Ngay sau khi địa phương này công bố xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, ngày 16/5/2019 UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn đã ra thông báo số 90/TB-UBND "cấm cửa" thịt lợn.
Theo đó, địa phương này nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều) ra vào địa bàn xã bắt đầu từ ngày 16/5/2019. Các hộ giết mổ lợn và kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5 cho đến khi UBND huyện công bố hết dịch. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản thu hồi để tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật. Thông báo này cũng đã được chính quyền địa phương phát rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của xã.
Công văn "cấm cửa" thịt lợn của UBND xã Dân Lý. Ảnh: Võ Văn Dũng. |
Việc chính quyền xã Dân Lý ra thông báo cấm kinh doanh buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn khiến bà con tiểu thương hết sức bức xúc.
Theo Ban quản lý chợ Thiều, ngay sau khi có thông báo của xã, hoạt động kinh doanh thịt lợn tại đây đã phải tạm dừng. Các tiểu thương cho rằng, việc chính quyền địa phương và các ngành chức năng tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi là đúng nhưng không có nghĩa là cấm tiệt thịt lợn.
“Không thể cứ không quản lý được là cấm! Lực lượng kiểm dịch phải có trách nhiệm làm tốt khâu kiểm dịch từ đàn lợn. Nếu lợn được đưa về từ vùng chưa có dịch thì phải cho tiêu thụ. Những con lợn trong vùng dịch, nếu không có triệu chứng nhiễm bệnh thì cũng nên cho mổ thịt, tiêu thụ nội vùng để giải quyết vấn đề đầu ra cho người dân. Ai lại đi cấm cả chợ không được buôn bán thịt lợn”- một tiểu thương bức xúc.
Các quầy thịt lợn chợ Thiều vắng tanh sau khi UBND xã Dân Lý ra tối hậu thư. Ảnh: Võ Văn Dũng. |
Ông Đoàn Quang Chinh, quản lý chợ Thiều, cho biết, chợ Thiều có 120 sạp buôn bán thịt lợn, bình quân mỗi ngày tiêu thụ hơn 1,5 tấn thịt lợn: “Chợ Thiều là chợ an toàn thực phẩm nên từ trước đến nay, việc truy xét nguồn gốc sản phẩm đưa vào chợ rất kỹ lưỡng. Lợn nhập vào phải truy xuất nguồn gốc xem lý lịch ra sao, có bệnh tình gì không và phải đóng dấu, rau cũng phải có nhật ký”.
Cũng theo ông Chinh, bà con tiểu thương mong muốn nhanh chóng trở lại kinh doanh, bán hàng, ổn định tâm lý và đề nghị chính quyền nên tìm hướng giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, kiểm dịch thật chặt chẽ. Nếu phát hiện lợn mắc bệnh, lập tức ngăn chặn không cho tiểu thương đưa vào chợ, mà buộc phải tiêu hủy, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn đối với lợn đảm bảo an toàn nên có cơ chế để cho người dân giết mổ, buôn bán bình thường.