Theo báo cáo của UBND huyện Quảng Xương, toàn huyện hiện có 55.000 con lợn; chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (60%). Địa bàn huyện có chiều dài QL 1A đi qua lớn nên tình hình lưu thông diễn ra khá phức tạp. Một số xã trên địa bàn có diện tích trồng thuốc lào lớn, bà con sử dụng nguồn phân lợn bón cho thuốc được mua từ nhiều tỉnh khác và chưa có quy trình xử lý triệt để, khiến nguy cơ dịch bệnh trên đàn lợn lây lan nhanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác chống dịch tại Quảng Xương (ảnh Báo Thanh Hóa) |
Từ ngày 2-19/5, tại Quảng Xương đã có 23 xã công bố DTLCP, 4 xã đang gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm và chỉ có 3 xã chưa phát hiện dịch. Tính đến 16h ngày 19/5, trên địa bàn huyện đã tiêu hủy 1.488 con lợn với trọng lượng 102.832 kg.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, do thiếu sự kiểm tra, giám sát nên công tác chỉ đạo phòng chống dịch tại Quảng Xương hiệu quả thấp, dịch bệnh bùng phát nhanh trên diện rộng và gây thiệt hại lớn.
Ngày 20/5, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống DTLCP tại huyện Quảng Xương.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quảng Xương thực hiện kiểm điểm, phê bình ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện; làm rõ trách nhiệm và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ông Dự trong quá trình chỉ đạo đối với công tác phòng chống DTLCP.
Huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các chốt kiểm dịch chưa được thực hiện thường xuyên. Cán bộ chuyên môn chưa đủ số người, số thành phần, biện pháp kỹ thuật thực hiện chưa bảo đảm, chưa đúng yêu cầu của ngành thú y.
Sau thời gian khống chế dịch hiệu quả, đến nay DTLCP tại Thanh Hóa đang có dấu hiệu lan nhanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 245 thôn, 107 xã của 18 huyện vẫn đang còn DTLCP.