Cụ thể là trong những ngày qua, liên minh nông nghiệp đầy thế lực của Pháp FNSEA cùng với hai tổ chức bảo trợ nông nghiệp tên tuổi ở châu Âu là COPA-COGECA, đã tranh thủ tiến hành một “cuộc tấn công” nhằm thẳng vào Chiến lược Nông trại tới bàn ăn (Farm to Fork). Đây là một cách tiếp cận toàn diện mới của Liên minh châu Âu (EU) thiên về tính bền vững của chuỗi thực phẩm, đồng thời mở ra cơ hội để cải thiện lối sống, sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Nhân vật chủ xị cho cuộc vận động hành lang này là Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie, một người từng lâu nay không hề giấu diếm kế hoạch này. Theo đó, nhân cơ hội cả châu lục đang hướng trọng tâm vào cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Julien Denormandie đã thực hiện ngay lập tức các bước đi nhằm cố gắng đẩy EU ra khỏi con đường hướng tới chuyển đổi sinh thái trong nông nghiệp.
Cụ thể là ông Denormandie đã thông qua một cuộc bỏ phiếu để đình chỉ các điều khoản vốn còn sơ khai của Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), yêu cầu tất cả nông dân được hưởng lợi từ khoản trợ cấp 4% cơ sở hạ tầng sinh thái như cây xanh, hàng rào và đồng ruộng của họ. Và thậm chí kế hoạch này còn được cho là không chỉ dừng lại ở đó.
Các nguồn tin cho biết, tất cả mọi thứ từ các mục tiêu giảm thuốc trừ sâu và phân bón đến đạo luật Phục hồi Thiên nhiên sắp tới của EU hiện đang bị đốt cháy vì lá bài "an ninh lương thực". Tuy nhiên đằng sau nó còn có một chương trình nghị sự được cho là “nguy hiểm” hơn nhiều trong cuộc chơi này.
Theo giới quan sát, nếu ông Denormandie thực sự quan tâm đến việc giá ngũ cốc đang tăng cao và làm tổn thương thị trường lương thực hay thực tế muốn làm “mọi thứ để giải phóng tiềm năng sản xuất nông nghiệp ngay từ bây giờ”, thì ông ấy sẽ phải đề xuất đình chỉ tất cả các khoản trợ cấp sản xuất nhiên liệu sinh học.
Đây là một hành động hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của các chính phủ EU, và nó có thể tạo ra một lượng lớn lương thực và dầu ăn - thực phẩm cho thị trường tiêu dùng. Nhiều triệu ha đất canh tác hiện đang được sử dụng để cung cấp “thức ăn cho xe hơi” châu Âu thay vì cho con người, và nhu cầu này hoàn toàn là do chính sách tạo ra. Bởi EU là khu vực xuất khẩu ngũ cốc lớn và không phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Vì vậy, câu chuyện không hề liên quan đến cái ăn và sẽ không bao giờ là như vậy.
Vấn đề là họ đã khai thác một thảm kịch để bảo tồn mô hình canh tác đã bị phá vỡ hiện tại và sẽ tiếp tục phá hủy các hệ sinh thái mà nó phụ thuộc vào, xóa sổ đa dạng sinh học, gây hại cho sức khỏe người dân và đẩy thêm nông dân ra khỏi đồng ruộng.
Đó thực sự là một hệ thống chết chóc, gây ra thiệt hại lan rộng nhưng lại là một phương sách tạo ra rất nhiều tiền cho một số công ty lớn và các chủ đồn điền giàu có - những người đang kiểm soát hành lang nông trại cũng như bắt được thóp các chính trị gia.
Một khi các nhà hoạch định chính sách châu Âu tuân theo các yêu cầu của vận động hành lang nông trại, họ sẽ thực sự đặt an ninh lương thực của lục địa già vào nguy cơ rủi ro. Bởi có nhiều bằng chứng từ các nhà khoa học đều đồng thuận rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực trong những năm tới sẽ là biến đổi khí hậu và phá vỡ sinh thái. Nếu không giải quyết những vấn đề này một cách khẩn cấp thì điều tồi tệ nhất mà châu Âu sẽ phải đón nhận.
Không chỉ sinh kế của nông dân sẽ bị xóa sổ và đẩy cuộc sống của nông dân châu Âu vào thế khó hơn khi họ đang phải hứng chịu các ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh mới nổi. Một số yêu cầu của cuộc vận động hành lang trang trại không chỉ hủy hoại thiên nhiên mà còn sai cả về mặt chính trị và đạo đức. Đáng chú ý nhất là yêu cầu trợ cấp phân bón nitơ, ngoài việc gây ô nhiễm sẽ dẫn đến nhu cầu về khí đốt cao hơn, điều mà mọi người đều biết rằng sẽ không ai muốn cả.
Chúng tôi kêu gọi những người ra quyết định hãy hành động vì lợi ích của tất cả mọi người, chứ không chỉ bảo vệ lợi ích cá nhân của họ. Nếu Chiến lược Farm to Fork được xem xét lại sau cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine, thì yêu cầu cấp bách mà ai cũng biết rằng sức khỏe, môi trường tự nhiên phải làm cơ sở cho tương lai lâu dài của nghề nông.
“Tất cả mọi thứ cần phải được cân nhắc lại cùng với hệ thống lương thực của chúng ta vẫn phải được xem xét lại. Sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực chiến sự hiện chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì xuất khẩu sẽ có khả năng khiến giá ngũ cốc tăng đột biến.
Và trong khi những nước giàu và tầng lớp trung lưu có thể dễ dàng vượt qua mức tăng đột biến như vậy, thì điều tương tự lại không thể xảy ra đối với những người có thu nhập thấp hơn và nhất là những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Do vậy khi thảm họa nhân đạo này còn chưa kết thúc thì trọng tâm của tất cả nên tập trung vào việc giảm bớt đau khổ cho người dân Ukraine, thay vì tìm cách lật ngược lại một chương trình nghị sự vốn đã hoạt động tốt được thiết kế để bảo vệ nông dân, công dân và môi trường. Bi kịch của con người không được lợi dụng để đem ra trục lợi”, một ý kiến chỉ trích công khai.
Các nhà vận động cũng kêu gọi ngừng sử dụng lương thực và đất nông nghiệp tốt để dùng cho phát triển năng lượng sinh học và thúc đẩy các chính sách nông nghiệp nhằm giảm sự phụ thuộc của nông dân vào tất cả các loại vật tư đầu vào, đa dạng hóa thu nhập và tăng khả năng phục hồi cho nông dân.