| Hotline: 0983.970.780

Thành Ngọc Quản, thủ lĩnh thanh niên tuổi 100

Thứ Sáu 25/03/2016 , 13:10 (GMT+7)

Vẫn còn đây, vị thủ lĩnh Đoàn ở tuổi 100. Ông là Thành Ngọc Quản - Bí thư Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương, thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936 - 1939).

“Bốn thằng quỷ sứ”

“Tôi có thể giúp gì được cho đồng chí?”, cụ Thành Ngọc Quản cất tiếng hỏi, “năm nay tôi 100 tuổi, còn nhớ gì thì tôi kể với đồng chí, đừng cười ông già lẩm cẩm nhé”.

Tôi rất bất ngờ khi được gặp vị thủ lĩnh Đoàn tuổi 100 mà sức khỏe còn khang kiện, giọng nói ấm, sang sảng, tuy rằng chỉ bên tai trái còn nghe rõ, nhưng cuộc hầu chuyện cụ kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Cụ Thành Ngọc Quản còn đề nghị tôi vào xem phòng lưu niệm đang trưng bày (do chuyển về nhà mới cùng vợ chồng người con gái thứ hai).

Sinh năm 1916, tại làng Bạch Mai, đại lý Hoàn Long, chàng trai người Hà Nội gốc Thành Ngọc Quản đang học trường tư thục Thăng Long, chuẩn bị thi Tú tài, đã tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Từ phong trào đoàn thể tại trường Thăng Long, cái nôi của cách mạng, Thành Ngọc Quản đã sớm trưởng thành. Lại được sự dìu dắt của các đồng chí lãnh tụ của Đảng Cộng sản hồi đó như Nguyễn Thế Rục, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, người bồi dưỡng trực tiếp, công khai, người bồi dưỡng từ xa, bí mật. Ngay trong phong trào Mặt trận Bình dân, Thành Ngọc Quản đã được cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ ở tuổi 20.

Cùng với ba thanh niên khác, Nguyễn Thường Khanh (tức nhà thơ, liệt sĩ Trần Mai Ninh), Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri, họ đã tạo thành “bộ tứ” Khanh - Kỳ - Tri - Quản nổi tiếng trong phong trào thanh niên đấu tranh công khai.

Cụ Thành Ngọc Quản nhớ lại, thực dân Pháp đã gọi nhóm thanh niên này là “bốn thằng quỷ sứ” vì những hoạt động mà họ làm nên trên đầy đủ các mặt trận: báo chí, diễn thuyết, thể thao, đón đại diện của Thanh tra lao động nước Pháp là Gô-đa sang Việt Nam thị sát tình hình thực hiện chính sách xã hội ở thuộc địa…

Chủ nhiệm báo “Thế giới”

“Không chỉ làm người lãnh đạo thanh niên, tôi còn làm báo mà, Chủ nhiệm báo Thế giới”, cụ Thành Ngọc Quản nhắc lại nhiều lần công việc làm báo của mình. Với tờ báo là vũ khí đấu tranh trên mặt trận ngôn luận, để tuyên truyền tư tưởng và đấu tranh cách mạng, những bài viết sắc bén khiến thực dân Pháp phải gờm. Và cũng chính vì thế, có những tình huống đáng nhớ suốt đời.

Xuất thân trong một gia đình quan lại, ông nội làm Giám sát Ngự sử triều đình Huế, cha làm Quản lý báo chí tại Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Vì thế, mỗi khi bài viết gai góc trên báo “Thế giới” xuất hiện, là thực dân Pháp lại cho gọi Thành Ngọc Quản lên. Đồng thời, chính quyền cũng cho gọi ông bố sang để “sạc” con.

“Hai bố con ngồi giáp mặt nhau trong phòng quản lý báo chí. Tình huống cũng trớ trêu đấy. Nhưng ông bố tôi thì biết rằng tính tôi cương trực cho nên ông cụ cũng ngầm ủng hộ tôi. Vì không trách phạt tôi, nên bố tôi bị thực dân sa thải, cho nghỉ hưu sớm”, cụ Thành Ngọc Quản kể.

Báo “Thế giới” thời đó, đóng tại ngôi nhà số 14 phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Nguyễn Quang Bích, quận Hoàn Kiếm). “Bên ngoài là trụ sở tòa báo, bên trong là nhà riêng của thầy Đặng Thai Mai”, cụ Thành Ngọc Quản cho biết.

Chính ngôi nhà lịch sử này, là nơi tập trung những thanh niên yêu nước tham gia hoạt động. Sau này, 60-70 năm trôi qua, nhưng mỗi khi có dịp trò chuyện, những người con của cố GS Đặng Thai Mai vẫn nhớ đến trong ký ức muộn của mình về ngôi nhà và về bộ tứ “Khanh - Kỳ - Tri - Quản”.

Đó là những mảnh ký ức trong từng câu chuyện của GS Đặng Thanh Lê với người viết bài này, hay trong hồi ức “Cô bé nhìn mưa” của GS Đặng Thị Hạnh. Gần đây nhất, trên facebook của mình, GS Đặng Anh Đào còn cho tôi biết thêm rằng, cô luôn nhớ tới Nguyễn Thường Khanh “người anh thích chơi nhất với chúng tôi nhất trong nhóm”.

Tinh thần thanh niên

Sau khi phong trào Mặt trận Bình dân kết thúc, Đảng rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng trước sự khủng bố của thực dân Pháp khi Chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra. Thành Ngọc Quản được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, điều làm Bí thư Liên tỉnh B là các tỉnh dọc đường Quốc lộ số 5: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An. Khi Khởi nghĩa Bắc Sơn bị đàn áp, để giữ lửa phong trào cách mạng, ông được điều lên căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai làm Chính trị viên Cứu Quốc quân. Trong một lần về thăm nhà, không may ông sa vào lưới mật thám đã giăng sẵn.

thnh-ngoc-qun-1952164553617
Ông Đào Văn Trường (thứ 3, từ phải sang) tại Việt Bắc (1952)

“Một mình tôi phải chịu 5 cái án, 3 án tù chung thân, trong đó có 1 án tử hình vắng mặt rút xuống chung thân, án 5 năm tù vì hoạt động báo chí và 10 năm tù vì làm Bí thư Liên tỉnh B. Tôi bị đày ra Côn Đảo”.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông và nhiều đồng chí khác trở về đất liền hoạt động. Với kiến thức quân sự học được trong thành từ trước, Thành Ngọc Quản lúc này mang bí danh mới là Đào Văn Trường đã được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, Khu trưởng Chiến khu 8. Khi đồng chí Hoàng Quốc Việt vào miền Nam kiểm tra tình hình đã đề nghị rút ông ra Trung ương nhận nhiệm vụ.

Với kiến thức quân sự của mình, Đào Văn Trường lần lượt đảm nhận các vị trí công tác then chốt: Tổng tham mưu phó, Cục trưởng Cục Tác chiến và Quyền Tư lệnh Đại đoàn 351 - tức Đại đoàn Pháo binh - Binh chủng hiện đại bậc nhất mới được thành lập ngay trước Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Ngồi nghe vị thủ lĩnh Đoàn Thanh niên kể lại những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ, tôi thấy tinh thần thanh niên dường như vẫn sôi sục trong ông. Người bạn đời của ông lắng nghe câu chuyện từ đầu đến cuối. Tới khi tôi xin phép để dừng chuyện, bà mới chia sẻ thêm: “Ông sẵn sàng nhận bất cứ công việc gì được Đảng và tổ chức giao cho. Về công tác tại báo Nhân dân, rồi chuyển sang công tác tại Bộ Giao thông Vận tải, chuẩn bị cho mở đường Trường Sơn - 559”. Thật đúng là tinh thần của thanh niên!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.