| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa mì, phân bón tăng ‘dội’ thẳng vào kệ hàng hóa

Thứ Tư 09/03/2022 , 18:48 (GMT+7)

Giá lương thực thế giới dự kiến ​​sẽ tăng mạnh do diễn biến cuộc khủng hoảng Ukraine tác động đến hầu hết các loại hàng hóa, đánh thẳng vào ví tiền của người tiêu dùng.

Người dân Mỹ đang cảm thấy sức nóng lạm phát tăng lên mỗi ngày qua giá hàng hóa. Ảnh: local12

Người dân Mỹ đang cảm thấy sức nóng lạm phát tăng lên mỗi ngày qua giá hàng hóa. Ảnh: local12

Trên khắp nước Mỹ, các gia đình đều đang cảm thấy sức ép tăng giá mỗi ngày ở hầu hết các mặt hàng hóa thiết yếu, và dự báo nó không chỉ là giá xăng lập kỷ lục làm tê liệt lợi nhuận của người tiêu dùng.

Ben Riensche chủ hãng Blue Diamond Farming cho biết: “Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi ngân sách gia đình bạn tăng 1.000 USD một tháng cho việc mua hàng tạp hóa và nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.

Giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm vào tuần trước do xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước chiếm gần 30% sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.

Jim McCormick, đồng sáng lập của AgMarket.Net cho biết: “Có một điều mà tôi dám chắc với bạn một cách tự tin là nếu tình hình xấu đi, nó có thể sẽ đẩy giá thực phẩm lên cao hơn nữa”.

Theo các chuyên gia phân tích, chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn cũng bị căng thẳng do sự gián đoạn thương mại phân bón trên toàn cầu, do Nga là nhà cung cấp chính các chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Riensche là một nông dân thế hệ thứ sáu trông coi 16.000 mẫu canh tác ở bang Iowa. Hiện anh ta đang phải chi 240 USD cho một mẫu để mua phân bón nitơ nuôi cây trồng của mình, mức giá cao gấp ba lần so với trước và trả gấp đôi cho hai loại phân bón khác là phân lân và kali so với năm 2021.

“Chúng tôi sẽ phải rải phân thật mỏng và điều đó có nghĩa là năng suất khi thu hoạch sẽ ít hơn khiến các kệ hàng hóa trống rỗng và tăng giá là tất yếu”, anh Riensche nói.

Quan chức bang Iowa Tom Miller chia sẻ về sự gia tăng "chưa từng có" của giá phân bón rằng: “Hiện giá ngô và đậu tương đã tăng cao hơn mức trung bình của năm ngoái, tuy nhiên biên lợi nhuận của nông dân sẽ bị bào mòn bởi giá phân bón tăng”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ hiện đã cảnh báo các công ty phân bón trong nước không nên lợi dụng nguồn cung toàn cầu đang căng thẳng để đầu cơ trục lợi, đồng thời cho biết đang điều tra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động này bởi nếu nông dân phải trả nhiều tiền hơn cho phân bón, những chi phí đó sẽ lập đánh thẳng vào người tiêu dùng, đẩy lạm phát tăng theo.

Trong diễn biến liên quan, tờ Times hôm nay cho biết đã xuất hiện tình trạng người mua sắm tranh giành các mặt hàng thiết yếu khi thị trường lương thực-thực phẩm toàn cầu tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine đang lan rộng đến các kệ hàng khắp thế giới.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người dân đang lo lắng về việc giá dầu hướng dương tăng cao đã gây ra tình trạng ồ ạt mua tích trữ. Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, giá một số loại bánh mì đã tăng vọt trong tuần qua.

Chiến tranh đã khiến giá lúa mì ở Chicago cao hơn 70% trong năm nay và đang đe dọa chuỗi thương mại lương thực toàn cầu. Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc, dầu thực vật và phân bón quan trọng, điều đó có nghĩa là sự gián đoạn nguồn cung sẽ có thể cảm nhận được trên toàn thế giới.

Giá lúa mì đã vượt qua mức kỷ lục lần gần đây nhất là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 đã từng gây ra các cuộc biểu tình lan rộng, trong khi đó chỉ số giá lương thực của Liên Hợp quốc (FAO) đã đạt mức kỷ lục mới vào tháng Hai.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, dầu hướng dương là loại dầu ăn chính và là thành phần không thể thiếu trong nhà bếp, hiện một chai 18 lít được bán với giá 989 liras (69 USD) nhưng không có mà mua.

Theo ông Ahmet Atici, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất dầu thực vật cho hay, giá dầu hướng dương tăng do khan hiếm vì liên quan đến việc nhập khẩu bị gián đoạn và đứt gãy tại biển Azov, cực đông bắc của Biển Đen. Ông Atici cảnh báo rằng nguồn cung hiện tại có thể chỉ kéo dài đến giữa tháng Tư.

Hiện có ít nhất 18 tàu thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ đang mắc kẹt nằm chờ tại sông Don và các cảng của Nga trên biển Azov để chờ giới chức nước này liên hệ với Nga để giải quyết vấn đề.

Một người dân nghèo mua rau tại chợ đầu mối Pasar Induk Kramat Jati ở thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 26 tháng 2 năm 2022. Ảnh: Bloomberg.

Một người dân nghèo mua rau tại chợ đầu mối Pasar Induk Kramat Jati ở thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 26 tháng 2 năm 2022. Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức cao nhất trong 20 năm, và đợt tăng giá lương thực toàn cầu cao cuối cùng cách đây một thập kỷ đã gây ra các cuộc biểu tình và bất ổn chính trị.

Tại Ai Cập, theo giới chức thương mại, một gói 5 ổ bánh mì dẹt hiện đang được bán với giá khoảng 7,5 pound (0,48 USD) ở khu vực thủ đô Cairo, tăng so với mức 5 pound cách đây một tuần.

Nhiều nhóm thương mại ở Liên minh châu Âu cũng đã cảnh báo có thể sẽ cạn kiệt dầu ăn vào thời điểm tháng Tư do lượng nhập khẩu bị mất từ ​​Ukraine không thể bù đắp trong thời gian ngắn.

Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp cho biết trong một báo cáo: “Trong thời gian tới, giá lương thực trên thị trường thế giới sẽ tăng hơn nữa trong bối cảnh mọi thứ đều không chắc chắn. Điều này sẽ làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu”.

Theo số liệu từ UkrAgroConsult, Ukraine và Nga cùng chiếm khoảng 3/4 lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Giá sản phẩm này từ Ukraine đã tăng khoảng 50% so với tháng 6 năm ngoái.

Ngay cả ở Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, giá sản phẩm này  cũng bắt đầu tăng. Hiện chính phủ đang tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại, trong khi các siêu thị đã áp dụng giới hạn mỗi người mua hàng chỉ được một thùng dầu ăn.

(Times; Bloomberg)

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.