| Hotline: 0983.970.780

Quyết thắng vụ hè thu để bù thiệt hại vụ đông xuân

Thứ Sáu 22/04/2022 , 14:43 (GMT+7)

Mưa lũ bất thường gây hại nặng nề vụ đông xuân 2021-2022, vụ hè thu tới đây, các địa phương vùng Nam Trung bộ quyết giành thắng lợi để bù thiệt hại vụ đông xuân.

Mưa lớn bất thường gây thất thu

Sáng 22/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2021-2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu và vụ mùa năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân 2021-2022, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo sâu sát ngành chức năng và các địa phương sắp xếp mùa vụ hợp lý theo từng tiểu vùng; đề ra các biện pháp cụ thể trước, trong thời điểm xuống giống; đồng thời điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực để quyết giành thắng lợi vụ đông xuân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Khánh.

Cục Trồng trọt đã phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo sản xuất sớm hơn, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và tập trung xuống giống nhanh, gọn; chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Những vùng đủ nước tưới tăng cường đầu tư thâm canh; vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng có lợi thế theo từng vùng và sử dụng ít nước tưới cho cây trồng như: ngô, lạc, rau, đậu…

Dù đã chuẩn bị kỹ càng là vậy, nhưng những đợt mưa lớn bất thường xảy ra vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 đã làm ngập những cánh đồng lúa chín nhiều tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, gây mất năng suất lúa trầm trọng.

Vụ đông xuân này vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên sản xuất được 327.000 ha lúa, tăng 4.650 ha, năng suất ước đạt 63,19 tạ/ha, giảm 4,44 tạ/ha, sản lượng giảm 144 ngàn tấn so với vụ đông xuân năm trước.

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra thiệt hại vụ Đông Xuân 2021-2022 tại Bình Định. Ảnh: Lê Khánh.

Đoàn công tác Cục Trồng trọt kiểm tra thiệt hại vụ Đông Xuân 2021-2022 tại Bình Định. Ảnh: Lê Khánh.

“Vụ đông xuân 2021-2022 thời tiết rất thuận lợi vào đầu mùa vụ nên cây lúa sinh trưởng, phát triển rất tốt, các địa phương tập trung chỉ đạo kịp thời công tác phòng trừ các loại sâu bệnh hại. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối vụ, lúc cây lúa đang giai đoạn trổ, chín thì gặp mưa lớn gây ngập úng, đổ ngã; đồng thời thời tiết lạnh, âm u cũng đã ảnh hưởng lớn đến các trà lúa đang trổ làm giảm năng suất và sản lượng lúa trầm trọng”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay.

Quyết thắng vụ hè thu

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2022 vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ gieo sạ hơn 181.000 ha lúa, năng suất bình quân ước đạt 61,82 tạ/ha, tăng 0,46 tạ/ha; sản lượng vụ này sẽ quyết tăng hơn 14.000 tấn so với vụ hè thu 2021. Còn vụ mùa 2022 vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ sản xuất hơn 267.000 nghìn ha lúa, giảm 4.000 ha so cùng kỳ năm trước; năng suất bình quân ước đạt 53,17 tạ/ha, tăng 0,49 tạ/ha so cùng kỳ.

Căn cứ vào dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn Trung ương và tình hình nguồn nước trong các hồ chứa ở các địa phương, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa.

Theo nhận định của ngành chức năng, mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên được dự báo bắt đầu sớm hơn mọi năm, nên tùy từng khu vực, cần tranh thủ làm đất xuống giống tập trung, nhanh gọn khi đất đủ ẩm để né tránh khô hạn có thể xảy ra vào cuối mùa vụ.

Vùng an toàn nguồn nước tưới sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho cây trồng vào cuối vụ, cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế khô hạn gây hại cây lúa.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi những vùng có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Khánh.

“Đối với các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định, vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm xuống giống từ ngày 25/3-5/4; vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm xuống giống từ ngày 20/5-30/5. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa xuống giống từ ngày 10/5-10/6; các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận xuống giống từ ngày 25/4-20/5.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Trường Sơn xuống giống từ 1/6-20/6; vùng Tây Trường Sơn xuống giống tập trung từ 15/5-10/6, có thể tranh thủ mùa mưa đến sớm gieo sạ trước 15/5 và chấm dứt trước 30/5 để né tránh hạn vào cuối mùa vụ.

Vụ hè thu ở Lâm Đồng xuống giống từ 5-15/4. Lúa mùa 1 vụ tranh thủ gieo sạ khi đủ nước tới và chấm dứt trước 10/7”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, chia sẻ.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết vụ hè thu tới đây, theo kế hoạch, Bình Định sẽ sản xuất 41.805 ha lúa, hiện nay đã xuống giống được 5.810 ha. Vụ hè thu năm nay, Bình Định quyết tâm sản xuất hết diện tích sản xuất lúa và cây màu, bố trí sản xuất phù hợp để quyết giành thắng lợi nhằm bù lại thiệt hại do mưa lũ gây ra cho vụ đông xuân.

“Dự báo trong tháng 5 sẽ có mưa, chúng tôi bố trí lịch thời vụ phù hợp để né mưa, tránh thiệt hại. Vụ hè thu này chúng tôi quyết tăng sản lượng lúa để bù vào mức thiệt hại vụ đông xuân vừa qua”, ông Phúc chia sẻ.

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, theo lịch thời vụ gieo trồng vụ Hè Thu 2022, có 1 số vùng trong khu vực Nam Trung bộ dự kiến sẽ gieo sạ từ ngày 10/5, những vùng này có nguy cơ bị mưa gây hại.

Bởi, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, tại thời điểm ấy lượng mưa sẽ tăng 30-60% so cùng kỳ thì những vùng xuống giống từ ngày 10/5 ắt sẽ dính lũ tiểu mãn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, kiểm tra lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 bị ngã đổ tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, kiểm tra lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 bị ngã đổ tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

“Theo nhận định của ngành thủy lợi, vụ hè thu tới đây sẽ không xảy ra tình trạng thiếu nước tưới. Nếu chúng ta chủ quan đủ nước không tưới tiết kiệm theo phương thức nông-lộ-phơi sẽ dẫn đến hệ lụy là làm giảm năng suất lúa. Bởi, tưới theo phương thức nông-lộ-phơi sẽ hạn chế được đổ ngã còn giảm được lượng phân bón, trong bối cảnh hiện nay giá phân bón tăng dựng đứng nên nông dân đỡ gánh nặng chi phí đầu vào”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.

“Vụ Đông Xuân 2021-2022, mặc dù Bộ NN-PTNT cùng các địa phương rất chủ động trong sản xuất để né tránh những bất lợi, nhưng mưa lớn bất thường vào cuối vụ đã đẩy nông dân vào thế thất thủ, gây mất năng suất trầm trọng, chúng tôi ghi nhận và chia sẻ với các địa phương về những thiệt hại. Trước khi bước vào sản xuất vụ hè thu năm nay, Cục Trồng trọt cần khẩn trương làm việc với các địa phương nắm bắt tình hình thiếu lúa giống để kịp thời khắc phục. Các địa phương cần nỗ lực hết mình để giành thắng lợi vụ hè thu nhằm bù lại thiệt hại vụ đông xuân vừa qua”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.