| Hotline: 0983.970.780

Thiếu cát làm sạt lở gần 1.000km bờ sông, bờ biển

Thứ Sáu 10/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

ĐBSCL Thiếu phù sa, khai thác cát quá mức khiến lòng sông ngày càng sâu hơn, bờ sông cao, nặng và dốc hơn, dễ đổ sụp, nuốt chửng đất đai, nhà cửa của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL xoay quanh vấn đề này.

Thưa ông, nguyên nhân do đâu mà ĐBSCL ngày càng diễn ra tình sạt lở hai bên bờ sông với mức độ ngày càng nghiêm trọng?  

Ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện có 555 vị trí sạt lở bờ sông. Trong đó 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang là những điểm nóng về sạt lở, phạm vi, tốc độ sạt lở mạnh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân.

Thiếu phù sa là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trước đây, mỗi năm, vùng châu thổ Cửu Long được nhận từ 140 - 160 triệu tấn phù sa sông Mekong chuyển về, xếp thứ 10 trên thế giới về tải lượng phù sa.

Nói về sạt lở bờ sông thì có 2 loại sạt lở: sạt lở địa chất và sạt lở tăng tốc. Sạt lở địa chất là hiện tượng tự nhiên. Bất cứ một dòng sông tự nhiên nào cũng không đứng yên và liên tục điều chỉnh dòng chảy do các biến động tự nhiên khác ở tại chỗ và trên toàn lưu vực như thời tiết, khí hậu, địa hình. Sạt lở tăng tốc là có phần góp vào của các hoạt động của con người.

ĐBSCL là sản phẩm của quá trình vận chuyển và bồi đắp phù sa, bùn cát trong 6.000 năm qua. Trong quá trình đó, vẫn có sạt lở và bồi đắp địa chất tự nhiên như câu nói dân gian của ông bà ta để lại “dòng sông bên lở bên bồi”. Tuy nhiên, trong quá trình đó dù có sạt lở nơi này bồi đắp nơi kia nhưng tựu chung lại, đồng bằng châu thổ Cửu Long vẫn được mở rộng, tiến về phía biển Đông trung bình 16m/năm và về hướng Mũi Cà Mau trung bình 26m/năm. Đó là trong bối cảnh ngày xưa, khi dòng sông Mekong miệt mài hàng năm mang về khoảng 160 triệu tấn phù sa mịn trong dòng nước và khoảng 30 triệu tấn cát trôi về dưới đáy sông.

Ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện có 555 vị trí sạt lở bờ sông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện có 555 vị trí sạt lở bờ sông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến khi các đập thủy điện dần dần xuất hiện ở phía thượng lưu, kể cả trên dòng chính và các dòng nhánh của con sông Mekong thì lượng phù sa, bùn cát về ĐBSCL giảm dần và sạt lở bắt đầu gia tăng ở ĐBSCL kể cả ở bờ sông và bờ biển. Thêm vào đó là việc khai thác cát diễn ra rầm rộ suốt dọc chiều dài sông ở tất cả các quốc gia, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và tại ĐBSCL. Năm 2005 có thể xem là điểm cân bằng khi tổng sạt lở và tổng bồi đắp ở đồng bằng tương đương nhau. Từ 2005 cho đến nay, bồi đắp giảm nhanh và sạt lở tăng tốc, càng ngày càng dữ dội.

Như vậy, nguyên nhân chính của hiện tượng sạt lở tràn lan gần 1.000km bờ sông, bờ biển đồng bằng là do sự thiếu hụt chính nguồn vật liệu đã tạo nên đồng bằng này. Thiếu cát làm cho đáy sông bị sâu hơn, bờ bị cao hơn, nặng hơn nên dễ sụp đổ.

Trong bối cảnh thiếu phù sa và cát nghiêm trọng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn trầm trọng hơn trong vài chục năm tới. Hiện nay việc ứng phó như thế nào để tình hình sạt lở sẽ giảm hoặc dừng lại?

Câu hỏi đặt ra là ứng phó như thế nào để giảm thiểu thiệt hại. Ở đây chúng ta thử phân tích ưu và nhược điểm của một số biện pháp ứng phó. Biện pháp công trình có ưu điểm là tác dụng nhanh, có thể bảo vệ được một số nơi trong một thời gian.

Tuy nhiên, biện pháp này có hàng loạt nhược điểm. Biện pháp công trình rất đắt đỏ. Chúng ta sẽ không bao giờ đủ tiền để mãi chạy theo tình hình sạt lở bằng biện pháp công trình. Thứ hai, can thiệp ở một nơi sẽ gây sạt lở nơi khác vì dòng sông sẽ tìm kiếm sự cân bằng động lực.

Thứ ba, sạt lở là vì thiếu hụt cát, mà nếu càng làm công trình thì càng gây thiếu cát, tạo thành vòng luẩn quẩn. Thứ tư, công trình nào cũng có tuổi thọ, không có công trình nào là vĩnh cửu. Công trình cần được duy tu bảo dưỡng và chi phí này ngày càng tăng cùng với tuổi công trình. Biện pháp chỉnh trị dòng chảy, hướng dòng chảy khỏi phía bờ bị sạt lở có thể hiệu quả, nhưng có rủi ro gây sạt lở phía bờ bên kia. Nếu chỉ nạo vét để hướng dòng mà không có công trình kiên cố dưới đáy sông để chịu lực thì dòng chảy sẽ tiếp tục tấn công để quay lại hướng cũ, nhưng làm công trình kiên cố dưới đáy sông để cố định dòng chảy thì rất đắt.

Thiếu phù sa là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thiếu phù sa là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Do đó, biện pháp công trình không nên làm tràn lan mà chỉ nên làm ở những nơi xung yếu như các khu đông dân cư, đô thị, và cơ sở hạ tầng quan trọng. Nên có sự phân tích kinh tế thấu đáo để cân nhắc giữa lợi ích và chi phí của các phương án ứng phó, trong đó cần tính cả xác suất công trình hư hỏng.

Biện pháp mềm như trồng bần ven sông có thể gây bồi, bảo vệ được bờ sông. Lợi thế của biện pháp này là chi phí thấp, phù hợp sinh thái, tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh.

Trong tình hình sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục trong tương lai, việc cấp bách cần làm là di dời người dân khỏi những nơi rủi ro sạt lở cao. Việc di dời sớm sẽ đỡ tốn kém, thiệt hại về tính mạng, tài sản hơn là di dời sau khi sạt lở đã xảy ra.

Di dời người dân là một thách thức lớn vì cần có quỹ đất để tái định cư, có ngân sách hỗ trợ đi kèm đào tạo nghề để người dân ổn định sinh kế ở nơi mới.

Như vậy, trong bối cảnh này công tác cảnh báo các điểm sạt lở sớm đến người dân biết và công tác di dời dân sớm ra khỏi vùng sạt lở cần thực hiện như thế nào?

Về công tác cảnh báo sớm, cách làm của chúng ta hiện nay là để cảnh báo sạt lở thì lại trông chờ vào các nghiên cứu khoa học mang tính hàn lâm, nghiên cứu đo đạc tất cả các thông số rất phức tạp như địa chất, độ sâu, lưu tốc, lưu lượng, hàm lượng phù sa, kết cấu đất, độ kết dính, độ dốc ổn định… sau đó đưa vào mô hình máy tính, viết báo cáo khoa học, thông qua hội đồng nghiệm thu đề tài, công bố đề tài.

Sạt lở tăng tốc là có phần tác động của con người, trong đó có việc khai thác cát sông trái phép. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sạt lở tăng tốc là có phần tác động của con người, trong đó có việc khai thác cát sông trái phép. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Quá trình này mất rất nhiều thời gian, vài tháng hoặc vài năm. Khi đó bờ sông đã sạt lở rồi và nhà cửa của người dân đã sập rồi. Sau khi đã sạt lở, thì ngành chức năng lại mời các cơ quan nghiên cứu đến đo đạc tỉ mỉ, tính toán rất phức tạp để cuối cùng đưa ra kết luận là sạt lở do lòng dẫn bị hạ thấp do hoạt động của con người gây ra (có thể hiểu là đáy sông bị hạ thấp do khai thác cát).

Chúng ta vẫn rất cần các nghiên cứu hàn lâm, nhưng để kịp thời cảnh báo cho người dân, tránh thiệt hại tài sản và tính mạng thì cần đơn giản hóa vấn đề. Hiện nay các tỉnh đều đã có bản đồ chỉ ra những nơi rủi ro sạt lở cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ sạt lở mà người dân bị bất ngờ.

Biết rằng hầu hết các vụ sạt lở bờ sông ở ĐBSCL là do chân bờ bị đứt, hay gọi là dòng chảy tạo “hàm ếch” làm rỗng chân bờ bên dưới mà người dân sinh sống bên trên không hay biết cho đến khi khối đất trượt xuống sông mang theo nhà cửa, tài sản. Chỉ cần kịp thời phát hiện những “hàm ếch” mới hình thành thì người dân sẽ tránh được thiệt hại tài sản.

Theo đó, các cơ quan chức năng nên tổ chức thăm dò cập nhật tình hình lòng sông hàng tuần hoặc hàng tháng vào những tháng cao điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa để phát hiện kịp thời những nơi có “hàm ếch” (tức là nơi bờ sông bị đứt rỗng mất chân) mới xuất hiện để kịp thời cảnh báo cho người dân kịp thời di tản. Với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc này là hoàn toàn khả thi, ít tốn kém.

Như vậy, trong bối cảnh này, hai việc nên ưu tiên dành kinh phí để thực hiện là công tác cảnh báo sớm và công tác di dời sớm, tái định cư ổn định sinh kế cho người dân hơn là tiếp tục đổ tiền vào các biện pháp công trình đắt đỏ và các nghiên cứu chi tiết để tìm nguyên nhân sau mỗi vụ sạt lở!

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khởi động dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong năm 2024 tại Đồng Nai

Đồng Nai Ngày 21/5, tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) diễn ra Lễ khởi động dự án xây dựng nhà ở xã hội, do Công ty CP Chương Dương Homeland tổ chức.