| Hotline: 0983.970.780

Khảo nghiệm phun thuốc BVTV bằng Drone

Thứ Năm 23/09/2021 , 11:27 (GMT+7)

HÒA BÌNH Cục BVTV đang triển khai khảo nghiệm chặt chẽ nhằm sớm có cơ sở xây dựng quy trình sử dụng khoa học Drone trong phun thuốc BVTV đảm bảo khoa học, hiệu quả, an toàn.

Tại Hòa Bình, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với tổ chức CropLife Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vừa tổ chức khảo nghiệm, trình diễn, đánh giá hiệu lực của một số loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa và ảnh hưởng của thuốc đối với cây lúa khi sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone, UAV).

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình khảo nghiệm, đánh giá của Cục BVTV nhằm sớm đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng các loại thuốc BVTV bằng Drone trong phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.

Lãnh đạo Cục BVTV kiểm tra công tác triển khai khảo nghiệm thiết bị Drone phun thuốc BVTV tại xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình). Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Cục BVTV kiểm tra công tác triển khai khảo nghiệm thiết bị Drone phun thuốc BVTV tại xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình). Ảnh: Trung Quân.

Tuân thủ nghiêm quy trình đánh giá, khảo nghiệm

Địa điểm khảo nghiệm phun thuốc BVTV bằng Drone được bố trí tại xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình). Thiết bị Drone thực hiện phun khảo nghiệm là T30, do Công ty Cổ phần Thiết bị bay IFLIGHT Việt Nam cung cấp. Dung tích bình phun của thiết bị 10 lít; tốc độ bay tối đa 10 - 15m/s; khổ rộng phun 4-6m; thời gian làm việc 1 lần (1 bình) khoảng 9 phút. Thiết bị có mô-đun radar có khả năng cảm biến chướng ngại vật cách 30m...

Bài liên quan

4 trà lúa nhiễm 4 loại sâu bệnh khác nhau được tiến hành phun thuốc BVTV bằng Drone để đánh giá hiệu lực, hiệu quả phòng trừ gồm sâu đục thân hại lúa, lem lép hạt hại lúa, rầy nâu và sâu cuốn lá. 4 loại thuốc BVTV được sử dụng gồm Prevathon 5SC (trừ sâu cuốn lá Lúa); Prevathon 5SC (trừ sâu đục thân lúa); Quilt 200SE (trị bệnh lem lép hạt lúa) và Dupont™ Pexena™ 106SC (trừ rầy nâu lúa). 

Việc thực hiện khảo nghiệm, đánh giá hiệu lực phun thuốc bằng Drone để phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình của Cục BVTV đề ra, có đánh giá, đối chiếu so với phương pháp phun bằng thiết bị bình phun truyền thống. 

 Lượng nước thuốc sử dụng bằng Drone thường bằng từ 5% - 10% lượng nước phun theo phương pháp truyền thống, tùy thuộc vào đối tượng cây trồng và dịch hại. Kích thước giọt thuốc tùy thuộc vào hệ thống phun thuốc trên thiết bị bay mà kích thước giọt thuốc có thể điều chỉnh thay đổi từ 25 – 200 µm.

Việc triển khai khảo nghiệm phun thuốc BVTV bằng Drone được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình của Cục BVTV. Ảnh: Trung Quân.

Việc triển khai khảo nghiệm phun thuốc BVTV bằng Drone được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình của Cục BVTV. Ảnh: Trung Quân.

Thông thường, kích thước giọt thuốc được điều chỉnh phù hợp theo tùy thuộc vào dạng thuốc BVTV, loại cây trồng, dịch hại, điều kiện về nhiệt độ, ẩm độ không khí và tốc độ gió tại thời điểm xử lý, sao cho giảm thiểu sự bốc hơi hoặc tạc đi nơi khác, tối ưu sự tiếp xúc của thuốc đến bộ phận cây trồng cần bảo vệ và dịch hại...

Cơ quan tiến hành khảo nghiệm của Cục BVTV sẽ tiến hành đánh giá một số dữ liệu về mức độ phân bố thuốc trên các bộ phận cây trồng; hiệu lực phòng trừ dịch hại của thuốc; ảnh hưởng của thuốc đến cây trồng... dựa trên Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc BVTV trên đồng ruộng... 

Đồng thời, tiến hành ghi chép đầy đủ tất cả các thông tin liên quan về xử lý thuốc và dịch hại, cây trồng khảo nghiệm như: Số liệu về hiệu chỉnh thiết bị xử lý thuốc (UAV và bình bơm đeo vai); kết quả vận hành xử lý thuốc (ốc độ di chuyển, lượng thuốc thực tế đã xử lý trên từng ô thí nghiệm và số liệu quy ra l/ha); thông tin bổ sung trong quá trình xử lý thuốc (những thay đổi phát sinh trong quá trình vận hành như thiết bị bị trục trặc, gió chuyển mạnh phải ngưng xử lý...); dữ liệu về diễn biến điều kiện thời tiết trong suốt quá trình khảo nghiệm; số liệu ảnh hưởng của thiết bị UAV đến cây trồng (mức độ đổ ngã, gãy rạp của cây trồng)... 

Kết quả khảo nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng nhằm phân tích, đánh giá hiệu lực, hiệu quả phun phòng trừ trừ sâu bệnh hại bằng Drone. Ảnh: Trung Quân.

Kết quả khảo nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng nhằm phân tích, đánh giá hiệu lực, hiệu quả phun phòng trừ trừ sâu bệnh hại bằng Drone. Ảnh: Trung Quân.

Kết quả các khảo nghiệm sẽ được tổng hợp, phân tích, so sánh hiệu quả phòng trừ dịch hại của việc sử dụng UAV và phương pháp truyền thống, từ đó đề xuất nghiên cứu, áp dụng, từng bước hoàn thiện quy trình sử dụng từng loại UAV cho từng dạng thuốc, đối tượng cây trồng và dịch hại phù hợp, mang lại hiệu quả cao, an toàn trước khi khuyến cáo áp dụng rộng rãi trong sản xuất...

Sớm xây dựng quy trình phun thuốc BVTV bằng Drone

Theo Cục BVTV, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Drone phát triển rất nhanh chóng và được nhiều nước trên thế giới ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Bài liên quan

Theo đánh giá, có thể ứng dụng Drone để lập bản đồ và giám sát các vùng sản xuất; quản lý cây trồng, vật nuôi, thủy sản, rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác; hỗ trợ quản lý thủy lợi, quan sát thiên tai; phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, bón phân, gieo hạt giống...

Tại Châu Á, việc ứng dụng Drone để phun thuốc BVTV đang trở nên ngày càng phổ biến. Việc sử dụng Drone phun thuốc BVTV có những ưu điểm nổi bật về độ chính xác, giảm chi phí nhân công, bảo vệ sức khỏe cho nông dân do không phải tiếp xúc với thuốc... Dử dụng Drone đã có hiệu quả cao trong phòng trừ các sinh vật gây hại nguy hiểm như châu chấu sa mạc trong thời gian vừa qua tại một số nước...

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm Drone phun thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc ứng dụng phun thuốc BVTV bằng Drone một cách hiệu quả thực sự, có cơ sở khoa học, đúng quy định của pháp luật vẫn cần phải có thêm những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn, tổng thể hơn cả về kỹ thuật, hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế và quy trình sử dụng. 

Việc pha thuốc BVTV để sử dụng bằng Drone đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao do lượng nước sử dụng rất ít. Ảnh: Trung Quân.

Việc pha thuốc BVTV để sử dụng bằng Drone đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao do lượng nước sử dụng rất ít. Ảnh: Trung Quân.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV sẽ phối hợp với các hiệp hội, các đơn vị cung ứng Drone, các doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV và các tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm trên nhiều địa phương, nhiều loại cây trồng.

Qua đó, có những đánh giá khách quan, đầy đủ bằng chứng khoa học theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, cũng như của quốc tế về tất cả các chỉ tiêu an toàn đối với người sử dụng, môi trường và nông sản...

Trên cơ sở đó, xây dựng được văn bản hướng dẫn chung cho tất cả các thiết bị Drone; bảng đánh giá chi tiết, cụ thể các dạng thuốc BVTV sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam bằng Drone, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, giảm chi phí nguồn lực, chi phí đầu vào...

Nhiều vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá

Tại Việt Nam, những năm gần đây, việc sử dụng Drone trong nông nghiệp (phổ biến là phun thuốc BVTV) đã được một số công ty nhập khẩu và phát triển mở rộng dưới loại hình dịch vụ ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, chỉ mới có các loại thuốc được cấp phép để sử dụng bằng thiết bị phun thông thường (bình bơm đeo vai, phun máy…). Do đó, nếu sử dụng Drone để phun thuốc BVTV, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá về hiệu lực phòng trừ, quy trình sử dụng... đảm bảo an toàn, hiệu quả. 

Việc sử dụng Drone phun thuốc BVTV còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu, đánh giá sâu cả về kỹ thuật, hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế và hướng dẫn sử dụng an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Việc sử dụng Drone phun thuốc BVTV còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu, đánh giá sâu cả về kỹ thuật, hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế và hướng dẫn sử dụng an toàn. Ảnh: Trung Quân.

Hiệu lực sinh học của thuốc khi phun bằng Drone là một vấn đề rất quan trọng do các thuốc BVTV khi phun rơi tự do, hạt nước quá nhỏ và bay hơi trước khi tiếp xúc đến cây trồng, nên hiệu quả sử dụng cần phải được đánh giá cụ thể.

Tính an toàn đối với con người khi phun thuốc BVTV bằng Drone cần phải được đánh giá, nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể. Do lượng thuốc sử dụng quá đậm đặc, có thể gây ra hiện tượng ngộ độc cấp tính. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ an toàn của việc sử dụng Drone trong phun thuốc BVTV đối với cây trồng, thủy sản, ong… trong khu vực sử dụng và môi trường xung quanh cũng là vấn đề cần phải được khảo nghiệm, xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện.

Ngoài ra, không phải bất cứ loại thuốc BVTV nào cũng có thể sử dụng Drone để phun, do liên quan đến dạng thuốc, cơ chế tác động của thuốc, cây trồng, đặc tính của sinh vật gây hại. Phun thuốc bằng Drone sẽ rất khó tiếp xúc đối với các sinh vật gây hại mặt dưới của tán lá, dưới gốc cây hay sinh vật gây hại trong thân, dưới đất...

Một số dạng thuốc BVTV do khả năng hòa tan của thuốc trong nước kém, sẽ dẫn đến làm tắc vòi phun, không hiệu quả khi sử dụng. Ngoài ra, việc pha thuốc để sử dụng Drone đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao do lượng nước sử dụng rất ít, nếu sử dụng lượng thuốc nhiều sẽ rất khó hòa tan và phân tán đều trong nước.

Việc sử dụng Drone trên thực địa còn một số hạn chế như tính ổn định và chính xác của thiết bị, sự ảnh hưởng của khí động học đối với các thiết bị đơn hoặc đa cánh quạt, hay sự tương tác với các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió…).

Thời gian qua, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đưa Drone vào sử dụng phun thuốc BVTV, phổ biến nhất là trên cây lúa, song chưa có những nghiên cứu, đánh giá và quy trình chặt chẽ. Ảnh: TL.

Thời gian qua, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đưa Drone vào sử dụng phun thuốc BVTV, phổ biến nhất là trên cây lúa, song chưa có những nghiên cứu, đánh giá và quy trình chặt chẽ. Ảnh: TL.

Trên một số cây trồng như cây ăn quả, cây chè, việc sử dụng Drone cần phải được lựa chọn, xác định do việc trồng xen canh với cây chắn gió hay tán cây quá lớn nên khả năng tiếp xúc với cây trồng, sinh vật gây hại rất khó khăn do Drone chỉ bay được độ cao ổn định.

Việc sử dụng Drone phun thuốc BVTV có giá thành sản phẩm cao, vì vậy, chỉ áp dụng đối với các hộ nông dân hoặc các tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng Drone phun thuốc BVTV cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo về sử dụng trang thiết bị này. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị này phải được cấp phép của Bộ Quốc phòng và quản lý của nhiều bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Công an...

"Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng kế hoạch tổng thể để nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn sử dụng drone an toàn, hiệu quả trong công tác BVTV; khảo nghiệm, đánh giá một số loại thuốc BVTV sử dụng cho phương tiện Drone.

Đồng thời, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sử dụng Drone phun thuốc BVTV nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan; hỗ trợ các địa phương xây dựng các tổ dịch vụ sử dụng Drone đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương hướng dẫn các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng thiết bị bay đúng quy định, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an toàn hàng không...".

(Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV).

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất