Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra thực tế về công tác chống khai thác IUU tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, ngư dân hiểu và chấp hành các quy định của nhà nước về chống khai thác IUU.
Đồng thời, để chuẩn bị tốt cho việc đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC lần 4, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 và Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch tỉnh Trần Anh Dũng Giao Sở NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy sản;
Tổ chức phân quyền khai thác, sử dụng dữ liệu từ hệ thống giám sát tàu cá cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tăng cường công tác giám sát hoạt động của tàu cá và xử lý vi phạm; giám sát tàu cá 24/24h, phát hiện và xử tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển;
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển và tại các cảng cá, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá; kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi không đảm bảo các yêu cầu theo quy định.
Chấm dứt tình trạng tàu cá không có giấy phép, không trang bị thiết bị giám sát hành trình, không duy trì VMS; tàu không có biển số, không đánh dấu tàu cá vẫn được ra khơi hoạt động sản xuất, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Chốt chặn 24/24 giờ tại các cửa sông trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU, không cho tàu cá vi phạm ra khơi, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm...
Ngoài ra, đôn đốc các chủ tàu cá lắp đặt và vận hành VMS theo quy định. Hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định về tần số vô tuyến điện, chỉ đạo các đơn vị cung cấp VMS trong việc bảo trì, bảo dưỡng, thu phí, duy trì hoạt động của các VMS và các thiết bị thông tin liên lạc.
Qua rà soát, thông báo danh sách tàu nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để phối hợp kiểm tra, xử lý, không cho các tàu cá ra khơi khi chưa đủ các giấy tờ, thủ tục.
Hiện nay, sản lượng thủy sản giám sát qua cảng cá của tỉnh Nam Định còn thấp. Năm 2022, chỉ giám sát được 5.249,63 tấn/58.541 tấn hải sản khai thác mặn lợ.
4 tháng, xử phạt 50 vụ vi phạm Luật Thủy sản
Sở NN-PTNT Nam Định tại báo cáo mới nhất ngày 20/4 cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.782 tàu cá, trong đó, 548 tàu < 6m; 394 tàu từ 6m < 12m; 314 tàu từ 12m < 15m; 526 tàu từ 15m trở lên. Tổng số lao động khai thủy sản trực tiếp trên biển là 5.358 người.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác ước đạt 16.299 tấn (đạt 26,29%) kế hoạch, tăng 0,7 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khai thác mặn lợ đạt 15.640 tấn, khai thác nội đồng đạt 659 tấn.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào sử dụng, gồm cảng cá Ninh Cơ (loại I), cảng cá Thành Vui (loại III). Tuy nhiên, 2 cảng cá này còn thiếu cơ sở vật chất và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nghề cá của tỉnh.
Triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã tích cực tuyên truyền, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và xử lý những tàu cá vi phạm Luật Thủy sản. Song, tình trạng chủ tàu vi phạm vẫn tái diễn.
Năm 2020, xử lý 74 vụ, phạt vi phạm hành chính 516,95 triệu đồng. Năm 2021, xử lý 122 vụ, phạt vi phạm hành chính 1,1637 tỷ đồng. Năm 2022, xử lý 78 vụ, phạt vi phạm hành chính 648,9 triệu đồng.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4, toàn tỉnh xử lý 50 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 386 triệu đồng. Trong đó, Bộ đội Biên phòng xử lý 34 vụ, phạt vi phạm hành chính 260 triệu đồng; Sở NNPTNT xử lý 16 vụ, phạt vi phạm hành chính 126 triệu đồng.
Ngoài ra, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa đạt 100%. Hiện tại, số tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt VMS là 499/526 tàu (đạt 94,87%). Còn 27 tàu chưa lắp thiết bị VMS, lý do tàu ngừng hoạt động nằm bờ, tàu mới đăng ký và đang liên hệ để mua và lắp đặt thiết bị VMS.
Đặc biệt, công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua thiết bị VMS; công tác quản lý nguồn gốc thủy sản khai thác còn gặp nhiều bất cập.
Từ đầu năm đến nay, ngành Thủy sản Nam Định đã phát hành 4 thông báo tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên gửi các đơn vị phối hợp trong tỉnh. Trong đó, tàu mất tín hiệu trên 10 ngày là 217 tàu với 235 lượt tàu; đã kiểm tra, xác minh 132 tàu với 167 biên bản xác minh.
Sản lượng thủy sản giám sát qua cảng còn thấp. Năm 2022, chỉ giám sát được 5.249,63 tấn/58.541 tấn hải sản khai thác mặn lợ (đạt 8,97%). Từ đầu năm 2023 đến ngày 15/2, chỉ giám sát được 454,348 tấn/16.299 tấn hải sản khai thác mặn lợ (đạt 2,79%).
Ngành chức năng của Nam Định đã đăng ký cho 1.234 tàu (đạt 100%), thực hiện đánh dấu tàu cá cho 1.224/1.234 tàu cá (đạt 99,2%), cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 496/526 tàu (đạt 94,3%).
Đến ngày 19/4, đã cập nhật thông tin cho 1.234 tàu cá (đạt 100%) có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên trên phần mềm Vnfishbase…