Phát biểu trong phiên khai mạc cuộc họp liên chính phủ hôm nay, người đứng đầu Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết: Ngành công nghiệp chè có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp toàn cầu, giúp chúng ta gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên mốn làm được điều đó, trước hết nó phải vượt qua được những thách thức lớn.
Ngành sản xuất chè là một lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, cung cấp việc làm và thu nhập cho nhiều cộng đồng nông thôn nghèo nhất trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy, khu vực nông hộ nhỏ nghèo ở các vùng nông thôn đang sản xuất khoảng 60% sản lượng chè toàn cầu. Điều này làm cho chè trở thành loại cây có sự đóng góp quan trọng trong việc đạt được Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Ngoài ra, thu nhập từ xuất khẩu chè là một nguồn lực quan trọng, đặc biệt đối với nhiều nước thu nhập thấp cần ngoại hối để nhập khẩu lương thực và các loại vật tư, hàng hóa- dịch vụ từ nước ngoài.
“Để chấm dứt tình trạng đói nghèo trên thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải chuyển đổi hệ thống nông sản của mình và chè có thể đóng một vai trò trong việc chuyển đổi này”, ông Khuất Đông Ngọc nói trước các diễn giả, chuyên gia chính phủ, quan chức và các nhà quan sát quốc tế đang tham dự hội nghị tại trụ sở FAO ở Rome, Italia.
Theo thống kê của FAO, chè (trà) là thức uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới, chỉ sau nước và đại diện cho một hoạt động kinh tế quan trọng, với giá trị sản xuất chè toàn cầu ước tính khoảng 17 tỷ USD, trong khi thương mại đạt trị giá khoảng 8 tỷ USD hàng năm,
Ông Khuất đồng thời cũng lưu ý, trà có một chiều kích xã hội rất quan trọng. Nó là thức uống mang mọi người đến gần nhau hơn để chia sẻ những câu chuyện, xây dựng tình thân và vượt qua những khác biệt.
Dữ liệu cho thấy, mức tiêu thụ trà đã tăng lên trong suốt thời kỳ diễn ra đại dịch coronavirus, khi mọi người cảm thấy dễ chịu, bớt lo lắng hơn bên một tách trà ấm trong những thời khắc khó khăn nhất.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc FAO cho biết, ngành sản xuất chè đang phải đối mặt với một số thách thức cần được quan tâm khẩn cấp, bao gồm: tác động của khủng hoảng khí hậu; cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng chè; năng suất thấp và áp lực giá cả - chi phí mà các tác nhân trong chuỗi giá trị phải đối mặt.
Hơn nữa, sản xuất chè có thể dẫn đến xói mòn thêm tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất và nước. Nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học, xói mòn đất và ô nhiễm nguồn nước đang là những thách thức lớn cần được quan tâm khẩn cấp.
Ngoài ra, ngành chè còn có những đặc điểm dễ bị tổn thương như thường xuyên bị sâu bệnh phá hoại, làm giảm năng suất. Ví dụ, bệnh bạc lá nâu trên chè có thể gây thiệt hại đáng kể về sản lượng và thu nhập. Đặc biệt là các nông hộ sản xuất nhỏ cần được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để đầu tư vào các giống kháng sâu bệnh, nhằm đạt được tăng trưởng năng suất bền vững.
Bệnh bạc lá nâu là loại bệnh phát sinh gây hại ở lá non, búp non trên cây chè. Bệnh có mức độ lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng chè búp. Bệnh thường phát sinh ở các bộ phân non của cây như lá non, lá bánh tẻ, cành non và quả non. Trên lá xuất hiện các đốm đỏ màu da cam hoặc đỏ lợt. Vết bệnh bóng lên bất thường, lớn dần, và chuyển sang màu nâu.
Biện pháp phòng trừ: thường xuyên làm cỏ và vệ sinh vườn chè, không đốn tải quá sớm vì cành non rất dễ bị nhiễm bệnh; thiết kế vườn chè với mật độ cây hợp lý, vườn chè thông thoáng và hạn chế độ ẩm trong vườn; bón phân cân đối, tránh sử dụng quá nhiều đạm, bón đúng nhu cầu của cây; khi bệnh xuất hiện tiến hành tỉa các lá và búp chè bị bệnh, hạn chế sự lây lan; chú ý phun phòng thuốc bệnh vào đầu mùa mưa.