Khi ấy chuột con chưa ra đời. Hay là nó còn đỏ hỏn trong cái hang dưới gầm cầu thang? Có lẽ đó mới là chỗ thực thụ của gia đình chuột, vì ban ngày, khi ra tưới cây ở balcon, tôi chỉ thấy cỏ úm gốc bị đè xuống, êm mòn. Đây là chỗ ban đêm nhà chuột ẩn náu để kiếm ăn.
Chuột và người thiên địch của nhau, tôi tin như thế. Có ngập lụt mới biết bên dưới Paris hoa lệ là vương cung của chuột. Có thể ghê, ghét và khinh, nhưng chuột đã trở nên đáng yêu, quá đáng yêu bởi Walt Disney. Nhiều người ghê gián, kiến, ruồi, nói gì lũ chuột.
Nhưng chúng tôi biết chấp nhận những gì thuộc về mình: chung cư cũ, cầu thang xưa, những gốc cây già, nước tiểu bậy, dân vô gia cư và… chuột gián! Tự trào rằng nhà văn phải sống với tha nhân, để mình đừng quên mình cũng là tha nhân.
***
Nhưng thiên địch đã ma lanh quá. Nhà văn ông bảo hết chịu nổi, chả lẽ mình cho thức ăn để nuôi chúng, mong chúng đừng lục phá, gặm nhấm? Một cái bẫy cổ điển, bằng lưới kẽm. Lần đầu tiên chuột chồng sập bẫy ngay. Bóng đá cao trào trên ti-vi, nhà văn bảo để đó đã. Sức mạnh nào đã giúp chuột cha hất được cái cửa để tháo thân? Có lẽ vì vợ và con đang chờ nó, ở tận dưới gầm cầu thang?
Không lâu sau đã có lần hai. Nhìn qua đã biết chính là gã chuột đực tháo vát, liều lĩnh. Nhà văn ông đi tới đi lui bứt rứt, không biết giết chuột bằng cách nào? Quấn nhiều vòng dây quanh bẫy và ra bờ sông ném nó ư, đành mất một cái bẫy ư? Hình dung thấy không nỡ.
Đành thọc nguyên bẫy vào bô cầu rồi giật nước, đậy nắp bô thì bị cần bẫy đội lên, phải dằn tay lên nắp bô và chờ để giật mấy lần nước nữa. Cuối cùng chuột cha chết ngộp nhưng men bô cầu trầy xước ghê gớm. Tôi không biết cách nào tốt hơn nhưng cũng không hiểu vì sao chồng giết một con chuột mà khó khăn đến thế.
***
Căn nhà yên tĩnh được ít hôm. Đã lại thấy bóng dáng chuột vợ thập thò ngoài balcon. Đêm đêm tiếng động của nó nghe rõ mồn một, như thể cố ý. “Con chuột cái này gan há?", chồng tôi quả quyết. “Sao anh biết nó là chuột vợ?” “Nhìn thì biết, nó nhỏ hơn, có vẻ nhát hơn. Và lãnh thổ nào của chuột cũng đôi lứa cả. Rồi sẽ phải đối phó với chuột con nhé!”
Hình như đến đêm quậy phá thứ ba của chuột vợ, chúng tôi mới phát hiện nó đã nhăm nát cái khăn bông đẹp tôi đậy máy giặt. Đó là thói quen trau chuốt của tôi, với cái bàn ăn, cái bàn bếp và cả trên nắp máy giặt. Vì sao nó nhăm ở giữa khăn, cho nát ra? Nó đánh tín hiệu giận dữ, thậm chí căm thù với chúng tôi chăng? Đành xếp đôi cái khăn dày ấy lại để làm thảm lót chân và thay tấm đậy khác.
Những đêm sau, vẫn tiếng chuột vợ trong bếp. Thì ra nó đã nhắm thủng lung tung gói thảm tôi cất trong bao nilon. Hết chịu nổi. Bây giờ nhà văn ông mới bần thần đem bẫy ra đặt, ngao ngán vì không nỡ giết một con gì cả. Chuột vợ bị lừa ngay.
Lại đi tới đi lui tính cách giết sao đây, giết sao bây giờ? Một cái thau giặt rộng từ ngày bao cấp còn giữ làm kỷ niệm khi đã sắm được máy giặt. Cho bẫy vào thau rồi xả, đóng cửa phòng tắm lại để khỏi nhìn thấy chuột vợ trong giờ phút vật vã đuối nước. Cũng xong. Buồn, sao chuột lại chọn con người để cộng sinh?
***
Yên tĩnh dài. Gầm cầu thang giờ đã có gã phu rác chiếm dụng, thành người triệt để vô gia cư. Cái hang nhỏ đã bị bít bằng mấy viên gạch chồng lên nhau. Balcon nhà tôi xuất hiện một chuột con cỡ ngón chân cái của nhà văn ông. Nhưng căn hộ của tôi cũng đã trở nên hoang vắng triệt để vì sự ra đi đột ngột của người không nỡ giết một con chuột. Thôi đành, chuột vợ từng góa và nay thì người góa. Khác nhau là chuột cái góa luôn tìm cách đánh động với con người rằng nó đang ẩn ức. Tôi thì không thể.
Chuột con khiến tôi không thể chợp mắt vào những khuya tôi đã mỏi mòn. Nó còn chạy lên giường, để tìm hơi ấm của mẹ chăng? Tôi đành đưa bẫy ra và cố gắng làm như chồng đã làm, tự nhắc đừng để cửa sập xuống thì dập tay đấy. Ngay lần đầu chuột con khờ dại đã nằm gọn trong đó. Khép nép, chí chóe, không hùng dũng như cha của nó được.
Tôi học cách của chồng, lấy thau, cho bẫy vào, xả nước và bước ra, không dám nhìn chuột con lâm chung. Một thau nước lớn tướng. Rất lâu tôi mới cầm cái bẫy ra và gói xác chuột vào túi nilon cho vào thùng rác. Một mất một còn, con người luôn tranh lấy phần của mình bằng cái gọi là Trí khôn như bài văn trong giáo khoa thư mà ai cũng biết.
Tiếc thau nước, tôi dùng để dội cầu. Sáng hôm sau, một cái mùi kinh khủng ập lên mũi tôi. Lẽ nào, chỉ một con chuột bằng ngón chân cái thôi mà. Tôi đổ thau nước và bò ra cọ sàn phòng tắm, cọ cả trên vách bằng nước thơm. Nhưng cái mùi ấy vẫn ám. Đó có thể là điều chuột con gửi lại cho tôi khi nó lên đoạn đầu đài, rằng cái chết nào cũng để lại một thông điệp ám ảnh, tin chuột đi, một thông điệp ám ảnh.