Ngày 16/12, Ban tổ chức lễ hội tổ chức hoạt động tham quan nhà máy chế biến cá tra Hùng Cá. Đây là nhà máy lớn nhất ĐBSCL tại Cụm công nghiệp Thanh Bình (ấp Bình Chánh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) và vùng nuôi cá Tân Thuận Đông (xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh).
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, toàn tỉnh có 1.080 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, sản xuất được 14.000 triệu cá tra bột và 1.400 triệu cá tra giống, cung ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh và cung cấp ngoài tỉnh. Trong sản xuất và chế biến ngành hàng cá tra đã áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ giảm giá thành và nâng cao giá trị gia tăng. Cụ thể cải thiện di truyền cá tra bố mẹ nâng cao tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ phi lê và tăng khả năng kháng bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đây là sự kiện diễn ra lần đầu tiên dự kiến thu hút 50.000 du khách đến tham quan tại thủ phủ cá tra Hồng Ngự. Chủ đề "Cá tra - Vươn ra biển lớn", lễ hội diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 16/12 đến 17/12 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự.
Đối với chế biến, ngành hàng cá tra đã phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu, collgen, genlatin, bơ cá, dầu cá, da cá sấy và các sản phẩm khác. Mục tiêu năm 2023 lũy kế diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh là 2.460 ha với sản lượng thu hoạch 525.000 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 13.500 tỷ đồng (tăng 5,21% so ước thực hiện năm 2022).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ triển khai thực hiện đầu tư Dự án Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao tỉnh Đồng Tháp đối với hạng mục cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung.
Định hướng liên kết vùng trong sản xuất cá tra để thống nhất giữa các địa phương về quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu, tạo không gian kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng cá tra trong thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích trên 1.627,6 ha mặt nước, trong đó có có 661,7 ha của 24 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu và 965,9 của hộ cá thể. Áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với trên 42% diện tích thả nuôi. Thực hiện đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT cho 54 cơ sở, (kết quả có 20 cơ sở xếp loại A và 54 cơ sở xếp loại B). Tổ chức tập huấn 113 cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ và 60 ghe vận chuyển ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.
Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành thuỷ sản đạt 12.831 tỷ đồng. Trong đó, ngành hàng cá tra đạt 8.232 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản Đồng Tháp, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 985 triệu USD.
Tổng diện tích thả nuôi 2.450 ha, trong đó có 62% diện tích là vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp, 38% diện tích là các hộ nuôi cá thể có liên kết đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sản lượng hàng năm trên 505 nghìn tấn, cung cấp trên 92% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.