
Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, anh Biên đang đầu tư nâng quy mô nhà xưởng tăng thêm 5.000m2, gấp đôi hiện tại. Bởi đang có xu hướng các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhập khẩu từ Trung Quốc sang nhập từ Việt Nam, nếu tranh thủ được cơ hội này, chắc chắn các doanh nghiệp Việt sẽ thắng lợi lớn.
“Rất nhiều người mời tôi về khu công nghiệp ở Hưng Yên để đầu tư xây nhà xưởng, vì ở đó sẵn có quỹ đất rộng. Nhưng tôi từ chối họ. Tôi muốn lập xưởng tại quê hương để giải quyết việc làm cho người dân quê mình”, anh Biên chia sẻ.
Những thời điểm cần tiền để xoay vòng vốn, anh Nguyễn Văn Biên luôn được ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Thanh Oai chào đón. Có thời điểm, khoản vay của anh lên tới 20 tỷ đồng, nhưng cán bộ tín dụng Agribank chỉ muốn anh vay thời hạn lâu hơn, chứ không muốn anh trả sớm. Chữ tín trong kinh doanh chính là chìa khóa để Nguyễn Văn Biên chinh phục những đối tác kinh doanh khó tính nhất.
Hàng năm, anh Biên đều trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp để làm công tác xã hội như mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường thôn, xóm, chỉnh trang cầu cống... góp phần hiện đại hóa hạ tầng của làng nghề.
Theo ông Lê Văn Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy, hiện nay nhu cầu vay vốn để đầu tư kinh doanh của các làng nghề trong xã rất cao. Đa số người dân lựa chọn ngân hàng Agribank, vì đây là tổ chức tín dụng uy tín, lãi suất thấp và thủ tục nhanh gọn. Trước đây, khi mô hình cho vay theo tổ nhóm của Agribank chưa phát triển, rất nhiều nhà phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền, thậm chí phải vay nặng lãi ở thị trường tín dụng đen. Tuy nhiên hiện nay, người dân có thể vay theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp thông qua tổ nhóm rất đơn giản.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên – Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh huyện Thanh Oai Hà Nội II, chia sẻ: Vận dụng chính sách cho vay của Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Agribank chi nhánh huyện Thanh Oai Hà Nội II đã đưa nguồn vốn đến hàng nghìn hộ dân, doanh nghiệp, HTX đang có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng các cấp, các ngành của huyện thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong công tác cho vay theo Nghị định 55, không thể không nhắc đến hoạt động cho vay qua tổ nhóm. Trong giai đoạn 2016 – 2020, kết quả hoạt động cho vay qua tổ vay vốn của Agribank luôn dao động từ 200 – 257 tỷ đồng với hơn 140 tổ vay vốn. Qua tổ vay vốn, rất nhiều hộ gia đình đã được vay vốn lên đến 200 triệu đồng không cần phải giao dịch đảm bảo, điều này làm tiết kiệm chi phí và thời gian vay cho người dân.
Tính đến ngày 31/3/2021, Agribank chi nhánh huyện Thanh Oai Hà Nội II đã đầu tư được 7.500 khoản vay với dư nợ 1.210 tỷ đồng, huy động vốn tại địa phương được 4.550 tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực ngân hàng.