| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn để trái sầu riêng Việt có hướng đi riêng

Thứ Bảy 22/07/2023 , 08:34 (GMT+7)

Ngành sầu riêng Việt Nam cần phải ưu tiên giải quyết được các khó khăn, quản lý chặt chẽ về chất lượng sản phẩm mới có được chỗ đứng vững chắc trước các đối thủ.

Ngày 21/7, diễn đàn “Cơ hội, thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam” được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai, do Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phối hợp cơ quan Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam thực hiện.

Diễn đàn nhằm đánh giá hiện trạng sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và và các tỉnh/thành. Từ đó có những hướng đi riêng, không bị lép vế trước các đối thủ, nhất là đi vào vết xe đổ dội chợ như những nông sản khác trước đây.

Quang cảnh diễn đàn 'Cơ hội, thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam'. Ảnh: Lê Bình.

Quang cảnh diễn đàn “Cơ hội, thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam”. Ảnh: Lê Bình.

Còn nhiều thách thức với trái sầu riêng Việt Nam

Diễn đàn đã cung cấp cho người tham dự bức tranh tổng quan về việc trồng sầu riêng ở Việt Nam. Đồng thời, cũng chỉ rõ chỗ đứng của sầu riêng Việt Nam đang ở đâu so với các cường quốc về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.

Cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác. Do đó, nông dân đã mở rộng diện tích nhanh chóng thông qua việc chuyển đổi từ xen canh cây sầu riêng với cây trồng khác, rồi tiến tới chuyển hẳn diện tích trồng lúa, cà phê, tiêu… sang chuyên canh sầu riêng.

Sầu riêng Việt được đánh giá sẽ mang về 1,5 tỷ USD trong năm 2023 nhờ xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.

Sầu riêng Việt được đánh giá sẽ mang về 1,5 tỷ USD trong năm 2023 nhờ xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, nếu như năm 2017, cả nước có 37.000ha trồng sầu riêng thì đến năm 2022 đã tăng lên 110.300ha. Trong đó, nhiều nhất là ở Tây Nguyên tăng 39.300ha, ĐBSCL tăng gần 15.000ha và Đông Nam bộ tăng gần 14.000ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước trong giai đoạn này là 24,5%.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hầu hết quy mô sản xuất sầu riêng ở nước ta là nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định. Đặc biệt, sầu riêng của chúng ta còn phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc.

“Vấn đề về truy xuất nguồn gốc, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, trong khi áp dụng giải pháp kĩ thuật còn hạn chế, xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nếu chưa có sự thay đổi kịp thời”, ông Lê Thanh Tùng băn khoăn.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Bình.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Bình.

Biến đổi khí hậu và tình hình khô hạn, ngập úng ở từng địa phương khác nhau ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến vùng sản xuất sầu riêng.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc bà con nông dân tự ý thu hoạch sầu riêng non để bán với mong muốn kết thúc mùa vụ sớm, trái non cũng nặng hơn nên bán được giá.

“Điều này rất nguy hiểm cho ngành sầu riêng Việt Nam nói chung, vì khi người tiêu thụ bỏ tiền ra thì lại gặp phải ngay trái chưa chín, ăn không ngon sẽ tẩy chay thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và cả thương hiệu sầu riêng quốc gia của chúng ta. Cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay và quyết liệt”, ông Phúc Nguyên đề xuất.

Còn theo GS Trần Văn Hâu, chuyên gia cao cấp về sầu riêng cho hay, Việt Nam vẫn chưa có giống sầu riêng ưu việt để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và các nước khác. “Thái Lan có sầu riêng Monthong hay Chanee, Musang King và Blackthorn của Malaysia… Còn Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu lớn quốc gia, giá bán thường thấp hơn Thái Lan và Malaysia dù chi phí về logistics có rẻ hơn”, GS Trần Văn Hâu chia sẻ.

Ban chủ tọa diễn đàn đang lắng nghe những ý kiến, đóng góp của người tham dự. Ảnh: Lê Bình.

Ban chủ tọa diễn đàn đang lắng nghe những ý kiến, đóng góp của người tham dự. Ảnh: Lê Bình.

Chưa kể, hầu hết nông dân của chúng ta chưa được tập huấn về quy trình canh tác cây sầu riêng nên rất thiếu thông tin về kĩ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, quản lý sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất, chất lượng sầu riêng.

“Đó cũng là khó khăn khi đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng trái sầu riêng. Không đảm bảo chất lượng thì sầu riêng không xuất khẩu được, lại ùn ứ, lại dội chợ… người nông dân lãnh đủ. Do đó, xây dựng và ban hành quy trình kĩ thuật chi tiết cho sản xuất sầu riêng cũng cần được sớm triển khai đến tận tay người nông dân trong thời gian tới”, ông Tùng thông tin thêm.

Tháo gỡ khó khăn, không để sầu riêng "dội chợ"

Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022 (đạt 421 triệu USD). Dự kiến, cả năm xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ USD.

Để đạt được con số này và nhất là có thể cạnh tranh tốt với những đối thủ về xuất khẩu sầu riêng, Việt Nam cần mở rộng vùng trồng, đây là yêu cầu bắt buộc để trái sầu riêng có thể xuất ngoại.

GS Trần Văn Hâu (bìa phải) kiểm tra trái sầu riêng được trồng theo phương pháp hữu cơ tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

GS Trần Văn Hâu (bìa phải) kiểm tra trái sầu riêng được trồng theo phương pháp hữu cơ tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 300 mã số vùng trồng, hơn 100 cơ sở đóng gói. Đây là con số khá khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh diện tích sầu riêng đang phát triển. Ông Lê Thanh Tùng bày tỏ đó cũng chính là bài toán mà Cục Trồng trọt sẽ ưu tiên thực hiện, phát triển và phân bố đồng đều.

Đa dạng hóa sản phẩm từ sầu riêng Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu rất tốt trái sầu riêng tươi. Tuy nhiên, để có thể đi đường trường và đáp ứng được nhiều đối tượng thì sầu riêng Việt Nam cần phải cấp đông, có thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu.

Hiến kế cho ngành trồng trọt sầu riêng, GS Trần Văn Hâu cho biết, Việt Nam nên sản xuất nghịch vụ, nhắm tới “khoảng trống” so với đối thủ trực tiếp như Thái Lan, Malaysia. Cụ thể, với những kĩ thuật canh tác cao của Việt Nam thì hoàn toàn có thể cho trái sầu riêng thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

“Ở khoảng thời gian này, sầu riêng ở các nước không cho thu hoạch mà nhu cầu vẫn luôn tiếp diễn. Nếu chúng ta cho trái sầu riêng thu hoạch vào thời gian này thì đỡ được việc cạnh tranh trực tiếp với các thị trường đối thủ”, GS Trần Văn Hâu phân tích.

Việt Nam cũng nên đẩy mạnh chế biến sâu, đông lạnh để hướng tới nhiều đối tượng khách hàng và phù hợp với nhu càu thị trường hơn. Ảnh: Lê Bình.

Việt Nam cũng nên đẩy mạnh chế biến sâu, đông lạnh để hướng tới nhiều đối tượng khách hàng và phù hợp với nhu càu thị trường hơn. Ảnh: Lê Bình.

Diễn đàn cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phối hợp sát sao hơn nữa, chung tay cùng các HTX, người dân về chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và vận chuyển trái sầu riêng đến tay người tiêu dùng để hạn chế tối đa rủi ro. Nghĩa là, doanh nghiệp tham gia từ phần cây chưa ra hoa đến giai đoạn hậu thu hoạch. Làm tốt được việc này thì không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp cũng có lợi.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Bình.

Phát biểu tổng kết tại Diễn đàn, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai sẽ tiếp thu những ý kiến của các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia đã phân tích những khó khăn và cơ hội cho ngành sầu riêng.

“Với diện tích trồng hơn 11.300ha sầu riêng, Đồng Nai rất ý thức được việc cần đi đúng hướng và bền vững cho loại nông sản này. Nó không chỉ đáp ứng được kì vọng về một loại nông sản cho giá trị cao, mà còn giải quyết được nhiều vấn đề, góp phần phát triển kinh tế tỉnh. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ sang Thái Lan để học hỏi thêm những kinh nghiệm mà nước bạn đã áp dụng và thành công”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất