Trước tình hình các loại dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), dịch tai xanh ở lợn, tụ huyết trùng trâu bò đang có nguy cơ bùng phát, gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi, các ngành chức năng ở Thanh Hóa đang tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm dập dịch có hiệu quả.
Báo cáo của Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết, tính đến nay dịch LMLM đã làm 241 con lợn của 5 xã thuộc 3 huyện Thạch Thành, Hoằng Hóa và Tĩnh Gia bị nhiễm bệnh; trong đó 143 con đã được tiêu hủy. Cũng trong thời gian nói trên dịch tai xanh gây bệnh cho 332 con lợn của 2 xã Dân Lý, Đồng Tiến (huyện Triệu Sơn). Bệnh tụ huyết trùng trâu bò xảy ra tại 2 xã Xuân Chính và Vạn Xuân (huyện Thường Xuân) làm 42 con trâu bò ốm, chết.
Lực lượng Công an được huy động vào cuộc cùng tham gia dập dịch.
Dịch bệnh xảy ra đúng vào thời điểm giao mùa nên nguy cơ bùng phát, lây lan ra diện rộng là rất cao. Trước tình hình trên UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã cấp tốc ban hành các văn bản chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường lực lượng phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp dập dịch như cách ly ổ dịch, tiêu hủy số gia súc mắc bệnh nặng; tiêu độc khử trùng chuồng trại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất; thành lập 18 chốt kiểm dịch kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán gia súc ra vào vùng dịch; tiêm phòng bao vây vùng dịch với 12.000 liều văcxin LMLM tại các huyện Thạch Thành, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia; 3.000 liều văcxin tụ huyết trùng tại Thường Xuân và 1.500 liều văcxin tai xanh ở huyện Triệu Sơn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân cùng phối hợp các cơ quan chức năng tham gia dập dịch.
Ông Phan Huy Phú, hộ chăn nuôi thôn Thanh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia nói: “Dù rất xót khi phải tiêu hủy 5/20 con lợn bị bệnh LMLM, nhưng tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết, hạn chế dịch bệnh lây lan”.
Được biết, đến nay dịch tụ huyết trùng trâu, bò cơ bản đã được chặn đứng. Riêng dịch LMLM và tai xanh ở lợn mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, thế nhưng một số ít địa phương vào cuộc chưa thật sự quyết liệt; ý thức tự giác trong phòng chống dịch, tiêm phòng cho đàn gia súc của người dân chưa cao; tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm còn sơ sài, nên nguy cơ các ổ dịch vẫn đang tiềm ẩn.
Để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm, vừa qua Sở NN&PTNT đã họp với tất cả các ban ngành, địa phương nhằm tìm giải pháp hữu hiệu. Tại cuộc họp này, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhấn mạnh: “Chi cục Thú y cần tập trung hết toàn bộ lực lượng dồn xuống cơ sở để cùng nông dân dập dịch. Nếu cán bộ, địa phương nào lơ là, thiếu trách nhiệm để dịch lây lan tỉnh sẽ có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm. Đây là việc làm cấp bách nhất hiện nay nhằm hạn chế thiệt hại của người chăn nuôi”.