Ông Hùng đang đội thử chiếc nón lá bàng rừng mà vợ ông vừa làm xong. |
Vừa chải chuốt những chiếc lá bàng chỉ còn trơ bộ gân lá, ông Hùng cho hay, tình cờ một lần đi chơi trong rừng ở thị xã Hương Trà, ông phát hiện ra cây bàng rừng, ông hái một bó lá về nghiên cứu, làm thử và biết rằng loại lá này có thể trở thành nguyên liệu làm nón, bởi lá bàng rừng phù hợp để tạo hình những chiếc nón thanh tao, duyên dáng cho người sử dụng.
Để có những chiếc nón lá đẹp, ông Hùng lựa chọn những lá cây bàng, không già, không non, sau đó xử lý cho hết phần "thịt”, chỉ để lại phần “xương”, tức là những gân lá tạo thành một lớp lưới mỏng nhưng chắc chắn, lạ mắt mới nhìn trong suốt với nhiều “hoa văn họa tiết” trông như một tác phẩm nghệ thuật. Ông Hùng dùng bàn chải đánh răng cẩn thận chải trên chiếc lá mỏng tang rất khéo léo, tỉ mẩn để giữ nguyên vẹn được những đường gân tự nhiên của lá bàng.
Lá bàng rừng - nguyên liệu chính để lợp nón lá bàng. |
Công đoạn chằm nón (làm khuôn nón) cũng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ. Ông Hùng thuê những người thợ chằm nón chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo tính bền vững và thẩm mỹ cho sản phẩm.
Để chiếc nón lá bàng bền bỉ với mưa nắng, thay vì chọn lớp dầu nón (khiến nón đổi sang màu vàng xỉn), ông Hùng chọn sơn bóng PU vừa giúp giữ màu thật của xương lá bàng, vừa tăng độ bền chống chịu với thời tiết khắc nghiệt cho nên trông nón lá bàng có vẻ mỏng manh nhưng độ bền không thua kém gì so với nón lá Huế khác trên thị trường.
Nón lá bàng rừng xuất hiện như một luồng gió mới giữa những chiếc nón lá thông dụng ở Huế. “Nón bàng” vẫn giữ được nét “e ấp”, duyên dáng như những chiếc nón lá Huế truyền thống nhưng vẻ ngoài mới lạ của những gân lá trong suốt đã khiến nhiều du khách “bỏ đi không đành”.
Lá bàng rừng sau khi sơ chế. |
Người ta nâng niu, tấm tắc khen chiếc nón lá bàng như một tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần là chiếc nón để che mưa, che nắng. Đặc biệt, những đường gân lá chi chít, đan xen sẽ tạo ra những “quang phổ” độc đáo trên chiếc nón như một bức tranh khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Bà Lê Kỳ Ngộ cho hay, mỗi chiếc nón “lá bàng” được kết từ hơn chục chiếc lá bàng rừng xử lý tỉ mẩn qua nhiều công đoạn. 450.000 đồng/chiếc nón với nhiều người đó là mức giá đắt, nhưng thấy được sự độc đáo và công phu nên nón ông bà làm tới đâu bán hết tới đó, cung không đủ cho cầu.
Làm nón bằng gân lá bàng rừng không thể làm nhanh được, phải chăm chút tỉ mẫn, như người họa sĩ vẽ một bức tranh thì nón mới đẹp. Mỗi tháng làm cật lực, gia đình bà cũng chỉ có thể sản xuất được khoảng 60 chiếc nón lá bàng.
Chiếc nón lá bàng rừng đang hiện dần qua bàn tay tài hoa của bà Lê Kỳ Ngộ. |
Hai vợ chồng ông Hùng vốn xuất thân từ họa sĩ nên hiện nay không khó để họ tiếp tục thử nghiệm kết hợp những chất liệu lá khác để đưa những hình ảnh về danh lam thắng cảnh của xứ Huế như như bến Vân Lâu, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, sông Hương núi Ngự... vào nón lá bàng.
Và hòa quyện trên nền tranh này là những câu thư pháp bay bướm, giàu hình tượng của các thi sĩ nổi tiếng viết về Huế như: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/Kim cổ hứa đa sầu” (Nguyễn Du); “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Bùi Giáng); “Hương Giang ơi dòng sông êm/Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình” (Tố Hữu); “Gió đưa cành trúc la đà /Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” (Ca dao)... đưa lên chiếc nón.
Hy vọng, ông Hùng sẽ tiếp tục thành công, có thêm sản phẩm mới để du khách trong và ngoài nước có thêm món quà lưu niệm khi thăm mảnh đất “thần kinh thương nhớ”.
Cô gái xứ Huế đẹp và duyên dáng hơn khi sử dụng nón lá bàng rừng. |
Cô Lan Phương một du khách trú ở TP Hội An (Quảng Nam) đã mua nón cho biết, nón lá bàng không những mang đến cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu mà còn tạo cho người đội nón một vẻ đẹp thanh tao và thân thiện với môi trường. Vì thế tuy giá nón khá cao (450.000 đồng/chiếc) nhưng rất được du khách, đặc biệt là nhiều thiếu nữ đi du lịch xứ Huế yêu thích và mong muốn được sở hữu chiếc nón độc đáo đáng yêu này. |