Các DN chăn nuôi trong nước khẳng định, thịt lợn NK “không có cửa” tại Việt Nam. Ảnh: Kiên Cường. |
Trao đổi với NNVN, lãnh đạo một “ông lớn” về chăn nuôi lợn tiết lộ: Ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), thời gian qua, giá thành SX lợn của các DN tăng lên đáng kể.
Họ buộc phải chi phí nhiều hơn, siết chặt chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung các biện pháp tăng sức đề kháng cho lợn... Công suất chăn nuôi của các DN cũng đã bị giảm rất nhiều do nhiều tháng qua không thể tái đàn, phải giảm đàn nái (nái già là thải loại chứ không vào nái mới)...
Việc giảm công suất nuôi cũng nhằm giảm mật độ nuôi nhằm phòng dịch tốt hơn. Cụ thể hiện nay, đa số các trại lợn chỉ còn dám duy trì khoảng 70-80% so với công suất thiết kế, trong đó rất nhiều trại thậm chí chỉ đạt 40-50% công suất. Năng suất chăn nuôi cũng bị tụt mạnh do ảnh hưởng của việc áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Trong khi đó, DN vẫn phải duy trì số lượng công nhân, duy trì chi phí vận hành chuồng trại... Nếu như lúc chưa có dịch, giá thành SX lợn của các DN lớn bình quân chỉ khoảng 32-33 nghìn đồng/kg, thì hiện nay, giá thành đã tăng lên mức trung bình 40 nghìn đồng/kg, tăng ít nhất khoảng 10% so với giai đoạn chưa có dịch.
Với giá thành trên, về lí thuyết, thịt lợn một số nước NK sẽ có cơ hội để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nghịch lý đó là trong khi giá thành SX lợn tăng cao, thì giá lợn hơi xuất chuồng tại Việt Nam một thời gian dài ở mức rất thấp, mãi đến gần đây giá lợn hơi mới ấm lên, tuy nhiên hiện tại lợn hơi xuất chuồng ở phía Bắc cũng chỉ khoảng 45 nghìn đồng/kg, tại phía Nam chỉ 37-38 nghìn đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi ở phía Bắc đang có lãi nhẹ, trong khi phía Nam vẫn đang lỗ. Giá lợn hơi trong nước đang ở mức thấp như trên thì thịt lợn đông lạnh NK khó có thể cạnh tranh được do nhiều nguyên nhân.
Thịt đông lạnh NK rất khó có khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Kiên Cường. |
Xét về giá thành SX, trong điều kiện chưa có DTLCP, giá thành SX lợn hơi của Việt Nam ở mức trung bình 32-33 nghìn đồng/kg. Đây là giá thành đã tiệm cận và đương đối ngang với mặt bằng chung của thế giới (ngoại trừ một số nước có lợi thế vượt trội về công nghệ và lợi thế nguyên liệu TĂCN tại chỗ giá rẻ như Mỹ, Nga, Đan Mạch).
Giá thành SX lợn thấp nhất như Mỹ cũng đang dao động ở mức xung quanh 1,3 USD/kg, tương đương khoảng 28-29 nghìn đồng/kg. Như vậy nếu cộng với chi phí giết mổ, cấp đông, vận chuyển... về Việt Nam, sẽ khó có thể cạnh tranh với giá bán thịt lợn trong nước.
Bên cạnh đó, đặc thù thói quen tiêu dùng của thị trường Việt Nam lại chiếm áp đảo là thịt nóng, tiêu thụ trong ngày tại các chợ truyền thống. Vì vậy, thịt đông lạnh NK rất khó có khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, kể cả trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của DTLCP.
“Nhìn chung, thị hiếu tiêu thụ thịt lợn của các nước trên thế giới là khá tương đồng nhau, chuộng nhất vẫn là thịt sườn, ba chỉ, thịt vai, mông... Tuy nhiên, điểm khác là ở nhiều nước phương Tây, các sản phẩm phụ trong quá trình chế biến, giết mổ lợn như thịt vụn, chân, vai, nội tạng... lại chỉ được làm nguyên liệu cho TĂCN, hoặc được bán với giá rất rẻ. Vì thế được biết, hiện các DN nhập khẩu thịt về Việt Nam phần lớn chỉ là thịt vụn để chế biến (ví dụ xúc xích) với giá rất rẻ, cũng như các phụ phẩm khác, chứ thịt lợn xẻ đông lạnh thì gần như không đáng kể” – đại diện một Cty chăn nuôi trong nước cho biết.