| Hotline: 0983.970.780

Theo chân người ăn ong ở Lung Ngọc Hoàng

Thứ Năm 30/05/2019 , 08:44 (GMT+7)

Một lần đến khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), chúng tôi được một nhân viên của khu bảo tồn dùng vỏ lãi đưa luồn lách đi giữa các cánh rừng bao la.

Được biết Lung Ngọc Hoàng không những nổi tiếng là một vựa cá mà còn là nơi có hệ thực vật và động vật vô cùng quý hiếm, đặc biệt trong lung còn có một món quà thiên nhiên độc đáo, đó là ong mật.

Anh Nguyễn Quốc Thái, người dẫn đường vừa chỉ tổ ong rừng nằm vắt ngang cành cây vừa chia sẻ: Về lâu về dài, Ban Giám đốc khu bảo tồn sẽ phục dựng gác kèo ong lấy mật để du khách được trải nghiệm và mua mật ong về làm quà cho người thân. Anh nói mùa nầy ong ít làm tổ, từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch hàng năm mới là mùa lấy mật ong.

Anh Phạm Ngọc Văn (trái) và anh Nguyễn Văn Dũng xử lý tổ ong đã lấy hết mật, giữ lại các tầng sáp cho ong tái tạo đàn.

Nghe nói đến nghề “ăn ong”, chúng tôi vô cùng thích thú. Mặc dù đã hết mùa nhưng chúng tôi vẫn nài nỉ anh Phạm Ngọc Văn, một “thổ địa” ở Lung Ngọc Hoàng, đồng thời cũng là một tay chuyên nghiệp về lấy mật ong dẫn vô rừng. Thấy chúng tôi hăm hở nên anh cùng với một người bạn tên Nguyễn Văn Dũng đã nhiệt tình dẫn vào rừng, khu rừng mà các anh đã hợp đồng chăm sóc, trồng trọt và được phép khai thác lấy mật.

Hơn 20 phút băng rừng, lội nước, luồng lách qua hàng trăm hàng ngàn sợi mây rừng chằng chịt cản đường, chúng tôi mới đến được một gốc cây có tổ ong to bằng cái thúng giạ đang bám trên cành. Anh Văn tắc lưỡi: Tổ nầy cao quá, phải dùng thang mới leo lên được, hôm khác sẽ ra tay.

Tổ ong nằm ở vị trí khá cao nên khó lấy mật.

Chúng tôi tiếc hùi hụi bèn tiếp tục theo chân các anh đến một nơi khác. Lần nầy, tổ ong nhỏ hơn nhưng nằm ở dưới thấp nên các anh lấy khá dễ dàng. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh các anh phun khói, thò tay vào tổ cắt lấy túi mật cho vào thùng một cách thuần thục, chính xác, nhanh và gọn, chỉ trong vòng vài ba phút là xong, không hề có chuyện gì bất trắc xảy ra.

Các anh cho biết ở Lung Ngọc Hoàng có nhiều loại ong, nhưng anh em ở đây chỉ khai thác ong mật và ong ruồi. Ong mật thường làm tổ trên cành cao khỏi đầu người, thậm chí trên lưng chừng cây rất khó khai thác. Loại nầy con lớn, cho nhiều mật, có thể cho 3 lít/tổ. Tổ ong ruồi rất ít mật nhưng chất lượng tốt hơn nên nhiều người chọn mua, không đủ bán.

Chuyên sống bằng nghề lấy mật từ lúc còn nhỏ, nên anh biết rõ trong rừng vị trí nào ong thường làm tổ, mùa nào ong sinh trưởng nhanh, thời điểm nào mật ong nhiều và chất lượng cao. Nhờ vậy mà mỗi mùa vụ một mình anh khai thác trên 350 lít, giá bán dao động từ 400.000đ đến 450.000đ/lít, thu nhập trên 150 triệu đồng. Anh cho biết nhờ mật ong nguyên chất nên đa số khách hàng đều là người quen.

Vắt lấy mật ong rừng.

Anh sinh ra và lớn lên từ Lung Ngọc Hoàng nên rất yêu rừng, coi rừng như máu thịt. Tuy khai thác mật ong nhưng không bao giờ anh lạm sát ong non. Mỗi lần lấy mật xong anh đều giữ nguyên các tầng sáp để giúp đàn ong tái tạo đàn nhanh hơn. Nếu như mình khai thác một cách vô tội vạ, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Lúc đó ong sẽ bỏ đi, rừng cây xơ xác và con người cũng sẽ đói nghèo vì không còn lương thực để nuôi sống mình.

Xem thêm
Chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi

THÁI NGUYÊN Tại huyện Phú Bình, có đến 70% số trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, 10 cơ sở chăn nuôi được cấp Chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

Ớt Bình Định bớt thấp thỏm: Canh tác hướng hữu cơ để xuất khẩu

Để ớt Bình Định rộng đầu ra, theo các nhà tiêu thụ, quy trình canh tác ớt phải đi theo hướng hữu cơ, để sau khi chế biến có thể tham gia xuất khẩu.

Siết quản lý chất lượng giống để tái canh cây có múi

Cây giống sạch bệnh bước ra từ nhà lưới chỉ là khâu đầu tiên trong một chuỗi quy trình gồm nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả sản xuất cây có múi.

Bình luận mới nhất