Thời gian qua, công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là ngăn chặn tàu khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm và huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Thay đổi từ nhận thức của ngư dân
Tỉnh Cà Mau với đường bờ biển dài 254km, là vùng có ngư trường rộng lớn, có tiềm năng và lợi thế phát triển nghề khai thác thủy sản. Theo thống kê, sản lượng khai thác thủy hải sản ở Cà Mau trong năm 2022 đạt hơn 236.000 tấn.
Thời gian qua, để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai linh hoạt nhiều biện pháp. Theo đó, vừa kết hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát vừa thực hiện các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu.
Ngoài tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân các quy định về chống khai thác IUU, chính quyền các địa phương vùng biển phối hợp với lực lượng chức năng triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, các địa phương lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.
Ông Phạm Anh Khương, Giám đốc Cảng cá Sông Đốc và Khu Neo đậu tránh trú bão cho tàu tỉnh Cà Mau cho biết: Để nâng cao ý thức cho người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản và chống khai thác IUU, đơn vị đã tuyên truyền thường xuyên 1 buổi/ngày trên hệ thống loa phát thanh và phát tờ rơi đến tận tay các chủ tàu, thuyền trưởng, lao động biển tại cảng. Bên cạnh đó, bám sát khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến 100% đối với tàu có chiều dài lớn nhất 15 - 24m trở lên. Đồng thời, kiểm tra nhập bến lên cá và cả việc thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác.
“Hiện nay, tàu cá trước khi ra vào cảng đều thông báo cho bộ phận quản lý cảng cá trước 1 giờ, tại đây các chủ tàu cung cấp thông tin như: Số tàu, thời gian dự kiến cập cảng, sản lượng ước tính qua cảng. Cán bộ quản lý cảng cá sẽ sắp xếp vị trí cho các tàu, đồng thời chụp hình tàu cá đưa vào nhóm zalo thông báo cho bộ phận cảng cá và văn phòng IUU tàu cập cảng. Đồng thời, thuyền trưởng sẽ lên nộp nhật ký khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy đăng ký đăng kiểm tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên cùng các văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng”, ông Khương cho biết.
Ông Đỗ Trung Hậu, thành viên Văn phòng đại diện thanh tra kiểm tra tàu cá Sông Đốc, cho biết: Nhờ hiệu quả của việc tuyên truyền và sự phối hợp giữa các đơn vị tại cảng mà ngư dân đã có nhiều chuyển biến trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, nhất là việc thông báo cho Ban quản lý biết trước một giờ khi tàu xuất bến, vào bến và nộp nhật ký khai thác.
Theo ông Trần Dũng Khanh, chủ tàu CM 97930TS, chuyên vận tải hậu cần nghề cá nói: "Khi thu mua hải sản từ các tàu cá khác, chúng tôi ghi lại sản lượng, sản loài thu mua rồi nộp cho đội biên phòng".
Anh Nhật Trường, khóm 7, thị trấn Sông Đốc cho biết: Cùng với việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, tuân thủ các cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, mỗi chuyến tàu anh đều ghi nhật ký khai thác với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm khai thác và sản lượng cụ thể theo từng chủng loài.
Khắc phục kiến nghị của EC
Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các lực lượng chức năng đã xử lý, xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Luật Thủy sản 2017. Đồng thời, tích cực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu cá hoạt động khai thác gồm tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần và tàu thủy sản có chiều dài từ 15m trở lên.
Theo đó, để nhanh chóng hoàn thành tiến độ lắp đặt, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, thống kê từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cũng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu này, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trước khi xuất bến khai thác, các chủ tàu hoặc thuyền trưởng sẽ thông báo với Ban quản lý cảng trước 1 giờ đồng hồ. Từ đó, Ban quản lý cảng sẽ đối chiếu số hiệu tàu với danh sách tàu khai thác bất hợp pháp, nhóm nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Kế tiếp, Ban quản lý cảng sẽ thông báo đến các lực lượng Bộ đội biên phòng, Chi cục Thủy sản tại Văn phòng nghề cá để kiểm tra các điều kiện cần thiết để cho xuất bến như lắp đặt thiết bị giám sát, giấy đăng kiểm, giấy phép khai thác.
Theo đánh giá, của ngành chức năng, dù tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bước đầu được ngăn chặn, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ thường, vùng giáp ranh các nước vẫn thường xuyên mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình tàu cá trên biển, nhóm tàu cá thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Các hành vi vi phạm khai thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 và vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh Cà Mau tuy đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra
Toàn tỉnh Cà Mau có 4.291 tàu cá, trong đó có 1.565 tàu cá khai thác vùng khơi, các tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định đạt tỷ lệ 100%. Cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VNFishbase và hệ thống giám sát tàu cá.