Chiều 20/7, Thanh tra Bộ Y tế có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) giải trình vụ việc báo đăng "Dân mạng bức xúc khi "hoa khôi" tiêm vacxin phòng Covid-19 không cần đăng ký".
Theo Thanh tra Bộ Y tế, nội dung bài viết có liên quan đến công tác tiêm vacxin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Hữu Nghị.
Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo cơ sở y tế này gửi báo cáo chi tiết, cụ thể về vụ việc này trước 10h, ngày 21/7, để làm rõ vụ việc, tránh gây bức xúc cho người dân.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh cô gái tên V.P.A. (ở Hà Nội, cựu hoa khôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đăng tải thông tin, hình ảnh được người thân gọi đi tiêm vacxin phòng Covid-19.
V.P.A viết trên tài khoản Facebook: "Dịch bệnh càng ngày càng đáng sợ, kể cả vacxin AstraZeneca cũng được, nhưng hai vợ chồng cứ muốn chờ vacxin của Pfizer để tiêm. Đúng như sự mong đợi, tối hôm qua vừa đọc báo Hà Nội giãn cách thì ông ngoại gọi mai tiêm luôn nhé mà thở phào nhẹ nhõm. Hoàn thành mũi 1, vậy là cũng có nhiều chút yên tâm. Cảm ơn ông bà ngoại lúc nào cũng kịp thời lúc các con cần".
Dòng chia sẻ được đăng tải kèm hình ảnh một cô gái đang tiêm vacxin cùng giấy xác nhận đã tiêm vacxin phòng Covid-19 do Bệnh viện Hữu Nghị cấp.
Đáng chú ý, khi nhiều bạn bè vào bình luận, hỏi về thủ tục đăng ký thế nào để được tiêm vaccine Covid-19, V.P.A trả lời: "Chị không đăng ký em ạ. Chờ đăng ký không biết đến bao giờ mới được tiêm".
Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện trên mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình và cho rằng việc P.A. được tiêm vacxin phòng Covid-19 do "nhờ vả" là rất khó chấp nhận, khi nguồn cung vacxin còn hạn chế.
Đến cuối ngày 20/7, Việt Nam đã tiêm tổng số 4.305.501 liều vacxin phòng Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 3.995.710 liều, tiêm mũi 2 là 309.791 liều.
Việt Nam triển khai Chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử, bắt đầu từ ngày 8/3, nhằm tiến tới bao phủ độ rộng vacxin, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Khi nguồn vacxin còn hạn chế, Chính phủ và Bộ Y tế đã ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.
Cụ thể gồm 16 nhóm đối tượng, trong đó có cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);
Lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu ( hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)…;
Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;
Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vacxin cho Bộ Y tế...