| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 06/10/2020 , 05:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:50 - 06/10/2020

Thành phố mới không chỉ cần tên gọi mới

Muốn đưa Thủ Đức lên tầm 'thành phố thông minh' hoặc 'thành phố công nghệ', phải có biện pháp giám sát các dự án liên quan đến quỹ đất.

Lấy ý kiến cử tri về việc lập thành phố Thủ Đức vừa được tiến hành tại TP.HCM. Dự kiến sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một đơn vị hành chính. Từ năm 1997, huyện Thủ Đức được tách thành 3 quận. Sau 23 năm, thì 3 quận lại lên kế hoạch gộp chung.

Sau 23 năm, huyện Thủ Đức dự định được mang tên mới là thành phố Thủ Đức, cũng có lắm điều phải suy ngẫm.

Đại đa số cử tri đồng ý việc lập thành phố Thủ Đức, quận 2 đạt 82%, quận 9 đạt 97% và quận Thủ Đức đạt 98%. Tuy nhiên, tên gọi đơn vị hành chính mới, thì có rất nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Những tên gọi khác được cử tri đề nghị là thành phố Đông, thành phố Thủ Đức Mới, thành phố Sài Gòn, thành phố Thủ Thiêm, thành phố Sài Gòn Gia Định…

Theo đà phát triển, sự tách ra hay sự sáp nhập một địa bàn, không thể dựa vào sở thích ngẫu hứng của những nhà quy hoạch. Bởi lẽ, cứ tán rồi tụ, cứ tụ rồi tán, sẽ gây ra nhiều phiền toái và tốn kém. Không thể chỉ căn cứ vào dân số mà vội vã chia nhỏ hay cộng dồn đơn vị hành chính.

Ít nhất, một đơn vị hành chính phải căn cứ vào ba yếu tố cơ bản là môi trường tự nhiên, phương thức sản xuất và lối sống cộng đồng. Nông thôn hóa đô thị, hoặc đô thị hóa nông thôn, đều dẫn đến những xáo trộn không cần thiết và đánh mất bản sắc vùng miền.

Sau 23 năm tách huyện Thủ Đức thành 3 quận, đã có sự thay đổi rõ rệt. Quận 2 nhờ vị trí gần khu vực trung tâm TP.HCM đã lột xác rất nhanh, nhưng quận 9 và quận Thủ Đức vẫn loay hoay trong diện mạo cũ.

Vì vậy, sáp nhập 3 quận về chung một đơn vị hành chính, thì tương lai của thành phố mới không nằm ở tên gọi mới, mà cần phải có tư duy mới để phát triển. Bởi lẽ, nếu không tìm được hướng đi riêng cho thành phố Thủ Đức, thì việc sáp nhập chỉ tạo ra cơn sốt đất ồn ào mà thôi.

Địa bàn huyện Thủ Đức ngày trước và địa bàn thành phố Thủ Đức tương lai, xưa nay vẫn thu hút một lượng lớn lao động nhập cư.

Hàng loạt khu công nghiệp của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai giáp ranh, đã khiến Thủ Đức tăng trưởng các dịch vụ hướng đến sinh hoạt của công nhân tha phương cầu thực.

Áp lực an ninh trật tự và áp lực hạ tầng giao thông, cũng như các đòi hỏi đáp ứng nhu cầu y tế, giáo dục luôn luôn đặt ra gay gắt.

Trong khi đó, đời sống văn hóa vẫn giữ nguyên mô hình của ngoại ô buồn tẻ. Đó là bài toán đầu tiên phải giải quyết, để xây dựng một thành phố Thủ Đức văn minh và hiện đại.

Sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, sẽ dôi dư nhiều công sở. Mặt khác, quỹ đất của Thủ Đức vẫn còn tương đối nhiều.

Cho nên, trước khi muốn đưa Thủ Đức lên tầm “thành phố thông minh” hoặc “thành phố công nghệ”, phải có biện pháp giám sát chặt chẽ và nghiêm túc các dự án liên quan đến quỹ đất.

Không phải nhờ một cái tên thành phố mới, mà những bất cập của Khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể xem như chưa từng xảy ra.