Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM cho biết, theo khảo sát nhu cầu dự báo nguồn nhân lực về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực cần trong quý 3/2021 ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 0,1% (44 chỗ việc làm) so với tổng nhu cầu.
Trong khi đó, ở khu vực công nghiệp và xây dựng, nhu cầu nhân lực cần 8.191 chỗ, chiếm 19,8% so với tổng nhu cầu 2021; khu thương mại dịch vụ, nhu cầu nhân lực là 33.136 chỗ chiếm 80,1% so với tổng nhu cầu.
Trước nhu cầu nguồn nhân lực, cung ứng thị trường lao động cao thì Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM) cũng đã có nhiều giải pháp để làm cầu nối cho người lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt, vào cuối tuần qua, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến sàn giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL – TP.HCM – Bình Dương.
Theo ông Lâm, kết quả sàn giao dịch việc làm trực tuyến vừa tổ chức kết nối với các tỉnh ĐBSCL – TP.HCM - Bình Dương có 180 đơn vị tuyển dụng với khoảng 31.000 vị trí gồm các ngành nghề như tư vấn kỹ thuật, kỹ sư, lao động phổ thông, chế biến hải sản… Số lao động tham gia phỏng vấn trực tuyến là hơn 300 người. Riêng TP.HCM có 12 doanh nghiệp tham gia với 1.040 lao động.
“Nguồn lao động của TP.HCM chuẩn bị để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi sản xuất đã được các trung tâm dịch vụ việc làm đã chuẩn bị có sẵn và danh sách này đã được chuyển đến các doanh nghiệp để triển khai phỏng vấn. Tôi tin tưởng, thị trường lao động từ nay đến cuối năm của TP.HCM sẽ ổn định và góp phần phục hồi sản xuất kinh tế của Thành phố”, ông Lâm nhận định.
Liên quan đến việc chi hỗ trợ đợt 3 cho người lao động gặp khó khăn bởi dịch trên địa bàn TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM cho hay, đến chiều ngày 4/11, TP.HCM đã chi hỗ trợ đợt 3 được 6.041.984 trường hợp (trên tổng số 7,5 triệu người thuộc diện được hỗ trợ). Hiện 3 đoàn đi kiểm tra đang triển khai trên địa bàn các quận huyện và TP Thủ Đức. Mỗi đoàn đi ít nhất 3 quận, huyện. Đến ngày 15/11, UBND TP.HCM sẽ tổng hợp kết quả báo cáo để gửi HĐND TP.HCM.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, theo báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư, trong năm 2019, TP.HCM có tổng số doanh nghiệp hoạt động là 35.923 doanh nghiệp với 1.043.517 lao động.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 12.860 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động để phòng chống Covid-19.
Đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 7.872 doanh nghiệp với tổng số 411.838 lao động. “Như vậy với tổng số 7.872 doanh nghiệp hoạt động trở lại so với gần 13.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong thời gian dịch bệnh thì tỷ lệ là 61,21%”, ông Phương cho hay.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đơn vị đang phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM để nắm bắt nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp.
Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành đoàn TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động. Có thể kể đến sàn giao dịch việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp - người tìm việc; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp; giới thiệu chỗ ở với lao động ngoại tỉnh… Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM xây dựng phương án và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón công nhân ngoại tỉnh tới làm việc ở TP.HCM.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết trong quý 4/2021 và quý 1/2022, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử có nhu cầu tuyển lao động từ 200 - 1.500 lao động phổ thông, không yêu cầu trình độ chuyên môn như Công ty Freetrend Industrial Việt Nam với 1.500 người, Công ty Yujin Vina là 1.000 người, Công ty Nidec Tosok Việt Nam và Công ty Nobland Việt Nam tuyển mỗi nơi 700 người, Công ty Sprinta Việt Nam tuyển 400 người...
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 1/11, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 cho 8,34 triệu lao động (trong đó đang tham gia BHTN là 7,79 triệu người; đã dừng tham gia BHTN 0,55 triệu lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 19.832 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, BHXH các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 780 đơn vị với 140.524 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 962 tỷ đồng tại 57/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, BHXH các địa phương xác nhận danh sách cho 2.223.558 lao động của 61.532 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.