| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 14/03/2020 , 06:50 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:50 - 14/03/2020

Thận trọng với con

Không ít ông cha bà mẹ Việt Nam than phiền nỗi khổ tâm sâu xa nhất của người già là phải thận trọng với con.

Thông thường con cái sẽ tách cha mẹ khi chúng chớm lớn. Tách tâm lý. Con trai dậy thì thường né mẹ, đi lướt nhanh qua, không thích mẹ chạm vào nựng nịu ôm ấp.

Con gái vẫn cần mẹ nhưng chỉ muốn mẹ trả lời những câu hỏi về chuyện nọ kia giới tính. Đã có khuynh hướng tắm lâu, kín đáo với cửa nẻo khi thay thiệm, thích nằm riêng để vẩn vơ, thiếu nữ thời đại này càng thích vậy (nếu không dám đóng cửa chat chit thì sẽ trùm kín đầu để giấu ánh sáng smartphone trong mền).

Khoảng cách của chúng với cha mẹ rộng hẳn ra khi chúng lập gia đình. Cũng phải thôi, ở các nước văn minh Tây Âu, việc này miễn ngạc nhiên. Với người Việt mình, dù cha mẹ đã chuẩn bị tinh thần trước, vẫn thấy khổ tâm.

Gả đi, có khi con nó ở chính trong nhà của mình, vẫn trào nước mắt. Sao vậy, gả bắt rể mà lại khóc? Là vì từ nay vui buồn của con nó sẽ không nói hết với mình nữa rồi. Với con trai chuyện ấy càng rõ rệt dù đón dâu vào nhà không ai khóc cả.

Thêm người thì vui, nhưng sau đó vẫn chạnh nghĩ, con mình đang là người đàn ông của người phụ nữ kia và, cũng từ nay, nó sẽ luôn bị hút về phía khối nam châm ấy.

Chuyện đời muôn thuở không dừng ở chỗ khoảng cách ừ cứ là khoảng cách nhưng thanh bình, dễ chịu. Lòng cha lòng mẹ chật cứng băn khoăn, chúng nó đủ tiền không, chúng nó có cáng đáng tốt chuyện con cái không, chúng nó đang suôn sẻ hay là…

Con nó vẫn ở ngay trước mặt, hai vòng tay ông bà vẫn ôm giúp cháu cho chúng, vậy mà vẫn cứ nhìn kỹ thần sắc chúng mỗi ngày để phán đoán. Khổ, người Việt làm cho làm mẹ không biết sướng là gì, hay nói cho tợn, cứ phải quan tâm sát sàn sạt thì mới thỏa lòng!

Con cái nếu chưa tách thì rồi chúng cũng sẽ tách. Chuồng lồng trong chuồng, quá chật, quá mất tự do. Con cái trong tầm tay tầm mắt giờ như thể chúng vuột ra, chao ơi, sốc. Nhưng các đấng sinh thành muôn năm cũ ấy đâu thể hình dung các con dâu và rể chúng sung sướng thế nào khi được tách ra. Cảm giác nhà mới, chỗ mới, dù là nhà thuê đi nữa, thật thần tiên, đời sống bỗng trăng mật trở lại.

Vì sao cha mẹ không hình dung trước đây mình đã từng như thế? Có nghĩ, nhưng lướt qua, như bỗng chốc ngoảnh nhìn vậy thôi. Nỗi niềm mất con xa cháu choán hết, khiến họ nghẹn thở.

Nước mắt chảy xuôi, đúng. Cha mẹ luôn thấy con mình thơ dại, cũng đúng nốt. Thực tế chúng đã là đàn ông đàn bà ba mươi, bốn mươi, kề cận trung niên hay đang thực sự trung niên rồi.

Đâu chỉ tuổi tác, một ngọn núi đã trồi lên và sừng sững kia rồi. Những đứa con thấy mình lực lưỡng, vững chải, dễ dàng dời sông lấp biển. Nếu họ đồng vợ đồng chồng, họ là một thực thể không gì đánh bại được, lên bờ xuống ruộng không sao cả.

Cha mẹ không hay mình già. Chỉ khi nhìn vào bạn hữu, như một tấm gương tráng thủy, họ mới biết ừ mình già nhỉ? Nhưng khi các con hành xử và phát ngôn với cha mẹ một cách bình đẳng về vấn đề gì đó, cha mẹ thấy khó nghe ngay.

Lại quên chúng đã là những người trung niên có cái nóc nhà của chúng, có ngọn núi của chúng. Bắt đầu sự chạnh lòng thường xuyên ở cha mẹ, vợ nhìn chồng thở dài, con nó phán thế này con nó nói thế kia, lẽ nào chúng không biết rằng chúng đang làm tổn thương chúng ta sao?

Bao nhiêu tuổi thì mình già thật sự trong mắt con cái? Hình như mình già lâu rồi mà? Khi mình quên quên nhớ nhớ, khi mình chỉ thích những món ăn thời ấu thơ, khi mình hay càm ràm về nhau trước mặt chúng nó.

Và khi những đứa con cười ngất ngất bảo “Cha giống hệt ông nội hồi còn sống”, hoặc “Mẹ không khác gì bà ngoại mẹ ơi!” Các con chủ động với chúng ta hơn trong ngôi nhà của chính chúng ta, chúng đến, quan sát và phán nọ phán kia, tay làm miệng nói, trong  mắt của chúng, chúng ta đã là những đứa trẻ rồi sao?

Không ít ông cha bà mẹ Việt Nam than phiền nỗi khổ tâm sâu xa nhất của người già là phải thận trọng với con. Tây Âu họ thận trọng với con từ sớm rồi. Có người phán đó là sự lạnh lẽo của văn minh, con mười tám tuổi mời ra, cha mẹ già đưa vào Dưỡng lão. Cũng có người cho rằng đó là sự hợp lý của xứ sở văn minh, xem bản thể của từng cá nhân là quan trọng, trong cái khung luật pháp bảo đảm.

Không thức thời để chuẩn bị tâm lý mình là ngọn núi khô cằn thì sẽ rất bất an, sẽ loay hoay và sẽ rên rỉ. Nhìn sang ngọn núi của con trai và con gái đi, nó đã cao lên và rậm rạp um tùm.

Có thế chứ, đời ta sắp xong, đời của chúng nó sắp viên mãn và kia, đời những đứa cháu đang rộn rã thanh tân. Rồi sẽ lặp lại chu kỳ những đứa cháu ấy  sẽ đẩy cha mẹ của chúng ra và những kẻ kia lại chạnh lòng “khó khăn nhất khi già là phải thận trọng với con!”.

Không sao, đời mà, khoan thai và vui sống, chỉ nên như thế mà thôi.

Bình luận mới nhất