| Hotline: 0983.970.780

EC sắp kiểm tra IUU lần thứ 4: Vẫn còn nhiều bộn bề

Thứ Tư 26/04/2023 , 13:29 (GMT+7)

Còn gần 1 tháng nữa, đoàn thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình chống khai thác IUU lần thứ 4.

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị tại Bình Định về việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước khi Việt Nam làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng của 28 tỉnh, thành ven biển.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Tại hội nghị, ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã thông tin về những việc đã làm được cũng như tồn tại bất cập trong công tác chống khai thác IUU trong thời gian qua. 

“Chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023, Việt Nam đã giảm đến 9.665 tàu cá. Trong số những tàu cá giảm nói trên, có bao nhiêu chiếc hư hỏng, bao nhiêu chiếc còn hoạt động mà nằm ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng, các địa phương cần làm rõ nguyên nhân sự biến động này”, ông Vũ Duyên Hải nhấn mạnh.

Những kết quả khác cũng khả quan nhưng so với khuyến nghị vẫn chưa đạt. Ví như số lượng tàu có đăng kiểm mới chỉ đạt 96%, giấy phép khai thác đạt 67,6%, tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 97,5%. Sản lượng hải sản đánh bắt được giám sát qua cảng mới chỉ đạt 28,5%; mới chỉ 80% số tàu cá nộp nhật ký khai thác và khai báo trước 1 tiếng khi cập bến, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu tất cả phần việc nói trên phải đạt 100%.

Theo ông Hải, nhiều tàu cá dài trên 15m không cập vào cảng cá được chỉ định mà cập vào các bến cá bốc dỡ sản phẩm. Việc xác nhận nguyên liệu cả về nguồn gốc và năng lực xác minh thông tin về loài, số lượng, thời gian đánh bắt còn hạn chế; độ tin cậy của giấy xác nhận nguyên liệu chưa cao. Việc chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác chưa được kết nối liên thông, chưa xác minh đầy đủ thông tin tàu khai thác chuyển tải vào Việt Nam, chưa có giải pháp kiểm soát nguồn gốc thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng container.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Việc thực thi pháp luật cũng còn rất hạn chế trong khi tàu cá vi phạm còn nhiều. Trong khi năm 2022, cả nước có 84 tàu vi phạm, sang năm 2023 có thêm 16 tàu nữa, thế nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 10 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và chưa xử lý vụ nào về môi giới đưa tàu cá đi đánh bắt bất hợp pháp. Từ ngày 25/10/2022 đến ngày 17/4/2023, có đến 259 lượt tàu mất kết nối 10 ngày nhưng chưa được xử lý rốt ráo.

Cũng theo ông Hải, EC khuyến nghị chúng ta 4 nhóm vấn đề, nhưng có vấn đề trọng tâm Việt Nam cần khắc phục ngay là quản lý đội tàu, giám sát hoạt động tàu cá. Về quản lý đội tàu, húng ta phải kiểm soát được từng tàu đang hoạt động ở đâu, hoạt động như thế nào, có đủ điều kiện hoạt động hay không, ví như tàu đó có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hay chưa. Trong quá trình tàu cá hoạt động ngoài biển, ngành chức năng phải kiểm soát 24/7 để đảm bảo tàu cá đó hoạt động đúng vùng, đúng tuyến, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Lực lượng chức năng Bình Định tuần tra trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng chức năng Bình Định tuần tra trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

“Một vấn đề cần khắc phục ngay nữa là về truy xuất nguồn gốc, giám sát sản lượng lên bến. Tất cả tàu cá ra vào cảng phải được kiểm soát, nếu tàu nào không tuân thủ quy định thì không cho bốc dỡ sản phẩm và xử lý. Việc giám sát phải trung thực về số lượng, loài, khai thác ở đâu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc”, ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản chia sẻ.

Tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng nêu vấn đề: “Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt thông qua hoạt động tàu cá cập cảng lên cá (kể cả tàu nước ngoài), lực lượng bộ đội biên phòng cần được cấp tài khoản truy cập vào hệ thống giám sát tàu cá để thực hiện nhiệm vụ. Ví như ở Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT chia sẻ tài khoản cho các đồn biên phòng và các trạm, nhưng các tỉnh khác chỉ có Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mới có tài khoản”.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, các địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Đoàn công tác Bình Định vào Tiền Giang vận động ngư dân không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Đ.T.

Đoàn công tác Bình Định vào Tiền Giang vận động ngư dân không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Đ.T.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong 16 tàu vi phạm trong thời gian vừa qua, chỉ có 6 trường hợp đầy đủ chứng cứ, 10 trường hợp còn khác còn phải xem xét lại. Thế nên tại cuộc làm việc với EC sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ khẳng định vùng viển của Việt Nam rất rộng, vùng chồng lấn cần phải được xem xét lại.

“Trước khi đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với tổng thống Indonesia về vấn đề IUU, chứng tỏ Việt Nam rất quan tâm đến việc gỡ “thẻ vàng”. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao về chuyện gỡ “thẻ vàng” IUU để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Còn gần 1 tháng nữa EC sẽ qua kiểm tra, trong khi chúng ta còn nhiều việc chưa làm được, chúng ta cần phải quyết tâm cao độ hơn nữa. Công điện 265 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện cần phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.