Làm sao để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc?
Báo NNVN đã trao đổi với ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản về vấn đề này.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản. Ảnh: Hồng Thủy. |
Thưa ông, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc như thế nào?
Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc là rất lớn. Hàn Quốc có dân số hơn 51 triệu người, GDP khoảng 1.619 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới, thu nhập bình quân 30.600 USD/người/năm.
Năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản. Trong đó, nhập khẩu rau quả và trái cây là 8,44 tỷ USD, nhập khẩu thủy sản 5,045 tỷ USD, nhập khẩu lâm sản 3,825 tỷ USD... Hàn Quốc là nước tiêu thụ rau và trái cây trên đầu người ở mức cao, với bình quân 200 kg rau/người/năm và 60 kg trái cây/người/năm.
Về hàng nông sản, Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như ngô, thịt bò, lợn đông lạnh, lúa mì, đậu tương, gạo, đường. Thủy sản là tôm, cá phi lê, cá đông lạnh… Rau quả, trái cây gồm cam, chuối, cherry, khoai tây, tỏi, ớt chuông…
Hàn Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn về nông sản, Việt Nam là nước mạnh về xuất khẩu nông sản. Nhưng thị phần của nông sản Việt Nam ở Hàn Quốc còn khá thấp. Vì sao vậy?
Năm 2018, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc là 2,145 tỷ USD. Với giá trị như trên, hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc còn chiếm thị phần khá khiêm tốn trên thị trường nước này.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nông sản Việt Nam còn chiếm thị phần khiêm tốn trong tổng giá trị nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc, là nước này kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm rất chặt chẽ với nông, thủy sản nhập khẩu. Với thủy sản, Hàn Quốc yêu cầu tất cả các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ Luật kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, phải đáp ứng yêu cầu sản xuất HACCP, tiêu chuẩn sản phẩm, nhà xưởng, kho bảo quản, chất lượng nguyên liệu… Trong khi đó, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn gặp vấn đề về dư lượng kim loại nặng, độc tố do vi khuẩn, kháng sinh…
Hàn Quốc đã áp dụng một quy định mới về mức dư lượng giống như ở các thị trường phát triển khác như EU, Mỹ, Nhật Bản… Theo đó, các loại hóa chất, thuốc BVTV chưa quy định mức dư lượng tối đa cho phép thì áp dụng quy định chung là 0,01 ppm. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Nhiều loại trái cây nhiệt đới được người Hàn Quốc ưa thích. Ảnh: Hồng Thủy. |
Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu trái cây, nhưng đến nay mới chỉ có 5 loại trái cây được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc là dừa, dứa, chuối, xoài và thanh long ruột trắng. Trong khi đó lại chưa phát huy được thế mạnh xuất khẩu của các loại rau như cải cuộn, cải bắp, xu hào, cà chua… Chính vì vậy, trong năm 2018, giá trị xuất khẩu rau và trái cây tươi sang Hàn Quốc mới chỉ đạt hơn 100 triệu USD, chiếm 3,21% tổng giá trị rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường lớn và rất tiềm năng này?
Trước hết, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường Hàn Quốc. Cụ thể là thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người sản xuất, thay đổi quan niệm sản xuất của họ. Theo đó, sản xuất phải cho ra sản phẩm an toàn và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, là các công việc quan trọng khác như lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm. Lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu. Đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến. Xây dựng chương trình quản lý và giám sát chất lượng an toàn thực phẩm. Áp dụng các quy trình sản xuất tốt, hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến. Đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
Tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn. Ảnh: Hồng Thủy. |
Xin cảm ơn ông!
Về thị trường, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam còn dư địa lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc. Chẳng hạn, năm 2017, Hàn Quốc nhập khẩu 268 triệu USD gạo lứt, thì nhập từ Việt Nam là 47 triệu USD, chiếm 17,5%. Cũng trong năm 2017, Hàn Quốc nhập khẩu cà phê với tổng giá trị 486 triệu USD. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhưng giá trị cà phê xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2017 mới đạt 73,8 triệu USD, chiếm 15%. Gỗ nội thất của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2017 là 118 triệu USD, chỉ chiếm 13,8% tổng giá trị nhập khẩu gỗ nội thất của nước này. Hay như mặt hàng chuối tươi/khô. Năm 2017, Hàn Quốc nhập khẩu với tổng giá trị 370 triệu USD, trong đó, nhập từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ là 0,7%. Các mặt hàng nông sản cần được đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc là cà phê, chuối, xoài, ớt, tỏi, thanh long, gạo, tôm, cá phi lê, cá đông lạnh. Ngoài 5 loại trái cây đã được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam đang đàm phán mở cửa cho thanh long ruột đỏ, bưởi, chôm chôm và nhãn. Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản |