| Hotline: 0983.970.780

Thích mê với Drone mỗi lần 'cõng' 40 - 45 kg phân bón

Thứ Năm 07/07/2022 , 09:15 (GMT+7)

CẦN THƠ Với lượng phân bón khoảng 150 kg/ha/đợt, mỗi lần drone có thể 'cõng' từ 40 - 45 kg phân bón và chỉ mất 15 phút thực hiện bón phân xong cho 1 ha lúa.

Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức trình diễn bón phân cho lúa bằng máy bay không người lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức trình diễn bón phân cho lúa bằng máy bay không người lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi Cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức trình diễn bón phân cho lúa bằng máy bay không người lái (drone) tại ruộng lúa của nông dân Võ Hoàng Thân ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Ruộng lúa được chọn thực hiện trình diễn bón phân bằng drone cũng đang là nơi thực hiện mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ hỗ trợ thực hiện; trong đó Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ phân bón cho nông dân.

Đồng thời, đây cũng là mô hình trình diễn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ chọn thực hiện để hưởng ứng Sự kiện quốc tế Agritechnica Asia live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức. Dự kiến sự kiện được diễn ra tại TP Cần Thơ trong 3 ngày từ 24 đến 26/8/2022.

Nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ bón phân cho nông dân bằng drone. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ bón phân cho nông dân bằng drone. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Tại mô hình bón phân bằng drone, nông dân không chỉ sản xuất lúa theo quy trình canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn được hỗ trợ công nghệ mới để áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất đến gieo cấy, phun thuốc, bón phân và thu hoạch… Trong đó, lúa tại mô hình trình diễn đã được gieo trồng bằng phương pháp sử dụng máy cấy, qua đó giúp giảm số lượng giống gieo sạ, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm sử dụng phân bón và thuốc BVTV về sau.

Đến nay, lúa tại mô hình đã cấy được hơn 20 ngày tuổi và nông dân đã bón phân 1 đợt bằng máy phun hạt, còn đợt 2 từ nay tới cuối vụ, nông dân sẽ được hỗ trợ bón phân bằng drone.

Tại ruộng mô hình trình diễn phun phân bằng drone, ông Võ Hoàng Thân, nông dân ở ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chỉ tay lên chiếc drone đang bay vè vè trên bầu trời phun phân trên ruộng của mình vui sướng chia sẻ: Làm ruộng hơn 27 năm nay, đây là năm đầu tiên được ngành nông nghiệp chọn cho tham gia vào mô hình Canh tác lúa thông minh trong vụ lúa hè thu 2022 này.

Cho phân vào drone. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cho phân vào drone. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gia đình ông Thân có 5 ha đất lúa đang trồng giống OM 18, khi đến đợt bón phân được Công ty Bình Điền đến hỗ trợ bón phân bằng drone, giúp tiết giảm chi phí, thời gian và công lao động khá lớn so với bón phân bằng tay. Đặc biệt, rải phân bằng drone tạo sự chính xác và đồng đều lượng phân được bón trên đồng ruộng, đây là công nghệ mới giúp nông dân làm lúa thuận lợi, tăng năng suất.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Drone được trình diễn thực hiện bón phân tại mô hình là sản phẩm đang được Công ty Cổ phần Đại Thành cung cấp và giới thiệu trên thị trường tại nhiều tỉnh, thành trong nước.

Drone này có thể dùng để gieo sạ, bón phân và phun thuốc BVTV cho lúa. Đối với bón phân và sạ lúa, mỗi lần máy có thể mang một lượng phân bón và lúa giống từ 40 - 45kg. Với lượng phân bón sử dụng khoảng 150 kg/ha/đợt bón phân cho lúa, máy chỉ mất thời gian thực hiện bón phân trong khoảng 15 phút. Do vậy, máy giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với bón phân thủ công bằng tay.

Riêng phun thuốc BVTV, mỗi lần máy có thể mang 40 lít dung dịch. Thông qua hoạt động trình diễn tại mô hình, sẽ giúp nông dân được tiếp cận các thiết bị, máy móc và công nghệ mới, cũng như tận mắt chứng kiến khả năng hoạt động của chúng trên đồng ruộng, từ đó mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến này vào sản xuất.

Với lượng phân bón khoảng 150 kg/ha/đợt, mỗi lần drone có thể 'cõng' từ 40 - 45 kg phân bón và chỉ mất 15 phút thực hiện bón phân xong cho 1 ha lúa.. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với lượng phân bón khoảng 150 kg/ha/đợt, mỗi lần drone có thể “cõng” từ 40 - 45 kg phân bón và chỉ mất 15 phút thực hiện bón phân xong cho 1 ha lúa.. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thành phố đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Với nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới và quy trình công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất, đã giúp nông dân không còn vất vả như xưa mà hiệu quả sản xuất lại được nâng cao, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường. Nông dân cũng được ngành nông nghiệp thường xuyên tập huấn, giới thiệu về các loại máy móc, thiết bị mới.

“Ngành nông nghiệp Thành phố cũng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, cũng như thành lập các HTX và các tổ, nhóm làm dịch vụ kỹ thuật để phục vụ các dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, trong sản xuất lúa, hầu như 100% các khâu làm đất, thu hoạch… đã được cơ giới hóa. Các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV, thu gom rơm… cũng từng bước được cơ giới hóa với tỷ lệ ngày càng cao và theo hướng đồng bộ. Nông dân cũng chú ý lựa chọn, áp dụng nhiều loại máy móc, thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương” ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.