| Hotline: 0983.970.780

Thấp thỏm thị trường hoa Tết

Thứ Tư 28/12/2022 , 13:50 (GMT+7)

CẦN THƠ Người trồng hoa ở TP Cần Thơ đang phập phồng ngóng giá cả thị trường hoa Tết, bởi năm nay vật tư đầu vào đều tăng rất cao, trong khi thời tiết nhiều bất lợi.

Năm nay, gia đình bà Đỗ Thị Thảo ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) trồng được 3.000 giỏ hoa Tết các loại, nhưng do mưa nhiều dẫn đến hoa cúc Đài Loan có dấu hiệu trổ bông sớm hơn mọi năm. Gia đình bà Thảo phải dậy từ 3 giờ sáng để tỉa lá, cắt cành, bón phân, tưới nước... để xử lý cho cây nở bông đúng ngày bán Tết. Cùng với nỗi cực nhọc là tâm trạng lo lắng, vì giá vật tư nông nghiệp đủ loại từ phân bón, thuốc BVTV, chậu kiểng, cây giống, chi phí thuê mướn nhân công...  năm nay đều tăng cao từ 10 - 30% khiến bà Thảo đứng ngồi không yên.

Nông dân trên cánh đồng hoa đang tất bật tưới nước chăm sóc vườn nhà để chuẩn bị bán tết. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đang tất bật tưới nước chăm sóc hoa để chuẩn bị bán Tết. Ảnh: Hồ Thảo.

“Năm nay, tiền vốn tôi đầu tư vào vườn hoa đội lên thêm 50 triệu đồng do thứ gì cũng tăng. Năm trước phân bón có mười mấy nghìn đồng/kg, năm nay tăng lên tới 25 nghìn/kg, thuốc trừ sâu 10 bịch 150 nghìn đồng năm nay tăng lên 220 nghìn đồng... Trong khi đó, mùa hoa Tết năm nay không biết bán được giá không, tôi lo quá”, bà Thảo chia sẻ

Cùng tâm trạng với bà Thảo, ông Đoàn Hữu Bốn ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy đầu vụ xuống giống hơn 5.000 giỏ hoa các loại như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, hướng dương, vạn thọ, cát tường... Cũng do thời tiết xấu, nên vườn hoa của ông Bốn hao hụt gần 300 chậu. Mấy ngày nay thời tiết ở miền Tây trở lạnh hơn, ông Bốn phải thuê thêm nhân công để bấm đọt, tỉa những cành không cần thiết, phun thuốc trừ sâu... để điều khiển cây ra hoa đúng dịp bán Tết.

Khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm, thương lái thường đến đặt cọc hoa vạn thọ với giá từ 100 - 150 nghìn đồng/cặp, cúc từ 200 - 250 nghìn đồng/cặp, cát tường từ 150 - 200 nghìn đồng/cặp. Tuy nhiên năm nay, ông Bốn cho biết mặc dù thương lái có đến đặt mua nhưng chưa chốt giá.

"Điều lo lắng của chúng tôi lúc này là giá thị trường sẽ sụt giảm do cung vượt cầu. Trong khi đó, giá vật tư sản xuất hoa năm nay cái gì cũng tăng chóng mặt nên tâm trạng bà con trồng hoa đang rất phấp phỏng", ông Bốn lo lắng.

Những giỏ hoa nở sớm hơn mọi năm do ảnh hưởng của thời tiết. Ảnh: Hồ Thảo.

Những giỏ hoa nở sớm hơn mọi năm do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo đa số nông dân trồng hoa Tết tại Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…, năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nên số nhà vườn đầu tư vào trồng hoa Tết nhiều hơn, lượng vào giống của các nhà vườn cũng lớn hơn mọi năm, điều này rất dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Bên cạnh đó, giá vật tư tăng mạnh, thời tiết thất thường, chi phí nhân công cũng tăng nên giá hoa Tết năm nay ít nhất phải bán được cao hơn mọi năm khoảng 10 - 20% thì nông dân mới có lãi. Theo đó, thời điểm chi phí đầu vào chưa tăng giá, bình quân nông dân đầu tư khoảng 50 triệu đồng trồng hoa Tết, nếu trúng chợ bán được giá, sau khi trừ hết chi phí người trồng hoa vẫn còn lãi từ 50 - 70 triệu đồng, nhưng năm nay khó có lãi như mọi năm.

Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan, cộng với sự siêng năng, sáng tạo, đa số nông dân trồng hoa luôn kỳ vọng vào một mùa hoa Tết thắng lợi để có một cái Tết trọn vẹn.

Hiện nay, trên địa bàn quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có khoảng 500 hộ dân trồng hoa Tết với diện tích ước tính khoảng 18,9ha. Hiện nay, diện tích trồng hoa có giảm do ảnh hưởng các dự án trên địa bàn, tuy nhiên nông dân cũng tận dụng đất thuộc dự án làm giàn, kệ... để trồng hoa bán Tết nên số lượng hoa Tết giảm không đáng kể.  

Một ngày nông dân Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ TP. Cần Thơ tưới nước cho vườn hoa 2 lần, để cây ra lá mới sau khi bấm đọt, tỉa cành. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (TP Cần Thơ) tưới nước cho vườn hoa 2 lần/ngày để cây ra lá mới sau khi bấm đọt, tỉa cành. Ảnh: Hồ Thảo.

“Năm nay, dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ, công tác phòng chống thiên tai cũng được tập trung, chủ động thực hiện. Đến nay, trên địa quận lượng hoa phục vụ thị trường Tết Quý Mão khoảng 288.200 giỏ các loại. Việc phân bổ lô sạp bán Tết tại địa phương cũng được UBND các phường quan tâm thực hiện, cho nông dân đăng ký và chuẩn bị mặt bằng. Ngoài ra, địa phương cũng tạo điều kiện nông dân kết nối với thương lái để bán đi các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long...”, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy thông tin.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã tạo điều kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hoa thông qua các khu du lịch, điểm hội chợ, lễ hội, các kênh bán hàng, quảng bá làng hoa... để tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

Vụ hoa Tết năm nay, nông dân quận Bình Thủy xuống giống đạt 100% so với kế hoạch của ngành nông nghiệp quận. Hiện nay, bên cạnh các loài hoa có lợi thế truyền thống, người trồng hoa đã đưa vào trồng một số giống mới để thử nghiệm, ứng dụng kỹ thuật xông đèn. Qua đó, làm đa dạng, phong phú thêm về kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc các loại hoa để phục vụ nhu cầu chưng Tết của người dân.

Bên cạnh vật tư đầu vào tăng, thì thời tiết trong năm cũng gặp nhiều khó khăn do mưa nhiều, nên việc xuống giống cần che chắn làm giàn chắc chắn hơn, cực công chăm sóc hơn. Vì vậy theo dự báo, giá hoa Tết năm nay có thể tăng nhẹ từ 10 - 20% so với Tết năm 2022.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.