Vài năm qua, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng gấp 10 lần, trong đó năm 2021 lần đầu đạt mức 1 triệu mẫu (gần 67.000ha). Sản lượng thanh long Trung Quốc ước đạt 1,6 triệu tấn, theo sohu.com.
Giới khoa học Trung Quốc cho rằng thành tích “số một thế giới” về sản lượng thanh long có được nhờ diện tích tăng mạnh, sử dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Từ năm 2016 đến 2020, năng suất thanh long Trung Quốc tăng từ 1,24 tấn/mẫu lên mức 1,54 tấn/mẫu (một mẫu Trung Quốc tương đương 667m2).
Thanh long Trung Quốc hiện được trồng chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Vân Nam, Hải Nam. Trong đó hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông có diện tích trồng lớn nhất, khoảng 70% của toàn Trung Quốc.
Sản lượng thanh long ở Quảng Tây từ năm 2017 đến nay tăng từ 105.000 tấn tới mức 560.000 tấn, cao nhất Trung Quốc, chiếm 30% tổng sản lượng của nước này. Hiện, thủ phủ Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây là thành phố trồng nhiều thanh long nhất.
Năm 2021, sản lượng thanh long của Nam Ninh đạt xấp xỉ 40.000 tấn, tăng 26,6% so với mức 31.400 tấn của năm 2020. Sản lượng thanh long của Nam Ninh hiện chiếm 70% tổng sản lượng của tỉnh Quảng Tây. Về diện tích, Nam Ninh mở rộng đất trồng thanh long từ 170.540 mẫu lên mức 180.800 mẫu.
Điều này có được do khí hậu nóng ẩm gió mùa của tỉnh Quảng Tây, phù hợp điều kiện sinh trưởng của thanh long.
Đứng thứ hai là tỉnh Quảng Đông, sản lượng xấp xỉ 378.000 tấn. Thời gian quả chín từ tháng 10 đến tháng 11.
Tại tỉnh Hải Nam, với lợi thế khí hậu nóng ẩm, nắng nhiều, có ưu thế về trồng hoa quả trái vụ. Năm 2022, diện tích thanh long tỉnh này là khoảng 110.800 mẫu.
Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào thanh long, bên cạnh những sản phẩm mang bản sắc Đông Nam Á như vải, nhãn, chuối, xoài. Trong năm 2021, người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thanh long. Trung Quốc dự tính con số này sẽ còn tăng trong các năm tới.