Đây là nghiên cứu của nhà nghiên cứu Aaron Reeves thuộc Đại học Oxford chủ trì vừa công bố. Theo đó, số người tìm đến cái chết đã tăng 1% theo mỗi phần trăm tăng tỷ lệ lao động bị mất việc làm.
Thống kê cho thấy trong cuộc suy thoái kinh tế hồi năm 2007-2009, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 10% thì cũng kéo theo tỷ lệ tự tử tăng, khiến 4.750 người tự vẫn do cùng quẫn. Và một khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 20% thì những tổn thất về nhân mạng cũng tăng tương ứng.
“Điều thật sự đáng buồn là khả năng số vụ tự tử sẽ nhiều gấp đôi trong vòng 24 tháng tới so với những gì chúng ta đã thấy trong giai đoạn đầu của cuộc suy thoái kinh tế vừa qua. Có nghĩa là sẽ có khoảng 20.000 người chết vì tự tử, tính riêng ở Hoa Kỳ và châu Âu”, ông Keith Reeves nói.
Tính đến thời điểm này, tức chưa đầy ba tuần sau khi các biện pháp phong tỏa được tiến hành ở một số vùng của nước Mỹ, con số thất nghiệp đã tăng lên khoảng gần 10 triệu người. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cảnh báo, tỷ lệ này có thể đạt 20% và các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang thậm chí còn dự đoán sẽ lên tới 32%. Tương tự là châu Âu cũng đang phải đối mặt với những dự báo bi thảm như vậy.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng trong bối cảnh thất nghiệp tăng cao do đại dịch Covid-19 nhưng nếu cộng đồng đều đồng lòng và nỗ lực cao ở mức quốc gia để đánh bại dịch bệnh thì tỷ lệ này có thể được kiềm chế. Anne Case, chuyên gia nghiên cứu kinh tế y tế của Đại học Princeton (Mỹ) cho biết, tỷ lệ tự tử rất khó có thể dự đoán ngay cả khi không có khủng hoảng.
Trước đó, tại Học viện Không quân ở Colorado Springs, bang Colorado đã phải nới lỏng các biện pháp phong tỏa xã hội nghiêm ngặt sau khi xảy ra vụ tự tử của hai học sinh cuối cấp hôm cuối tháng 3. Theo báo địa phương The Gazette, vụ việc đáng buồn xảy ra khi các lứa học sinh nhỏ tuổi hơn được phép về nhà thì các học sinh cuối cấp lại bị cách ly trong ký túc xá và một số người đã phàn nàn khung cảnh giống như nhà tù.