| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi nhận thức đồng bào thiểu số từ mô hình cải thảo VietGAP

Thứ Năm 22/09/2022 , 09:35 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp gắn với tổ chức sản xuất lớn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp đồng bào thiểu số thay đổi tư duy sản xuất.

Hình thành vùng nguyên liệu lớn

Nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển rau theo hướng an toàn, tạo sản phẩm hàng hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình liên kết sản xuất rau cải thảo VietGAP tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong). Mô hình đã giúp người dân thay đổi tư suy sản xuất từ truyền thống sang hướng an toàn, đảm bảo chất lượng.

Trước đây, gia đình ông Bế Văn Bằng (ngụ Bon R’but, xã Quảng Sơn) cũng như nhiều hộ dân khác sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát, manh mún nên đầu ra không ổn định. Khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Bằng là một trong 18 hộ được chọn tham gia.

z3723858083428_7f63d5651969aac03e3d639199c16d6f

Cải thảo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được thành viên HTX Nông Nghiệp - Dược Liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát thu hoạch giao cho đối tác. Ảnh: Quang Yên.

Ông Bằng được hỗ trợ trồng 5 sào rau cải thảo, tiếp cận khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn rau, chuyển từ sản xuất truyền thống sang VietGAP. Sản phẩm làm ra được Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam - Chi nhánh Long An ký kết bao tiêu với giá ổn định.

“Khi tham gia mô hình, người dân biết cách làm ra sản phẩm tốt, chất lượng. Về giá cả, đã có doanh nghiệp bao tiêu, khâu kỹ thuật sản xuất có cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Bà con đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của nhà máy chế biến. Việc nắm được quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất, từ đó giúp đầu ra ổn định, phát triển kinh tế”, ông Bằng nói.

Thông qua mô hình, nhiều nông dân xã Quảng Sơn đã biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cải thảo theo hướng liên kết chuỗi, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, người dân tại địa phương trước đây trồng rau củ, quả nhưng sản xuất theo lối truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhiều. Do đó, chất lượng sản phẩm kém, không có đầu ra ổn định. Thông qua mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bà con được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau củ, biết cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu hại cho cây trồng.

z3723858058971_0ad41e8895aee3472b3bc7ecc9fda9ca

Người dân tại xã Quảng Sơn bắt đầu chuyển từ sản xuất truyền thống sang hướng an toàn, sạch. Ảnh: Quang Yên.

“Bà con biết liên kết với nhau hình thành vùng sản xuất rau rộng lớn, đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho doanh nghiệp. Các nông hộ tham gia mô hình đã thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cải thảo”, ông K’Siêng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Nông Nghiệp - Dược Liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019, đến nay đã có hơn 200 thành viên. Trong đó, diện tích trồng rau củ quả của HTX trên 70ha. Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất theo lối truyền thống, sản phẩm đầu ra không ổn định. Nhìn thấy những khó khăn này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ HTX xây dựng mô hình sản xuất rau cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Trước đây khi chưa tham gia mô hình, người dân trồng rau phun thuốc có khi chưa hết thời gian cách ly đã mang đi bán. Nhưng bây giờ người dân nắm rõ thuốc nào cấm, thuốc nào xịt bao nhiêu ngày mới thu hoạch được theo quy định”, bà Nguyễn Thị Toản chia sẻ.

Theo Giám đốc HTX, năm 2021, đơn vị tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng các thành viên vẫn chưa tiếp thu hết. “Khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức mô hình, các cán bộ cầm tay chỉ việc nên đến nay người dân đã nắm rõ quy trình, lợi ích từ mô hình mang lại. Sắp tới, HTX sẽ nhân rộng mô hình trồng rau VietGAP ra những diện tích còn lại của đơn vị”, bà Toản cho biết.

Thay đổi tư duy, nhận thức của bà con

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Sơn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai có 36 hộ tham gia, với quy mô 18ha.

Kinh phí thực hiện mô hình hơn 471 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 356,9 triệu đồng (bao gồm vật tư nông nghiệp hơn 266 triệu đồng, chứng nhận VietGAP 90 triệu đồng); phía người dân đối ứng hơn 114 triệu đồng.

z3723858067563_e9587528cd6f8ed35454cd3d07a7d211

Thành viên HTX Nông Nghiệp - Dược Liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát tham gia buổi đánh giá mô hình trồng cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Quang Yên.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, mô hình đạt các chỉ tiêu về kỹ thuật. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm đồng đều đạt trên 90%; trọng lượng cải thảo trung bình 700gram/cây. Tỷ lệ cải thảo loại 1 đạt 70%, loại 2 là 30%; năng suất trung bình hơn 25 tấn/ha/vụ. Với giá bán 7.000đ/kg, trừ chi phí, nông hộ có lợi nhuận hơn 61 triệu đồng/ha/vụ. 

Toàn bộ 18ha cải thảo của bà con đã được chứng nhận đạt tiêu tiêu chuẩn VietGAP. Đơn vị liên kết là Công ty TNHH CJ Foods đã ký kết tiêu thụ cho người dân 5 tấn cải thảo/ngày.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông cho biết, mô hình đã từng bước tác động làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân xã Quảng Sơn từ phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn, có tính thuyết phục, đủ điều kiện để phổ biến nhân rộng.

Theo ông Chương, người dân tham gia đã nhận thức rõ về sản xuất nông nghiệp tuân thủ an toàn, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

z3738265901122_31837f0508e64bcf5aa86f0136a8632a

Những luống rau cải thảo xanh mướt được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Quang Yên.

“Người dân nhận biết rõ các loại sâu bệnh gây hại cây cải thảo, sử dụng các biện pháp phòng trị hiệu quả nhất, đối với các loại bệnh nên có biện pháp phòng bằng cách quản lý dinh dưỡng cân đối giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Đối với sâu, không còn phòng như trước mà chỉ trị khi cần thiết, người dân đã biết cách trị hiệu quả. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tính toán để triển khai, nhân rộng mô hình giúp bà con nông dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hiệu quả”, ông Chương nói thêm.

Theo ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, trước đây người dân sản xuất theo lối truyền thống, không có đầu ra ổn định. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức mô hình sản xuất cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 18ha tại địa phương đã giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác. Việc này mang lại kiến thức cho những hộ dân trồng rau, củ quả của địa phương. Trung tâm đã hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Mô hình cũng bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ truyền thống sang hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe của bà con cũng như cộng đồng.

Sau khi mô hình kết thúc, địa phương mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục nhân rộng ra những khu vực khác...

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.