| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 12/07/2024 , 14:32 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 14:32 - 12/07/2024

Thời 'cọc' phải tìm 'trâu'

Tôi cực kỳ ấn tượng về ý kiến của một nữ doanh nghiệp tại 'Diễn đàn Kết nối các sản phẩm KH-CN ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã' vừa được tổ chức.

Đó là phát biểu của bà Phạm Thị Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Công ty San Hà (doanh nghiệp có thế mạnh chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến) trước Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài bộ, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, tổ chức quốc tế tại Diễn đàn Kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 10/7.

CEO San Hà bày tỏ sự xúc động: Đây là diễn đàn đầu tiên bà được tham dự có ý nghĩa thực chất, bởi những mong muốn, nguyện vọng của nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, đơn vị sản xuất… được gặp nhau ở một điểm chung: ứng dụng của các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất.

Bà Hà nói: San Hà muốn đặt hàng nhà khoa học, song chưa biết “tìm” viện nghiên cứu, khoa học gia nào để đặt hàng, bởi "quả thực, chúng tôi (doanh nghiệp) không có thời gian rỗi để dứt khỏi lượng công việc khổng lồ hằng ngày. Do đó, doanh nghiệp San Hà vô cùng mong muốn nhà khoa học bớt chút thời gian tới giúp đỡ".

"Thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà thực sự mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước. Mua sản phẩm nước ngoài thì phụ thuộc vào nhà phân phối, đây là điều bất cập".

Bà Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, với trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam hiện nay, chỉ cần có con giống, quy trình, thì nhà nông hoàn toàn đủ khả năng sản xuất với các tiêu chuẩn cao. Do đó, doanh nghiệp thực sự mong muốn các nhà khoa học, các viện nghiên cứu chú trọng hơn về truyền thông, để lan tỏa thông tin tới doanh nghiệp và người dân.

Ý kiến phát biểu của nữ doanh nhân này tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đều cảm nhận được đó là một mong muốn thực chất, bởi chị đại diện cho những người sản xuất trực tiếp, ứng dụng các công trình nghiên cứu, đưa các ý tưởng khoa học công nghệ từ lý thuyết vào thực tiễn từ đó nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Đó cũng là điều mà đại diện các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu khoa học bấy lâu nay vẫn đau đáu: các đề tài nghiên cứu khoa học (dù được Nhà nước đặt hàng), khi được nghiệm thu phải được ứng dựng thực tiễn.

Đó không chỉ là mục tiêu cuối cùng. Nó còn là danh dự của những người làm công tác nghiên cứu khoa học: sản phẩm làm ra phải có tính ứng dụng, đưa vào thực tiễn, phải có người sử dụng chứ không để “đắp chiếu”, nghiệm thu cho xong rồi sau đó phủ bụi!

Trong khi đó, đại diện của những đơn vị làm công tác nghiên cứu khoa học bày tỏ mong muốn được nhận nhiều đơn đặt hàng nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp, người sản xuất.

GS.TS Trần Ngọc Hải (Đại học Cần Thơ) bày tỏ mong muốn có thể phối hợp với doanh nghiệp, các viện, trường khác khai thác tối đa hiệu quả của cơ sở vật chất này nhằm phát triển KHCN ứng dụng thực tế.

TS Nguyễn Công Tiệp - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì mời gọi: "Các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản".

Rõ ràng, nhà sản xuất - nhà nghiên cứu đều đã ý thức được tính thực tiễn, hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Chỉ có điều, người đi mua (người sản xuất) vẫn băn khoăn không biết tìm đến “địa chỉ” nào để mua được sản phẩm mà mình mong muốn; còn người bán hàng (nhà khoa học) cho rằng chưa có chỗ để “bán hàng”.

Thay vì những băn khoăn thụ động, khi đã có sản phẩm thực sự và có một mong muốn thực sự, ngoài việc để “thị trường” điều phối, hai bên hãy chủ động tìm đến nhau, nhà nghiên cứu, đơn vị nghiên cứu hãy chủ động “khua chiêng đánh trống” (như cách nói hình ảnh của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại diễn đàn) để quảng bá những thứ mình làm ra, để người có nhu cầu biết đến để “đặt hàng”.

Đã đến lúc, những nhà khoa học, viện nghiên cứu…, muốn những nghiên cứu khoa học của mình được ứng dụng thực tiễn, không bị phủ bụi, muốn bán được sản phẩm mình làm ra…, họ cũng phải chủ động đi tìm khách hàng của chính mình; chủ động biến mình thành những “Người bán hàng vĩ đại” - tên một tác phẩm của tác giả Og Mandino, nghĩa là "cọc" phải đi "tìm trâu" thay vì ngồi im thụ động!!!