| Hotline: 0983.970.780

Thú câu sông và tình yêu đồng quê

Thứ Năm 09/12/2021 , 08:41 (GMT+7)

Người ta bảo anh là thợ câu. Anh lắc đầu. Bởi, anh đi câu không phải để kiếm cá bán, mà vì đam mê, thế thì sao dám nhận là… thợ.

Thú câu cũng lắm công phu

Ấy vậy mà niềm đam mê kia đã “nuốt” của anh kha khá tiền bạc và ít nhiều nhan sắc. Nhìn giàn cần câu, bộ đồ phụ tùng đi câu và gương mặt cháy nắng của anh thì biết. Anh là Trần Minh Hậu ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định).

Một hôm được Hậu mời về nhà “làm mấy lon cho vui”, lời mời hấp dẫn khiến tôi không thể chối từ. Vừa bước qua cổng ngõ, đôi mắt tôi lập tức dán vào “rừng” cần câu anh dựng bên cạnh bàn uống nước trà và nhiều chiếc cần khác được gác nghiêm cẩn trên những chiếc giá đỡ gắn trên bức tường.

Là người “ngoại đạo” trong nghề đi câu, tôi không thể không hỏi một câu không thể vô duyên hơn: “Chứ em sắm cần câu chi lắm vậy?”. Hậu bật cười sảng khoái: “Thì để đi câu chứ sắm chi anh”. “Ý anh muốn nói là đi câu thì chỉ 1 cái cần là đủ, đằng này anh thấy cả hàng chục cần”, tôi chống chế. Hậu nhẩm tính một chặp rồi gật gù xác nhận: “Dạ, tính cả cần câu tay và cần câu máy phải có đến 50 cần”.

Anh Hậu đang sửa soạn cần câu sẵn sàng cho những chuyến câu xa. Ảnh: Vũ Đình Thung

Anh Hậu đang sửa soạn cần câu sẵn sàng cho những chuyến câu xa. Ảnh: Vũ Đình Thung

Những mẫu đối thoại ngắn càng dẫn tôi vào “mê hồn trận” của câu chuyện câu cá. Thấy đôi mắt của tôi không ngừng trố lên, gương mặt càng lúc càng nghệt ra, Hậu chầm chậm giải thích.

Qua câu chuyện của Hậu, tôi dần dần hiểu ra vì sao anh phải sắm cả cần câu tay lẫn cần câu máy. Cần câu tay bị khống chế khoảng cách từ bờ ra điểm buông câu, còn cần câu máy thì khoảng cách ấy là vô cùng. Thế nên cần câu tay chỉ để câu ở những đoạn sông hẹp, còn cần câu máy sẽ phát huy ở những đoạn sông rộng và có thể câu cá biển.

Tuy nhiên, trong cái nhược có cái ưu, còn trong cái ưu cũng có cái nhược. Ví như cần câu tay không thể thả mồi xa bờ được, nhưng câu tay nó cho người câu khoái cảm lớn khi con cá dính mồi; còn cần câu máy tuy thỏa mãn người câu về khoảng cách thả mồi, nhưng lại không cho người câu khoái cảm khi cánh tay cầm cần cảm nhận được sức nặng của con cá dính câu khi cố vùng vẫy thoát thân.

Anh Hậu cho những cần câu được chọn cho chuyến câu vào bọc. Ảnh: Vũ Đình Thung

Anh Hậu cho những cần câu được chọn cho chuyến câu vào bọc. Ảnh: Vũ Đình Thung

“Cần máy có thể câu ở những đoạn sông rộng và kể cả câu biển. Nhưng cần máy câu không thấy sướng bằng cần tay. Ví như câu máy có con cá nặng khoảng 1kg dính câu, khi cá vùng vẫy, kéo lưỡi câu sẽ kích hoạt chiếc còi hú báo động, khi ấy người câu ung dung quay máy thâu dây cước kéo cá vào bờ. Còn cần tay thì không thể kéo ngay con cá vào được, mà tay câu của mình sẽ cảm nhận được cảm giác khoan khoái khi kéo con cá lên khỏi mặt nước. Gặp con cá có trọng lượng nặng, cảm giác đó càng lớn”, Hậu bộc bạch.

Riêng khoản chi phí sắm cần câu đã làm vơi “hầu bao” của Hậu không ít. Những lúc rảnh rổi, Hậu lang thang trên mạng với từ khóa “cần câu” là anh có thể tiếp cận với muôn kiểu cần, giá cả thì “thượng vàng hạ cám”, từ vài ba trăm ngàn đồng đến vài ba chục triệu 1 cần.

“Ví như cần câu tay loại thường thì có giá rẻ, cầm nó thấy nặng tay nhưng nếu gặp cá lớn dễ bị gãy. Cần loại này ít cho người câu cảm giác thú vị khi cá cắn câu, bởi do cứng nên nó ít vít cần khi kéo cá lên khỏi mặt nước. Còn cần carbon của Nhật dù thấy nó nhỏ thó vậy, nhưng câu cá lớn cỡ nào cũng được bởi nó rất dẻo, không sợ gãy, cầm lại nhẹ tênh như không cầm gì nên có tiền triệu. Cần này khi kéo cá, nó vít xuống đã tay lắm. Cần máy thì mua cần riêng, máy riêng. Nếu mua cần Trung Quốc thì chỉ 200 - 300 ngàn 1 cần, còn cần cao cấp của Nhật Bản thì từ vài triệu đến mấy chục triệu tùy loại. Máy câu cũng tùy loại. Máy câu biển thì mua loại có tua nhông lớn để có sức kéo khỏe, câu sông thì mua máy có tua nhông nhỏ hơn. Máy Trung Quốc thì vài ba trăm, máy Nhật cả triệu”, Hậu diễn giải.

Anh Hậu lắp máy vào cần câu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Hậu lắp máy vào cần câu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mê được gần gũi với thiên nhiên

Khi rảnh rỗi, Hậu không cần đắn đo để lựa chọn thú tiêu khiển mà sà ngay vào đống đồ nghề đi câu. Gọi là “đống đồ nghề” bởi không như tôi nghĩ đơn giản là đi câu chỉ mang theo cái cần và cục mồi là xong. Đằng này, mỗi lần đi câu Hậu phải đeo theo cái bọc da dài đựng đến hàng chục cây cần, 1 túi xách nặng trĩu đựng thức ăn, dây cước, thẻo, chì cục, chì thẻ, lưỡi câu, vợt đựng cá, nước uống, thức ăn vặt cho người câu, ghế ngồi câu và dù che nắng.

Câu chuyện làm mồi câu của Hậu cũng khiến tôi nể phục. Để có mồi câu, Hậu bắc chiếc chảo to lên bếp lửa, dốc hết vào chảo hũ bơ lớn. Khi bơ tan thành nước, Hậu đổ cám gà hoặc cám heo vào chảo, khuấy đều đến khi cám vàng cháy, để nguội. Sau đó trộn vào bột bánh in để mồi có độ dẻo cùng các loại cám thính, mỗi loại cám thính có mùi thơm đặc trưng mà từng loại cá thích xơi. Ví như nếu câu cá chép phải mua tép về rang thật giòn rồi xay nhuyễn, trộn thêm vô.

Trong tủ nhà Hậu ngổn ngang những chiếc máy câu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong tủ nhà Hậu ngổn ngang những chiếc máy câu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Hậu, cá nước ngọt thích mồi có mùi vừa tanh của cám gà, cám heo trộn lẫn với mùi thơm của bơ và các loại cám thính có mùi thơm đặc trưng. Mồi câu cá cần độ dẻo để khi thả xuống nước không tan nhanh. Nếu câu ở đoạn sông nước chảy mạnh cần phải làm mồi cứng, để khi thả xuống mồi tan từ từ trong nước, mùi thơm lan dần ra cả vùng nước để dụ cá. Cũng đoạn sông ấy nhưng người câu có cá, người không, ấy là do kỹ thuật chế biến mồi.

“Miếng mồi ngon thả xuống nước sẽ được lũ cá nhỏ bâu đến rỉa làm mùi thơm lan ra cả vùng sông. Nghe mùi, lũ cá ở xa mấy cũng tìm đến thưởng thức, thế là dính câu. Còn người không biết làm mồi thì miếng mồi thả xuống nơi nào chỉ dụ được cá ở đó chứ chẳng thể lôi lũ cá ở xa tìm đến. Mồi câu tốn nhiều tiền lắm, giá mỗi bì cám thính là 25 ngàn đồng, 1 lần làm mồi phải mua 6 bì 6 loại, đó là chưa kể các loại phụ gia khác như bột bánh in, tép, bơ, cám gà, cám heo... Một lần làm mồi tốn đến vài ba trăm ngàn nhưng câu chỉ 2-3 lần là hết, câu ở đoạn sông nước chảy là hao mồi nhất”, Hậu chia sẻ.

Thú câu cá sông được gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: Vũ Đình Thung

Thú câu cá sông được gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: Vũ Đình Thung

Địa bàn câu của Hậu từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Kôn, từ hồ Định Bình ở huyện Vĩnh Thạnh xuống đến huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn và những nhánh sông Kôn ở huyện Tuy Phước. Thi thoảng, để “đổi gió”, Hậu di chuyển vùng câu ra dọc sông La Tinh ở huyện Phù Cát.

Trước khi chọn điểm câu, Hậu lang thang chiếc xe máy đi dọc các con sông để xem đoạn nào nước chảy, đoạn nào nước đứng; nơi nào có loại cá gì để chọn cần và làm mồi câu cho phù hợp. Cá sông có nhiều loại, cá chép, cá sóc, cá diếc, cá trắm cỏ, cá rô phi… Nhiều hôm gặp may Hậu câu được cả 10kg cá. Điều đặc biệt là Hậu không câu cá để bán như nhiều thợ câu khác, cá câu được anh dành lại mấy con ngon làm mồi mời anh em nhậu. Chiến hữu nào đến nhậu khi về còn được Hậu tặng mỗi người mớ cá làm quà. Anh đi câu chỉ vì đam mê.

Thành quả sau 1 chuyến câu của Hậu. Ảnh: Vũ Đình Thung

Thành quả sau 1 chuyến câu của Hậu. Ảnh: Vũ Đình Thung

“Đi câu không mang lại lợi lộc gì nhưng nếu lâu lâu mà không có chuyến câu nào em nhớ lắm. Nhớ cảm giác khoan khoái khi cá dính câu, cảm giác sướng rơn người khi kéo con cá nặng trĩu khỏi mặt nước bỏ vào vợt. Nhớ nhất là quang cảnh những vùng nông thôn êm đềm với những hàng cây, lũy tre, man mác sông nước. Nhờ cái thú đi câu mà em được biết quê mình có rất nhiều vùng nông thôn êm ả. Sau khi buông câu, ngồi ngắm phong cảnh làng quê thì không còn gì bằng”, Trần Minh Hậu chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.