| Hotline: 0983.970.780

Thêm một bụi hoa, bớt một túi rác

Thứ Tư 13/11/2019 , 08:41 (GMT+7)

Ra khỏi thành phố, về vùng ngoại ô những mệt nhọc, bức bối trong tôi bỗng như tan biến khi chứng kiến các con đường thảm hoa hai bên bung nở rực rỡ ở Dương Quang.

14-00-10_dsc_6522
Những cơn đường hoa, cây xanh ở Dương Quang

Trước kia, hai bên đường liên xã Phú Thị - Dương Quang của huyện Gia Lâm (Hà Nội) cỏ dại mọc um tùm, rác rưởi vương bừa bãi nay bỗng thành những thảm cây đa sắc, những khóm hoa rực rỡ. Sáng sáng, chiều chiều dân làng đi làm đồng hay đi dạo khoan thai trong yên bình.

Có được cảnh quan đó là cả quá trình nhập cuộc của từ các cấp chính quyền, các hội đoàn thể và quan trọng nhất là của từng người dân khi họ đã xác định được yếu tố quan trọng nhất, sạch sẽ cho chính mình, cho làng mình chứ không phải để báo cáo thành tích.

Xây dựng nông thôn mới là cả một chặng đường dài phấn đấu. Tuy đã về đích nông thôn mới mấy năm trước nhưng Dương Quang vẫn xác định phải xây dựng nông thôn mới nâng cao để gắn với các tiêu chí thành lập phường mà trong đó yếu tố môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. UBND xã hàng năm phát động Tết trồng cây một cách rộng khắp, triển khai kế hoạch đăng ký thi tuyến đường xanh - sạch - đẹp; Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sao cho thật an toàn, vệ sinh.

Với khẩu hiệu giản dị, dễ hiểu: “Thêm một khóm hoa, bớt một túi rác” cứ cuối tuần, vào thứ bảy hay chủ nhật, Hội Nông dân xã lại huy động các cán bộ, hội viên cùng nhau đi rẫy cỏ, nhặt rác, phế thải ven đường đem về bãi tập trung. Đất hai bên đường tiếp đó được xới xáo, trồng hoa, trồng cây xanh và giao trách nhiệm đến cho từng thôn, xóm quản lý, cắt tỉa, chăm bón, tưới tắm. Đến nay, trên 100 cây sao đen đã được Hội Nông dân trồng trên quãng đường dài gần 1km.

Có cây bóng mát phải có hoa làm đẹp, trang trí thêm cho các con đường. Trước khi trồng hoa UBND xã đã huy động máy móc san ủi mặt bằng, dỡ sạch cỏ và xuất 40 triệu đồng để mua cây giống.

Trợ lực cho Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tổ chức trồng 3 đoạn đường nở hoa dọc theo tuyến Dương Quang- Phú Thị và tuyến từ khu trung tâm đi Bình Trù, Yên Mỹ. Trên 100 cán bộ, hội viên phụ nữ đã tham gia vào việc đào hố, vận chuyển giống và trồng trên 1.000 cây dâm bụt hoa đỏ, hoa vàng, cây vàng chanh phủ kín chiều dài trên 3km của các tuyến đường.

Đường lớn đã thế, những đường ngang, ngõ tắt trong làng, ngoài xóm cũng được tổng vệ sinh, chỗ nào có đất hai bên đủ rộng đều được quy hoạch để trồng cây và hoa. Nhờ đó năm 2019, diện tích trồng cây xanh trên dân số của xã đạt tới 3,2 m2/người.

Đó là việc thêm hoa, còn việc bớt rác ở Dương Quang cũng được rốt ráo thực hiện. Trên địa bàn xã không có làng nghề gây ô nhiễm, các hộ sản xuất kinh doanh phần lớn thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Các khu dân cư đều đặn theo lịch chỉnh trang môi trường, giải tỏa những bãi rác tự phát tồn tại đã lâu.

Tuy thế, xã cần phải có mô hình phân loại rác thải tại hộ để có thể xử lý được tận gốc nguồn ô nhiễm. Ngoài cánh đồng, 89 thùng chứa mới được đầu tư để người nông dân các thôn thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Các đợt ra quân thu gom rác, tổng vệ sinh đồng ruộng được huy động với sự tham gia của hàng trăm hội viên, đoàn thể để dọn các vỏ bao bì thuốc, các tàn dư sản xuất, vớt bèo dưới ao.

Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2018 - 2020” sẽ tập trung theo hướng hàng hóa, chuyên canh, hướng mạnh vào các sản phẩm cây, con có giá trị. Ưu tiên các sản phẩm có lợi thế như rau an toàn, cây ăn quả (cam, bưởi, chuối, ổi), giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư... tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường cho đồng ruộng, cho khu dân cư”.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.