Rũ bỏ trách nhiệm, đẩy người bệnh đánh cược với chính quyết định của mình
Người bệnh nào tham gia vào quá trình tiết thực, chữa bệnh tại cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý đều được yêu cầu điền thông tin cá nhân và ký vào Bản cam kết với nội dung người bệnh đến cơ sở này để "làm sạch cơ thể, tiết thực để tăng cường sức khoẻ cho bản thân". Đáng chú ý, nội dung của Bản cam kết cũng hướng đến việc người bệnh cam kết tự nguyện, không bị ép buộc khi đến đây và tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Việc ký bản cam kết là một cách để cơ sở này rũ bỏ trách nhiệm pháp lý khi có bất kỳ sự cố hoặc biến chứng xảy ra trong quá trình người bệnh chữa bệnh tại đây, đặc biệt là khi phương pháp chữa bệnh ở đây có nhiều yếu tố phi khoa học.
Đầu giờ chiều ngày 9/10, không khí tại căn nhà số 37 TT15, KĐT Tasco, phường Xuân Phương, Hà Nội phảng phất một sự im lặng đến nghẹt thở. Bước lên tầng 2 của cơ sở này, tôi lặng lẽ hòa mình vào dòng người đang đấu tranh với số phận trong những căn phòng, nơi mà hy vọng và tuyệt vọng chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh.
Tại căn phòng lớn, hàng chục con người đang nằm tập trung, san sát nhau. Họ, những bệnh nhân đã bị cuộc đời đẩy đến bờ vực của sự chịu đựng, mỗi người đều mang trong mình một câu chuyện, một hành trình dài mệt mỏi. Cơ thể họ gầy rộc, đôi mắt lờ đờ, đôi môi khô khốc không còn chút sức sống. Tiếng rên rỉ yếu ớt, hơi thở nặng nhọc vang lên giữa không gian tĩnh lặng. Những cơn đau quặn thắt không ngừng làm phiền cơ thể họ, nhưng họ vẫn cố gắng gượng, cố bám víu vào niềm tin có thể giúp cơ thể “tự chữa lành”.
Căn phòng xếp chật kín những chiếc giường phản, dụng cụ kiểm tra sức khoẻ duy nhất tồn tại trong căn phòng này mà người bệnh nhìn thấy và có thể sử dụng là những chiếc máy đo huyết áp và cân điện tử.
Những người bệnh đến từ khắp nơi, mỗi người một hoàn cảnh, một bệnh lý khác nhau. Có người mang trong mình căn bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nhưng cũng có người đang gánh chịu những cơn đau kinh hoàng từ ung thư gan, ung thư xương, ung thư phổi… Họ đã từng đặt niềm tin vào y học hiện đại, đã trải qua vô số phương pháp chữa bệnh cả đông y và tây y, nhưng giờ đây, trong tuyệt vọng, họ tìm đến phương pháp tiết thực - một con đường mờ mịt chưa từng được kiểm chứng, chỉ để tìm kiếm tia sáng cuối cùng cho sự sống.
Nói chuyện với cơ thể, với lục phủ ngũ tạng chính bản thân?
Chưa kịp để hành lý gọn gàng, ông Dũng đã nhanh chóng bật chiếc radio với những âm thanh hướng dẫn về thiền. Trong tâm trạng vừa lo lắng vừa hoài nghi, tôi được Dũng được chỉ dẫn về vị trí giường và nhắm mắt thiền cùng mọi người. Cả khu vực tầng hai được chia làm ba khu vực với một phòng lớn và hai phòng nhỏ, trong đó ngay phía ngoài phòng lớn là khu vực được sắp xếp để bàn thờ. Phòng được sắp xếp cho người bệnh lưu trú với rất ít khoảng trống ngoài những chiếc giường phản được xếp sát nhau để người bệnh nằm tập trung trong suốt thời gian dài ngày tiết thực tại đây. Những người bệnh lớn tuổi, cơ thể gầy yếu sau nhiều ngày nhịn ăn, không còn đủ sức để ngồi thiền theo lời chỉ dẫn, chỉ còn cách nằm yên và để tâm trí mình trôi theo giọng nói nhẹ nhàng phát ra từ chiếc radio.
Thời gian khoảng 45 phút trôi qua một cách chậm rãi trong căn phòng tràn ngập bầu không khí nặng nề và im lặng. Nhưng đối với những người bệnh đã cạn kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần, mọi giây phút ở đây đều như kéo dài vô tận, từng nhịp thở đều đặn giờ trở thành một thử thách.
Trong những buổi thiền sau đó, tôi chứng kiến một người đàn ông cũng tên Dũng, được mọi người gọi với biệt danh “Dũng phong thuỷ”, là người hướng dẫn thiền chính tại trung tâm này. Ông Dũng cho biết: "Việc chữa bệnh tự thân nó đòi hỏi sự kiên trì và sức chịu đựng rất là cao. Những người đến đây là những người cửa bệnh viện không chào đón nữa rồi. Nhưng đúng ra, với những bệnh như đó thì ở đây tốt hơn ở bệnh viện và chi phí sẽ tiết kiệm hơn rất là nhiều".
Kỳ lạ hơn, người đàn ông này còn khuyên người bệnh nói chuyện với chính một số bộ phận cơ thể của họ?: "Tôi đang đi chữa bệnh, xin bạn dạ dày dừng co bóp trong vòng x ngày, đến ngày cần co bóp thì vui lòng co bóp lại cho tôi. Mình nói chuyện với dạ dày của mình, nói chuyện với ruột của mình, với đại tràng của mình. Ai mà liên quan đến gan thì xin lỗi bạn gan, bấy lâu nay tôi bỏ quên và tôi hơi dùng bạn thái quá như là uống lắm rượu, hay là tôi ăn uống không điều tiết dẫn đến ảnh hưởng đến bạn, tôi xin lỗi bạn. Mong bạn vững mạnh, bền bỉ, kiên trì và cùng tôi chữa lành, tự thân chữa lành. Mình hãy nói chuyện với cơ thể mình, nói chuyện với lục phủ ngũ tạng...".
Những đau đớn chìm trong lặng câm
Khi quá trình thiền diễn ra hàng ngày vào khoảng 14h kết thúc, một người phụ nữ nằm gần cửa phòng bất chợt quằn quại. Thân hình của bà gầy gò như không còn chút sức lực. Bà nôn ra những gì còn lại trong dạ dày, nhưng không phải là thức ăn mà là sự bất lực của một cơ thể đã quá kiệt quệ. Đôi tay gầy guộc ôm bám chặt mép giường, những tiếng nôn mửa vang vọng trong căn phòng, khiến ai nấy đều không thể kìm được lòng mình. Người con gái của bà, với đôi mắt ầng ậc nước, nắm lấy tay mẹ mình mà nghẹn ngào, không biết phải làm gì hơn ngoài việc đứng nhìn người mẹ mình trong sự bất lực, được biết, bà đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi với khối u 5cm.
"Phương pháp tiết thực giúp cơ thể sẽ tự chữa lành," đó là lời hứa mà nhiều người đã nghe khi đặt chân đến đây. Nhưng ngày qua ngày, những hy vọng ấy bị vùi lấp bởi sự tàn nhẫn của thực tế. Như câu chuyện về anh H. ở Thanh Trì cùng mẹ đến cơ sở tiết thực này thực sự để lại những một hình ảnh đậm nét về tình thương, niềm hy vọng và cả nỗi bất lực. Phương pháp tiết thực ở cơ sở này - niềm hy vọng cuối cùng mà anh và mẹ đã bám víu dường như không mang đến điều kỳ diệu như những lời quảng cáo ban đầu.
Trước mắt anh, người mẹ vốn đã yếu ớt vì bệnh áp-xe gan, nay càng ngày càng kiệt quệ. Anh H. cho biết: “Mẹ yếu, lúc đầu đến trung tâm bị căng, tức ở bụng, lên đây vài hôm thì hết căng tức nhưng lại chuyển sang đau, mấy hôm nay đau mạnh, không biết làm thế nào, nếu như đỡ thì bà còn khoẻ, nhưng không đỡ thì cứ yếu dần”.
Anh H. đã mang theo không chỉ là hành lý cá nhân mà còn cả chiếc máy tính xách tay, với ý định vẫn xử lý công việc trong lúc chăm sóc mẹ. Nhưng rồi, những ngày dần trôi, máy tính cũng chỉ còn là món đồ lặng lẽ nằm một góc, còn anh thì mải miết lo lắng nhìn mẹ từng giờ. Đau đớn nhất là khi chứng kiến cảnh bà mỗi ngày ôm chiếc xô lớn để nôn, anh chỉ có thể đứng đó, bất lực và xót xa. Những âm thanh yếu ớt, khắc khoải mỗi khi bà lại chịu đựng thêm một cơn đau khiến trái tim người con trai như bị bóp nghẹt. Trong ánh mắt đầy u tối của anh, hy vọng đã bị bào mòn dần bởi thực tại đầy tàn nhẫn. Những lời khẳng định chắc nịch về sự chữa lành tự nhiên, về những "phép màu" mà anh đã nghe được khi đưa mẹ đến đây, giờ đây chỉ còn là những tiếng vọng xa xôi, xa đến mức dường như chẳng còn chạm tới.
Trong thế giới mơ hồ này, hy vọng có thể là thứ duy nhất còn sót lại. Nhưng đôi khi, hy vọng cũng chỉ là một màn sương, bao phủ lấy sự thật đau đớn rằng: không phải tất cả phép màu đều là thật. Những bệnh nhân với nỗi đau giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần, có thể sẽ không bao giờ tìm thấy ánh sáng cuối con đường mà họ đang đi.
Những giọt nước mắt thấm đẫm gối mỗi đêm, những tiếng rên rỉ yếu ớt, và những ánh mắt tuyệt vọng nhìn về phía xa xăm - khung cảnh ấy ám ảnh khiến tôi trằn trọc, thao thức, mãi không thể quên.