| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Loạn thu học phí trên diện rộng

Thứ Hai 24/10/2011 , 09:08 (GMT+7)

Về tìm hiểu tại các trường học, PV NNVN được biết, trong số những khoản thu đó, có không ít khoản thu sai trái do nhà trường vẽ ra...

Trước cổng trường Tiểu học Điện Biên 2 - Nơi có những khoản thu trái khoáy

Sau những ngày tựu trường, dư luận đã ồn ã về việc lạm thu ở tỉnh Thanh Hóa. Về tìm hiểu tại các trường học, PV NNVN được biết, trong số những khoản thu  đó, có không ít khoản thu sai trái do nhà trường vẽ ra rồi kêu gọi phụ huynh đóng góp trên tinh thần "tự nguyện", núp bóng dưới hình thức "xã hội hóa giáo dục".

Nghị quyết đã ra, cứ thế mà thu!

Một trong những điểm nóng về tình trạng "loạn thu" ở thành phố Thanh Hóa là Trường Tiểu học Minh Khai 1 với 21 khoản thu, Trường Tiểu học Đông Vệ 2 với 19 khoản thu. Kể chuyện với chúng tôi, chị Mai Thị Q. có hai đứa con đang học tại Trường Tiểu học Minh Khai 1, phường Trường Thi bức bối: “Lương của hai vợ chồng tôi không đủ chi cho các con học. Cháu học lớp 2, nhà trường thu gần 3 triệu đồng/học kỳ, trong đó có 1 triệu đồng để mua máy chiếu và máy vi tính”.

Nhiều người có con đi học như chị Q. cũng đã bức xúc đặt câu hỏi: Lớp 2 này có 39 em, mỗi em phải đóng 1 triệu sẽ huy động được 39 triệu đồng được. Với giá thành của hai loại máy mà nhà trường đã vẽ ra, nếu mua trên thị trường hiện chỉ khoảng 17- 20 triệu đồng. Vậy mà nhà trường vẫn bổ lên đầu mỗi em 1 triệu đồng, không hiểu khoản chênh còn lại chạy đi đâu (?).

Trao đổi với báo chí, thầy Hoàng Xuân Khánh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 cho hay: “Lớp này có con anh Phi- Bí thư Thành ủy và con của một số DN học ở đó nên khi bàn đến vấn đề này họ đều ủng hộ và thống nhất thu như thế”.

Tuy nhiên, lý lẽ trên thật khó thuyết phục bởi không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để đóng góp như vậy. Và sự bao biện càng lộ rõ hơn bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Trường Tiểu học Minh Khai 1, không chỉ có lớp con ông Bí thư Thành ủy theo học mới triển khai mua sắm máy chiếu như thế mà còn rất nhiều lớp cũng mua sắm như vậy.

Ngoài khoản thu trái khoáy trên, được biết năm học này Trường Tiểu học Minh Khai 1 vẫn tiến hành thu tiền hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở là 1.000.000đ/em đối với học sinh lớp 1; 500.000đ/em đối với lớp 2 và 300.000đ/em đối với lớp 3, 4, 5; tiền thù lao trông trẻ cuối buổi chiều 30.000đ/em/tháng; tiền công phục vụ ăn và ngủ trưa của học sinh bán trú là 110.000đ/em/tháng (không kể tiền ăn hàng ngày của các cháu). Đó là chưa kể đến các loại quỹ như đội, nhân đạo, phụ huynh, quỹ lớp, hay tiền thay vỏ gối 2 năm/lần…

Cũng như ở Trường Tiểu học Minh Khai 1, tại Trường Tiểu học Đông Vệ 2, ngoài các khoản thu khác, nhà trường còn thu thêm khoản tiền trả lương cho giáo viên hợp đồng dạy các môn như mỹ thuật, nhạc, thể dục… Trong khi đó nguồn ngân sách này đã được bố trí hàng năm cho các trường.

Còn tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, phụ huynh học sinh cũng phải kêu trời về các khoản đóng góp. Cụ thể như phụ huynh phải đóng tiền hỗ trợ xây dựng nhà trường mức thu từ 400.000đ- 1.200.000đ/em đối với các lớp thường và bán trú.

Khi được hỏi vì sao khoản này đã có lệnh cấm thu của Chủ tịch UBND tỉnh rồi mà nhà trường vẫn thu, ông Nguyễn Văn Tuấn- Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn đáp: “Nhà trường thu theo sự ủy nhiệm của UBND phường Điện Biên. Khi biết có lệnh cấm, chúng tôi đã có báo cáo thì được chị Nguyễn Thị Khoa- Phó Chủ tịch UBND phường trả lời rằng: “Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND phường đã quyết như thế thì cứ thực hiện. Chúng tôi chần chừ chuyển tiền lên cho phường thì đã bị phê bình trong cuộc họp nên mới đây đành phải tạm chuyển cho phường 100 triệu đồng để khỏi mất điểm”.

Một phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 cho biết: “Năm ngoái nhà trường thu tiền tăng tiết gộp vào tiền ăn. Mức thu 60.000đ/em/tháng. Năm nay, khoản thu này vẫn bị duy trì mà thậm chí còn thu 2 lần và tổng thu đến 100.000đ/tháng”. Lý giải điều này, thầy Tuấn cho hay: “Theo quy định của Bộ GD- ĐT thì cấp tiểu học học 7 tiết nên chúng tôi chia ra 4 tiết sáng, 3 tiết chiều. Nếu dạy hết tiết thứ 3 mà cho học sinh về thì sẽ không có phụ huynh nào đón được con em cả nên bố trí thêm tiết thứ 8. Khoản thu này theo sự thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, nhà trường không tham gia”.

Khác với trường thầy Tuấn, ở trường thầy Khánh, khoản thu 30.000đ/tháng này gọi là tiền trông trẻ tiết cuối thì giáo viên chủ nhiệm chỉ được hưởng 65%, số còn lại nhà trường thu.

Lỡ thu thì phải... trả lại

Quan điểm chỉ đạo đã rõ ràng, song trên thực tế, những lời nói của ông GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã không được cấp dưới tuân thủ đầy đủ, bởi cho đến thời điểm này, nhiều khoản tiền thu sai trái vẫn chưa được hoàn trả; và những người đề ra chủ trương, thực hiện các sai phạm đó vẫn chưa có ai bị kiểm điểm xử lý.

Tại cuộc họp báo mới đây do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt lên tiếng vấn nạn lạm thu đầu năm học diễn ra trên diện rộng với những chiêu bài gom tiền hết sức khéo léo tại các trường học trong tỉnh. Ông Lê Xuân Đồng- GĐ Sở GD-ĐT đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém trong công tác quản lý của ngành, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Ông Đồng nói: “Sở đã nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh tình trạng lạm thu tại các trường và cho các đoàn đi kiểm tra. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo về các khoản được phép thu song cho đến thời điểm này tình hình vẫn chưa dẹp bỏ hết”.

Lý giải về khoản thu như xây dựng trường hay xã hội hóa giáo dục mà tất cả các cấp học đều thu nhưng không có một mức chung, ông Đồng nói: “Sở dĩ không có mức thu chung là vì do các địa phương và các nhà trường tự ý đặt ra để thu. Tôi xin khẳng định rằng, khoản thu xây dựng trường đã được bãi bỏ từ lâu, cho nên các trường không được thu dưới bất kỳ hình thức nào, nếu đã lỡ thu rồi thì yêu cầu sớm trả lại cho học sinh".

Theo ông Đồng: "Xã hội hóa giáo dục là chủ trương cần thiết được thực hiện. Song vấn đề là cách làm chứ không thể lợi dụng vào cái cớ đó để gây khó khăn cho học sinh, phiền toái cho phụ huynh. Đã là xã hội hóa thì phải là tấm lòng tự nguyện, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, góp vào xây dựng cho nhà trường, ai không có thì thôi chứ không có chuyện tự nguyện đóng góp mà lại thu cào bằng rồi lấy cớ là phụ huynh đã thống nhất. Thu như thế là vi phạm”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm