| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận giảm thiểu dịch bệnh chăn nuôi

Thứ Ba 05/12/2023 , 13:40 (GMT+7)

Luật Chăn nuôi và Luật Bảo vệ môi trường ra đời đòi hỏi Nghệ An phải thay đổi toàn diện, kết hợp kêu gọi doanh nghiệp lớn mạnh vào tham gia đầu tư.

Công tác kiểm soát vật nuôi trên địa bàn Nghệ An ngày càng được chú trọng hơn. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác kiểm soát vật nuôi trên địa bàn Nghệ An ngày càng được chú trọng hơn. Ảnh: Việt Khánh.

Hiện nay chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Nghệ An chiếm khoảng 60 – 70% tổng đàn của tỉnh, điều này kéo theo muôn vàn nguy cơ về việc phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Ý thức được mối hiểm họa khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương cấp huyện, xã tập trung tuyên truyền rộng rãi Đề án tái cơ cấu ngành, trọng tâm là chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang trang trại tập trung, làm được điều này vừa giảm thiểu dịch bệnh phát sinh lại hạn chế được tác động tiêu cực do dịch gây nên.

Quá trình thực hiện, một mặt Nghệ An đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp “đại bàng” về làm tổ thông qua những chính sách mở cửa thiết thực, mặt khác khuyến khích người chăn nuôi trên địa bàn lựa chọn phương án phù hợp nhất. Bên cạnh đó còn tích cực hướng dẫn và yêu cầu các chủ cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Bảo vệ môi trường.

Nói đi đôi với làm, ngày 9/11/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4222/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2030”. Phấn đấu mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành giai đoạn 2021 – 2025 đạt 5 – 5,5%, giai đoạn 2026 – 2030 đạt 4 – 4,5%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 50 – 50,5% vào năm 2030; đến cuối kỳ nâng tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng lên con số 412.000 tấn.

Cùng lúc thực hiện các nội dung then chốt (chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, quy trình GAHP, hữu cơ; di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực nội thành đến những địa điểm phù hợp; từng bước tăng năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; đẩy mạnh hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu…) là nhiệm vụ hết sức khó nhằn, muốn hoàn thành không chỉ hô khẩu hiệu suông, ngược lại phải nhập cuộc với tinh thần quyết liệt, làm bước nào chắc chắn bước ấy.

Nghệ An cũng cho thấy sự thận trọng trong quá trình kêu gọi đầu tư, hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi tham gia.

Nghệ An cũng cho thấy sự thận trọng trong quá trình kêu gọi đầu tư, hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi tham gia.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, hay ban hành những chính sách kích cầu nhất thiết phải làm “mới” bức tranh đầu tư. Thay vì triển khai dàn trải, “hút” doanh nghiệp bằng mọi giá như trước kia, những năm qua Nghệ An thận trọng thực sự với những mô hình nuôi lợn quy mô lớn. Bằng chứng, trong 5 năm qua số dự án đủ điều kiện xây dựng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nút thắt xoay quanh công tác giải phóng mặt bằng chỉ là một yếu tố, sâu xa đến từ những quy định ngặt nghèo liên quan đến khía cạnh chăn nuôi, thú y, đặc biệt là môi trường. Chủ trương Nghệ An đang áp dụng là đúng, xét cho cùng trong lĩnh vực này không thể cả nể, chủ quan và lơ là được.

Ở diễn biến khác, kể từ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, các cơ quan chức năng trên địa bàn Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ đối với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Từ kết quả thực tiễn, đã ban hành quyết định tạm đình chỉ đối với 3 trang trại nuôi không đảm bảo các điều kiện môi trường.

Trên dưới tư tưởng thông suốt tức thì mang lại những tín hiệu tích cực, qua ghi nhận cho thấy dịch bệnh chăn nuôi trên địa bàn giảm mạnh so với cùng kỳ, cơ bản dịch được phát hiện kịp thời và khống chế trong diện hẹp. Đặc biệt, trong năm 2023 không phát sinh các ổ dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tai xanh.

Quá trình triển khai, Nghệ An luôn bám sát nội dung Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 8199/BNN-TY ngày 14/11/2023 của Bộ NN-PTNT nhằm chủ động phòng chống, kiểm soát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thể hiện rõ nhất qua Chỉ thị số 35/CT-UBND ngày 23/11/2023.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung được giao, khẩn trương ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, phải thành lập các tổ phản ứng nhanh để kịp thời báo cáo và xử lý, đảm bảo an toàn sinh học và tránh làm lây lan trên diện rộng.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.