Chiều 6/8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu Tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ công tác 970) có buổi làm việc với UBND TP.HCM, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, tháo gỡ khó khăn nguồn nguyên liệu gia vị chế biến sản phẩm mì ăn liền.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng, mì gói là mặt hàng cực kỳ thiết yếu, rất cần đối với người dân nhất là lúc phải giãn cách xã hội. Để tạo nên một gói mì hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp với các loại nguyên phụ liệu khác nhau và hầu hết các nguyên liệu này đều được thu mua, nhập trực tiếp từ các tỉnh lân cận TP.HCM. Trong khi đó, các tỉnh này đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau, khiến cho việc thu mua nguyên liệu gặp khó khăn.
“Không chỉ khó khăn ở việc vận chuyển mà còn khó ngay từ khâu tổ chức thu hoạch, thu mua. Có những nơi, nông dân không được ra đồng, có những nơi thương lái không đi thu mua vì sợ lây nhiễm dịch bệnh”, bà Thắng nêu.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, sản lượng mì ăn liền một năm của Acecook, Vifon khoảng 4 tỷ gói, chiếm 60-70% thị phần cả nước so với các nhãn hiệu khác. Trong khi thực hiện Chỉ thị 16, ngoài những khó khăn các doanh nghiệp đang đối mặt như vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa sản xuất “3 tại chỗ”, thì các doanh nghiệp sản xuất mì gói còn gặp trở ngại về nguồn nguyên liệu gia vị đầu vào.
Để hoàn thành gói mì ăn liền, trước đây, các doanh nghiệp sản xuất như Acecook, Vifon thu mua ớt tươi từ Tiền Giang, Đồng Tháp, Củ Chi – TP.HCM (khoảng 3.000kg ớt tươi/ngày); mặt hàng gừng, riềng, sả tươi, nhập từ Định Quán, Đồng Nai (trên 1.000kg/ngày), nhưng hiện nay phải chuyển sang thu mua nguồn nguyên liệu này từ Củ Chi với giá cao hơn nhưng chất lượng không tốt bằng. Đối với mặt hàng hành lá, các nhà cung cấp đều lấy nguồn từ Ninh Bình, sau khi làm sạch, sấy khô sẽ được vận chuyển vào TP.HCM 3.000kg/ngày và hành tươi hơn 3.000kg/ngày. Do khó khăn trong khâu lưu thông, nguồn hàng về TP.HCM bị hạn chế. Các mặt hàng nấm mèo, cải tươi, boa rô… các nhà cung cấp đều lấy nguồn từ Tiền Giang; hành tím từ Vĩnh Châu, Hậu Giang (2.000kg/ngày)… đều gặp khó khăn tương tự.
“Các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền hiện nay đang đối diện với nguy cơ phải thay đổi đơn vị cung cấp từ những nguồn, mối quen sang các nguồn khác với giá mua cao hơn nhưng chất lượng không tốt bằng và nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu luôn hiện hữu”, bà Lý Kim Chi nói.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT tháo gỡ, phối hợp chính quyền từng địa phương cụ thể đang cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp để thống nhất các phương án thu mua và tạo thuận lợi trong việc giao nhận.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 - Bộ NN-PTNT khẳng định, trong danh sách kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác đang có, nguồn cung nguyên liệu gia vị dồi dào. Tổ sẵn sàng kết nối ngay giúp Hội lương thực thực phẩm TP.HCM.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị, sau chuỗi mì gói, Bộ NN-PTNT kết nối nguồn cung nông sản, thực phẩm tới các chuỗi giá trị sản xuất lớn khác tại TP.HCM, tránh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng trong sản xuất.
Đến ngày 6/8, có tổng 811 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT. Gồm: Rau củ 214 đầu mối; trái cây 199 đầu mối; thủy hải sản 324 đầu mối; lương thực 40 đầu mối; các mặt hàng khác 34 đầu mối.
Riêng mặt hàng gia vị, Tổ công tác cho biết, trên danh sách đầu mối cung cấp, đang có: sả ở Tân Phú Đông - Tiền Giang còn hơn 9.000 tấn, ngoài ra còn 16 đầu mối cung cấp sả khác với khả năng gom mỗi ngày 400-600 tấn; ớt trồng nhà lưới sản lượng còn rất nhiều; gừng có khoảng gần 50 tấn; riềng trên 20 tấn; hành lá của Chợ Mới - An Giang có hơn 25 tấn, ngoài ra còn có ở Long Hồ - Vĩnh Long; hành tím ngoài có nhiều ở Sóc Trăng, còn có ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, số lượng lớn.
Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM lên danh sách cụ thể đơn vị cần thu mua (loại hàng, quy cách, tiêu chuẩn...), Tổ công tác sẽ kết nối.