Một nhà máy xay bột mì hàng đầu ở Trung Đông đã trả hơn 23 triệu USD vào tháng 10 để mua một lô hàng lúa mì cao cấp của Úc và sẵn sàng trả thêm 10% ngay bây giờ cho một lô hàng tương tự. Tuy nhiên, họ không thể ký thỏa thuận do các nhà xuất khẩu không thể tìm thấy ngũ cốc đủ chất lượng làm thực phẩm.
Các nhà máy xay xát chỉ là một trong số hàng chục nhà nhập khẩu toàn cầu đang tranh giành để nắm giữ lúa mì giàu protein, được sử dụng trong sản xuất bánh mì, mì và các loại thực phẩm khác, sau một loạt vấn đề sản xuất làm giảm sản lượng và tiềm năng xuất khẩu từ các nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Các thương nhân bán lúa mì chất lượng cao hiện đang cố gắng bổ sung thông qua các nguồn thay thế. Kèm theo đó, việc người mua lo lắng về an ninh lương thực đang đẩy giá lúa mì lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Vụ mất sản lượng mới nhất là ở Úc, nước đang thu hoạch kỷ lục 34,4 triệu tấn lúa mì trong mùa này, nhưng bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa cuối mùa làm giảm mức protein.
"Thị trường lúa mì toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong vài tuần qua", một thương nhân vận chuyển ngũ cốc đến Trung Đông và Bắc Phi, những nơi phụ thuộc nhiều vào việc mua từ các nhà xuất khẩu hàng đầu như Nga, Hoa Kỳ và Úc cho biết. "Nếu đã đặt trước lúa mì chất lượng cao, thời điểm này sẽ không chắc chắn về những gì nhận được".
Phản ánh việc xếp hạng chất lượng không đồng đều khi mùa thu hoạch kết thúc, chênh lệch giá giữa lúa mì Úc Tiêu chuẩn Trắng (ASW) chất lượng thấp hơn và lúa mì Trắng Cao cấp Úc (APW) đã tăng lên 47 USD/tấn, từ mức chênh lệch chỉ khoảng 8-10 USD/tấn trong vài tháng trước đây, các nhà giao dịch cho biết.
Toàn cầu dậy sóng
Những căng thẳng trên thị trường lúa mì đang diễn ra trên khắp thế giới.
Lúa mì chuẩn giao dịch tại Chicago đã tăng lên mức cao nhất trong 9 năm vào cuối tháng trước, trong khi giá tại các cảng ở Nga, nhà cung cấp số 1 thế giới và Úc, thường là nhà xuất khẩu lớn thứ tư, luôn ở mức cao nhất mọi thời đại.
Cơ quan lương thực của Liên hợp quốc cho biết giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 để đạt mức đỉnh mới trong 10 năm, dẫn đầu bởi sự gia tăng của ngũ cốc và dầu thực vật.
Mức giá chóng mặt đang báo động những người mua vẫn đang phải chịu tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, với chi phí vận chuyển hàng hóa cao kéo dài hàng thập kỷ làm gia tăng vấn đề của họ.
Nhiều nhà máy xay lúa mì lớn cũng đang giữ tồn kho thấp hơn mức bình thường sau khi đã giảm giá mua vào đầu năm nay với hy vọng rằng vụ lúa mì của Úc sẽ có sản lượng lớn và có chất lượng cao.
Đồng thời, các nhà xuất khẩu chủ chốt Nga, Hoa Kỳ và Canada có nguồn cung lúa mì chất lượng cao ít hơn bình thường do thời tiết bất lợi.
Andrey Sizov, người đứng đầu Công ty tư vấn nông nghiệp Sovecon cho biết: “Như thường lệ, Nga đang bán lúa mì có mức protein trung bình từ 12,0-12,5% trong mùa vụ này. Tuy nhiên, sản lượng lúa mì của Nga dự kiến sẽ giảm trong năm nay và xuất khẩu giảm 34% cho đến nay trong niên vụ tiếp thị 2021/22".
Tại Đức, nhà sản xuất lúa mì quan trọng của châu Âu, các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu chính bao gồm Ả Rập Xê-út và Iran đã hy vọng vào khối lượng lớn lúa mì giàu protein từ Úc.
Một thương nhân Đức cho biết: “Những nguồn cung chất lượng cao này hiện đang bị đe dọa và các nhà nhập khẩu có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các nguồn thay thế".
Ông cho rằng tranh giành nguồn cung sẽ xảy ra trước hết ở EU, Nga và tiếp đó sẽ xảy ra ở Mỹ.
Cam kết
Một thương nhân thứ hai của Đức cho biết đã có đồn đoán trên thị trường về việc Ả Rập Xê-út đang tìm nguồn cung cấp 1,27 triệu tấn lúa mì mà họ đã công bố vào ngày 1/11.
"Nếu Úc nằm trong số các nguồn cung ứng theo kế hoạch, điều này sẽ phải được thay đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi bắt đầu từ tháng 1. Tính toán nhu cầu của chúng tôi đối với lúa mì của EU có thể cần những thay đổi cơ bản".
Ở Canada, hạn hán đã làm giảm thu hoạch lúa mì mùa xuân xuống mức thấp nhất trong 14 năm, nhưng điều kiện khô nóng đã làm tăng hàm lượng protein.
Tuy nhiên, giá cao gần đây đã làm tê liệt doanh số bán lúa mì giàu protein ở Bắc Mỹ, với việc các nhà xuất khẩu hầu như không có doanh thu trên sổ sách giao hàng vào tháng Giêng hoặc muộn hơn, một nhà xuất khẩu Canada cho biết, n gười không được phép nói công khai và do đó từ chối nêu danh tính.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tổng diện tích trồng lúa mì của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng trong mùa tới, nhưng những lo ngại về nguồn cung đối với lúa mì chất lượng hàng đầu có thể vẫn tồn tại.
Dan Basse, chủ tịch của AgResource Co ở Chicago cho biết: “Dự trữ lúa mì cứng của Mỹ có thể sẽ giảm hơn nữa trong năm tới, dựa trên nguồn giống và những gì chúng tôi coi là hồ sơ nhu cầu”.