| Hotline: 0983.970.780

Thân Nga, Trung hơn đồng minh cũ, NATO 'phát sốt' vì ông Trump

Thứ Tư 22/03/2017 , 09:21 (GMT+7)

Các đồng minh trong khối NATO của Mỹ ắt không khỏi phiền lòng nếu biết chính quyền của ông Trump vẻ như đang ưu tiên Nga và Trung Quốc hơn, thay vì NATO như theo truyền thống.

Thân Nga, Trung hơn đồng minh cũ

Trước khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã không khỏi khiến NATO lo lắng với những phát biểu kém mặn mà nhằm vào khối này. Cụ thể, ông Trump từng tuyên bố NATO đã “lỗi thời”, kèm thêm việc đòi các nước đồng minh phải đóng góp mức chi tiêu quân sự tối thiểu bằng 2% GDP.


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có mối quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin
 

Bất chấp những tuyên bố xoa dịu quan hệ đôi bên sau khi ông Trump chính thức nhậm chức, bộ sậu của tỉ phú New York đang cho thấy những dấu hiệu thực tế trong việc thay đổi ưu tiên quan hệ quốc tế.

Cụ thể, trong sứ mệnh đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đã chọn châu Á làm điểm đặt chân đầu tiên, lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chuyến thăm Bắc Kinh thu hút nhiều sự chú ý nhất, với kết quả được mô tả là một thắng lợi về mặt ngoại giao của Trung Quốc sau cuộc gặp giữa ông Tillerson với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Reuters mới đây lại làm “buốt lòng” NATO và các đồng minh phương Tây của Mỹ hơn, khi hé lộ ý định bỏ cuộc gặp các ngoại trưởng 28 nước NATO của ông Tillerson, để dành sự ưu tiên cho Trung và Nga. Báo này dẫn nguồn 4 quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu của Mỹ  cho biết ông Tillerson sẽ bỏ qua cuộc họp với NATO, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/4, để có thể cùng Tổng thống Donald Trump dự cuộc gặp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 2 ngày 6 và 7/4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida. Hai trong số 4 quan chức trên đánh giá, quyết định này của ông Tillerson có thể phản ánh khả năng chính quyền ông Trump ưu tiên quan hệ với các cường quốc, thay vì các quốc gia nhỏ vốn phụ thuộc Mỹ về an ninh.

Cuối tháng Tư, ông Tillerson có kế hoạch sẽ công du Nga, và sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin.
 

Sai lầm của ông Trump?

Chuyện ông Tillerson đến Nga thực tế đã được giới phân tích nhận định chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Quyết định cất nhắc cựu CEO tập đoàn Exxon Mobil của ông Trump vào vị trí Ngoại trưởng vốn dĩ đã khiến các đồng minh phương Tây của Mỹ không khỏi quan ngại. Lý do bởi khi còn làm việc ở Exxon Mobil, ông Tillerson có mối quan hệ rất thân thiết với Nga và Tổng thống Putin. Hồi năm 2013, ông Tillerson từng được ông Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho mối quan hệ với Nga.

Bản thân Tổng thống Trump trước và sau khi nhậm chức cũng không ít lần công khai khen ông Putin. Trong quá trình ông Trump tranh cử và đến cả thời điểm hiện tại, phe Dân chủ Mỹ cũng không thôi đưa ra nghi vấn về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, nhằm giúp cho ông Trump thắng bà Hillary Clinton.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm qua không đưa ra bình luận về thông tin do Reuters đưa ra. Tuy nhiên một nữ phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, ông Tillerson sẽ tham dự cuộc họp của nhóm G7 tại Ý trong tháng Tư, rồi sau đó sẽ có các cuộc họp tại Nga. Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao NATO cho biết, rất mong muốn có một giải pháp để ông Tillerson dự cả cuộc gặp với ông Tập Cận Bình và cuộc họp với NATO.

Nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel, thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng, ông Tillerson và chính quyền Tổng thống Trump sẽ sai lầm nếu bỏ qua cuộc gặp tháng Tư tới với NATO. “Chính quyền ông Trump đang mắc sai lầm nghiêm trọng, làm lung lay niềm tin của liên minh quan trọng nhất đối với Mỹ”-ông Engel nói. Cũng theo ông Eliot Engel, nội các của ông Trump khiến nhiều người lo lắng rằng chính phủ đang tỏ ra dễ dãi với Nga và ông Putin.

Reuters dẫn lời một cựu quan chức Mỹ phụ hoạ thêm quan điểm này, khi cho rằng chính quyền ông Trump cần phải biết “bắt đầu với ai trước” khi đặt vào lựa chọn giữa một chế độ chuyền quyền (nói Nga) với thể chế dân chủ tuyệt vời (nhắc tới phương Tây). Theo Reuters, sau khi Giám đốc FBI James Comey xác nhận FBI đang điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các chuyến thăm Nga của bất kỳ quan chức nào của Mỹ đều sẽ bị xem xét rất kỹ.

(Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm