| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Thêm một năm sếu đầu đỏ không về

Thứ Tư 02/08/2023 , 05:45 (GMT+7)

Bên trong Vườn quốc gia của Việt Nam là trải nghiệm nhiều tháng, nhiều Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên khắp 3 miền đại diện cho 96 khu rừng đặc dụng Việt Nam.

LTS: Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong duy trì các hệ sinh thái và góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua hỗ trợ các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và y tế. Nhưng thực tế đáng buồn, xét trên phạm vi toàn cầu, các nhà khoa học quan sát thấy đa dạng sinh học đang mất đi ở tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người. Thậm chí, họ còn nhắc đến đợt tuyệt chủng toàn cầu lần thứ 6. Đây là thách thức cần giải quyết không chỉ ở cấp độ một quốc gia mà cần bộ giải pháp hành động ở cấp độ xuyên biên giới và toàn cầu.

Cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo các chức năng của hệ sinh thái, duy trì đa dạng sinh học là những nhiệm vụ cấp thiết trong thế kỷ 21. Việt Nam đang không ngừng nỗ lực để đạt được sự cân bằng đó, thông qua quản lý hiệu quả các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, từ đó tăng cường năng lực và khả năng chống chịu.

Bằng những trải nghiệm kéo dài nhiều tháng, qua nhiều Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên khắp 3 miền đại diện cho 96 khu rừng đặc dụng, thực tiễn nhóm phóng viên Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận chưa thể coi là đầy đủ nhưng hy vọng điểm xuyết được những gì đặc trưng nhất có thể phác lên một bức tranh chung.

Xin kính gửi bạn đọc!

Hơn 2 năm qua, sếu đầu đỏ không còn về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Hơn 2 năm qua, sếu đầu đỏ không còn về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Nỗi nhớ bầy sếu

“Khoảng hơn chục năm trước, khu này nhiều sếu đầu đỏ lắm. Ngày ấy, tôi mới vào làm trong vườn. Lắm lúc đi tuần trong vườn, tưởng như giơ tay ra là với được đến chúng…”, giọng Trưởng phòng Nguyễn Hoàng Minh Hải đều đều theo sóng vỗ mạn thuyền, tới khúc cuối thì chúng tôi không nghe rõ nữa. Dường như người đàn ông 50 tuổi đang ở một cõi nào đấy, thì thầm với chính mình về một ngày chưa xa nhưng không biết khi nào mới trở lại.

Lần gần nhất Vườn quốc gia Tràm Chim thấy sếu đầu đỏ là tháng 4/2021. Mùa khô năm ấy, anh Hải cùng cán bộ vườn đếm được tổng cộng có 3 cá thể sếu. Thế rồi từ ấy đến nay, hơn 2 năm trôi qua, không thấy bóng dáng loài chim được xem là chỉ thị của môi trường đất ngập nước nữa.

Làm bảo tồn sếu hơn 20 năm, anh Hải nắm được thói quen, tập tính của chúng như thể những người bạn lâu năm. Anh kể, loài sếu này tài lắm. Mỗi lần di cư, chúng sẽ ghi nhớ các điều kiện về môi trường, khí hậu và “dạy” cho đàn con. Theo kiểu truyền tai như vậy, vùng nào phù hợp, chúng sẽ trở về đều đặn hàng năm; ngược lại, số lượng sẽ thưa thớt dần.

Thông thường, sếu đầu đỏ đến kiếm ăn tại Vườn quốc gia Tràm Chim và các vùng lân cận vào khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Đó là thời gian khu “Tiểu vùng Đồng Tháp Mười” bước vào mùa khô, nắng nóng có lúc tới gần 40 độ C. Cánh đồng khô khốc, rất ít sinh vật tồn tại được. Duy nhất cỏ năn kim sinh trưởng và phát triển, trở thành nguồn thức ăn quý giá cho toàn bộ hệ sinh thái của khu ramsar.

Nếu coi sếu đầu đỏ là thước đo sức khỏe của hệ sinh thái ramsar, thì cỏ năn kim là mắt xích khởi đầu, là chỉ dấu sức khỏe cho môi trường vào mùa khô. Trong giai đoạn khắc nghiệt này, nước cạn nhanh trên vùng đất phèn nặng nhưng hạt cỏ năn kim vẫn mọc mầm dưới lớp đất nứt nẻ. Trong vòng 2 tháng đầu mùa, chúng vừa nhân thêm mật độ, vừa tích lũy chất dinh dưỡng để ra hoa, kết trái, đồng thời tạo củ trong đất. Đây cũng chính là thời điểm mà đàn sếu đầu đỏ thường tìm về Vườn quốc gia Tràm Chim.

“Sếu đầu đỏ có tập tính ăn tạp. Chúng ăn cua, cá, thậm chí là chuột nhưng củ năn kim vẫn là món khoái khẩu nhất. Một số loài động vật khác như kiến, chuột… cũng chọn củ năn kim làm nguồn thức ăn chính để có thể vượt qua mùa khô khắc nghiệt”, anh Hải giải thích.

Trong 3 phân loài sếu đầu đỏ, sếu đầu đỏ Phương Đông có quần thể hẹp nhất và chỉ phân bố tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

Trong 3 phân loài sếu đầu đỏ, sếu đầu đỏ Phương Đông có quần thể hẹp nhất và chỉ phân bố tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học đã phát hiện ít nhất 5 loại cỏ năn. Tuy nhiên, duy nhất cỏ năn kim, loại có cọng nhỏ và ngắn nhất, cỡ gần bằng cây kim và không có cành nhánh sum sê trụ được qua mùa khô, cũng như thu hút sếu đầu đỏ tìm về.

Không hề quá khi nói rằng, cỏ năn kim là loài thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Tràm Chim, tương tự cây lúa ma vào mùa nước nổi. Đây là giống lúa bản địa, có khả năng thích ứng cao với mùa nước lên nhanh tại vùng Đồng Tháp Mười. Chúng sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khỏe và đặc biệt là không có dịch hại. Giống lúa này có thể tăng thêm chiều cao từ 10 - 20cm mỗi ngày, để vượt theo con nước nổi. Thân cây có thể cao tới vài mét để trổ bông trên mặt nước.

Khi nhiều loại cây thân thảo khác bị nhấn chìm thì lúa ma chính là nguồn thức ăn nuôi sống các loài chim và một số loài động vật khác cư ngụ tại vườn. Nghe có vẻ không liên quan tới sếu đầu đỏ, vì lúa ma xuất hiện vào mùa nước nổi, nhưng anh Hải tin rằng cần có những biện pháp phục hồi lại môi trường như ngày trước, trong đó có quần thể lúa ma, để hút bầy sếu trở về.

Bao giờ cho đến ngày xưa

Trước đây, khi khu vực Đồng Tháp Mười nói chung và Vườn quốc gia Tràm Chim nói riêng chưa đào kênh, xẻ mương, đắp đê giữ nước để giảm rủi ro cháy của đồng cỏ, sếu đầu đỏ vẫn vượt hàng ngàn cây số tới đây, cặm cụi đào tìm những củ năn kim nhỏ li ti làm thức ăn.

Khoảng những năm đầu thập niên trước, theo kêu gọi của chính quyền địa phương về việc phòng chống cháy rừng, người dân khu vực này đã dốc sức cho việc đắp kênh, giữ nước. Hệ quả, chất lượng đất và nước bị thay đổi kéo theo sự suy giảm của diện tích cỏ năn kim. Từ chỗ có hàng nghìn sếu đầu đỏ đến vườn, hai mùa khô gần đây khu Tràm Chim vẫn mòn mỏi chờ chúng về.

Anh Nguyễn Hoài Bão, chuyên gia về sếu, giảng viên tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM đã đi khắp các vùng từng ghi nhận về sếu đầu đỏ để tìm hiểu sâu hơn về môi trường sống của loài này. Chuyến đi gần nhất, anh tới vùng Biển Hồ (Campuchia) và phát hiện quần thể sếu tại đây.

Qua tìm hiểu, anh Bão đúc kết rằng, tỉnh Anlung Pring ở đông nam Campuchia, gần biên giới Việt Nam thu hút được sếu đầu đỏ bởi người dân đã sử dụng một loại lúa ngắn ngày mà sếu ưa thích. Trên diện tích khoảng 20ha, toàn bộ bà con đều thực hành các phương pháp canh tác thân thiện như cắt giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, hạn chế khai thác gỗ và không xâm phạm trái phép vào khu bảo tồn. Một số khu vực cánh đồng hoang, thưa thớt dân hơn và chủ yếu được con người canh tác thuận thiên, sếu đầu đỏ cũng cư ngụ.

Dẫn chúng tôi đi xuyên qua những dãy rừng tràm, anh Bão cười buồn: “Muốn bảo tồn sếu đầu đỏ, trước hết chúng ta cần đi tìm nguyên nhân tại sao quần thể sếu suy giảm. Theo tôi, đó là do suy giảm môi trường nói chung của Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra là môi trường ô nhiễm bởi sản xuất nông nghiệp”, anh nói.

Có diện tích hơn 7.000ha, Vườn quốc gia Tràm Chim là khu ramsar có tính đa dạng sinh học rất cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Có diện tích hơn 7.000ha, Vườn quốc gia Tràm Chim là khu ramsar có tính đa dạng sinh học rất cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo lời anh Bão, chúng tôi căng mắt nhìn từng khuôn hình truyền về từ chiếc flycam đang bay ở độ cao chừng 100m. Vây quanh Vườn quốc gia Tràm Chim là hệ thống đê bao gần như khép kín. Vị chuyên gia về sếu bộc bạch, do biến đổi khí hậu và việc đắp đê nhiều năm qua, ngay cả những tháng cao điểm mùa khô, nhiều diện tích của vườn vẫn trắng xóa nước.

Bằng mắt thường cũng nhận ra, diện tích cánh đồng cỏ năn bị thu hẹp, nhiều cây tràm già bị ngã đổ; số còn lại mảnh khảnh, ngả nghiêng do bị dư nước. Ngoài ra, xác bã thực vật chết, thối rữa không được rửa trôi, gần như lấy hết oxy trong nước làm cá không sống nổi; chim, cò không thể tìm được nguồn thức ăn.

Dẫu vậy, vẫn có những cá thể sếu đầu đỏ yêu Vườn quốc gia Tràm Chim như những cán bộ ngày đêm miệt mài bảo tồn chúng. Anh Bão nhớ lại vào năm 2018, trong số 11 cá thể trở về có một con trống. Qua thiết bị định vị, cán bộ vườn xác nhận, đó là năm thứ 20 liên tiếp cá thể này tìm về Tràm Chim. Với tuổi đời trung bình của sếu đầu đỏ, cá thể này được xem là già, tương đương với thể trạng của một cụ ông ngoài 60 tuổi.

Đó cũng là lần trở về cuối cùng của cá thể ấy. Không ai biết, “ông” sếu đầu đỏ này giờ như thế nào, số phận quần thể sếu ra sao. Chỉ có một điều chắc chắn, rằng những người yêu sếu như anh Hải, anh Bão giờ phải lặn lội sang Campuchia, chịu khó ngắm và chụp ảnh chúng từ xa để nguôi nỗi nhớ về “ngày xưa”, ngày sếu đầu đỏ là một thực thể gắn bó không rời với Vườn quốc gia Tràm Chim.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất