* Xin cho chúng cháu biết một số thông tin về chim cánh cụt?
Bùi Thế Giang, Sơn Dương, Tuyên Quang
Chim cánh cụt (thuộc bộ Sphenisciformes, họ Spheniscidae - lấy theo tên chi Spheniscus- có nghĩa là hình nêm) là một bộ chim không cánh sinh sống dưới nước là chủ yếu tại khu vực Nam bán cầu. Châu Nam Cực chỉ toàn băng tuyết, với nhiệt độ trung bình hàng năm thấp nhất trong các châu lục trên Trái Đất, nhưng chim cánh cụt vẫn sống và có tới hàng chục loài khác nhau. Chúng có lông rậm, mỡ dày để chịu rét.
Khối lượng thay đổi tùy loài, có thể lên đến vài chục kilôgam. Chúng thường sống thành bầy, đông tới hàng nghìn con. Chim này còn có tên gọi khác là penguin (Anh), le pingouin (Pháp), Pinguine (Đức), Xí nga (Trung Quốc). Số lượng loài hiện tồn tại vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Chim cánh cụt thích nghi tốt với cuộc sống dưới nước. Các cánh của chúng đã tiến hóa thành các chân chèo và không có tác dụng để bay trong không gian. Tuy nhiên, trong nước thì chim cánh cụt lại nhanh nhẹn một cách đáng ngạc nhiên. Chim cánh cụt có thể bơi lặn trong nước với vận tốc từ 6 tới 12 km/h, mặc dù có một số báo cáo cho rằng tốc độ có thể lên tới 27 km/h (điều này có thể xảy ra khi chúng bị giật mình hay bị tấn công).
Các loài chim cánh cụt nhỏ không lặn sâu và chỉ săn tìm mồi gần mặt nước và chỉ lặn khoảng 1-2 phút. Các loài chim cánh cụt lớn có thể lặn sâu khi cần thiết. Chim cánh cụt có thính giác tốt. Các mắt của chúng đã thích nghi với việc quan sát dưới nước và là phương tiện chủ yếu của chúng để định vị con mồi và lẩn tránh kẻ thù. Ngược lại, ở trên cạn thì chúng là cận thị.
Chim cánh cụt không có cơ quan sinh dục ngoài. Kết quả là chỉ có thử nghiệm nhiễm sắc thể mới xác định được giới tính của chúng. Một số loài chim cánh cụt có thể giao phối cả đời, trong khi các loài khác chỉ giao phối một mùa. Nói chung, chúng tạo ra một bầy con nhỏ và cả chim bố lẫn chim mẹ cùng chăm sóc con non.
Triệu Thị Giang, Lục Bình, Yên Bái
Theo PGS.TS. Ngụy Tuyết Nhung thì Rubi và Sa-phia (saphir) là hai loại đá quý có giá trị cao, chỉ thua kim cương mà thôi. Đây là loại ngọc thuộc nhóm Corindon. Thực chất chỉ là oxit nhôm có công thức là Al2O3. Tuy Corindon tinh khiết có chứa 52,9% Al và 47,1% O, nhưng trong tự nhiên Corindon lại chứa thêm nhiều tạp chất khác và đó là nguyên nhân tạo ra các màu sắc khác nhau, còn Corindon nguyên chất thì lại chẳng có màu gì cả. Các tạp chất phổ biến là Si, Cr, Fe, Ti, ngoài ra còn có V, Mg, Mn, Ca, Na...
Chỉ cần chứa 0,1% Cr2O3 thì Corindon đã có màu đỏ, chỉ cần chứa 0,1% FeO hoặc chứa 0,01%TiO2 thì Corindon sẽ có màu xanh lam. Phụ thuộc vào màu mà ngọc Corindon có những tên gọi khác nhau. Màu đỏ được gọi là Rubi, màu xanh lam được gọi là saphir, còn nếu mang nhiều màu khác như hồng, da cam, vàng, lục, tím... thì được gọi là saphir màu. Saphir không màu được gọi là Leucosaphir.
Theo gốc tiếng Hy Lạp thì Ruber có nghĩa là màu đỏ, Sapphirus có nghĩa là màu xanh. Ruby và Saphir có chất lượng cao được tìm thấy ở nhiều nước Nam Á như Myanma, Thái Lan, Campuchia, Pakisstan, Sri Lanka, Ấn Độ và cũng thấy ở Châu Đại dương và Châu Mỹ. Nước ta cũng có tiềm năng lớn về ngọc Corindon. Đã thấy có các mỏ ruby, Saphir lớn ở Yên Bái, Nghệ An, các mỏ Saphir liên quan với đá basalt phân bố rộng rãi ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ như Kontum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai...
Nếu các bạn có ngọc Rubi, Saphir hay các loại ngọc khác mà muốn đánh giá chất lượng và lấy giấy xác nhận chất lượng thì nên liên hệ với Trung tâm Ngọc học (liên hệ qua ĐT 0904801954).